(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ còn vào ngày nữa, World Cup sẽ khai mạc. Tuy nhiên có vẻ như không khí World Cup tại Việt Nam khá trầm lắng. Tại sao? Cà phê cuối tuần sẽ cùng phân tích vấn đề này với nhà báo Hoàng Lâm - đến từ báo Lao Động.
* World Cup với cá nhân anh như thế nào?
- Tôi tự nhận mình là người yêu bóng đá ở mức... trung bình. Nghĩa là trận đấu nào diễn ra sau 12 giờ đêm là phải rất đắn đo trong việc có nên xem hay không. Tất nhiên những trận đấu lớn ở Champions League, EURO hay World Cup thì đều cố gắng theo dõi thôi. Cách đây 20 năm, World Cup 1994 diễn ra đúng thời điểm tôi chuẩn bị thi Đại học. Thật kỳ lạ, vẫn thức trắng đêm xem bóng đá hầu như tất cả các trận, vẫn học và vẫn... đỗ!, thậm chí đủ điểm học bổng. 4 năm sau là World Cup 1998 là lúc tốt nghiệp, vẫn xem suốt đêm và thật may mắn là tốt nghiệp một cách... an toàn (cười).
Thế nhưng tôi khuyên các bạn trẻ đang ôn thi đừng có “vừa học vừa World Cup”. Dù thế nào đi chăng nữa thì việc ôn thi vẫn quan trọng và cấp thiết hơn nhiều...
* Đúng là có những thời điểm World Cup như một ngày hội thực sự và tất cả đều mong chờ. Nhưng anh có thấy là hình như sức nóng World Cup ngày càng giảm nhiệt...
- Ở đây có nhiều yếu tố. Bóng đá là môn thế thao vua nhưng sự kiện World Cup trong một thế giới ngày càng trở nên phẳng, theo cá nhân tôi là một lĩnh vực giải trí. Để cảm nhận và tận hưởng sự giải trí ấy đầu tiên phải có ổn định về kinh tế đã.
Đâu xa, trước đây, khi có EURO hay World Cup, các siêu thị, cửa hàng lần lượt tung ra những khuyến mại khủng, đặc biệt là những siêu thị điện máy bán TV, đầu số. Ngoài ra còn các tour du lịch kết hợp xem đá bóng. Nhưng với tình hình kinh tế hiện nay, sức mua giảm nên chính các nhà bán lẻ cũng không mặn mà với sự kiện này.
Ở khía cạnh khác, về mặt truyền thông, nếu như trước đây các tòa soạn đều hồ hởi phát hành ấn phẩm phụ “Tin nhanh World cup” nhưng năm nay thì không mấy nơi còn làm. Ngay trên mặt bằng báo chí cũng cho thấy sự trầm lắng. Thời đại thông tin dường như cũng khiến người ta không quá vội vàng với những sự kiện như vậy...
* Đó là do người xem, liệu có nguyên nhân nào từ việc World Cup càng ngày càng thương mại hóa, bị đồng tiền chi phối?
- Cái này thì anh nói đúng ý tôi. Trước đây, World Cup được cho là một vườn hoa mà mỗi quốc gia mang tới đội bóng đá của mình nhưng cũng mang tới những nét văn hóa riêng, thể hiện đất nước con người họ. World Cup không chỉ là ngày hội thể thao mà còn là ngày hội văn hóa, ngày hội của những khát khao tự hào.
Hẳn bạn còn nhớ những giọt nước mắt nghẹn ngào của Jong Tae Se- cầu thủ CHDCND Triều Tiên tại World Cup 2010. Thế nhưng từ EURO tới Wolrd Cup những sự kiện này ngày càng bị thương mại hóa. Đầu tiên là chuyện bạn quyền truyền hình tăng vọt, điều này góp phần khiến VTV phải mua bản quyền World Cup với giá khủng là 7 triệu USD.
Thứ hai, để phục vụ châu Âu thị trường được xem là còn rất "máu me" với trái bóng tròn, FIFA “bắt” các trận đấu đẩy lên đá sớm, rất nhiều trận đá lúc 13 giờ - giờ Brazil dưới cái nắng nóng khủng khiếp. Đá bóng dưới sức nóng ấy có thể khiến bóng đá là môn thể thao vô nhân đạo, khiến người ta có cảm giác cầu thủ là những nô lệ thời hiện đại. Cùng với việc FIFA chấp thuận cho Qatar tổ chức World vào mùa hè 2022 với cái nóng ngoài trời lên tới gần 50 độ C thì tôi cho rằng thay vì là ngày hội của màu sắc văn hóa - thể thao, World Cup giờ chỉ còn lại một màu, màu tiền.
* Đôi khi phải chấp nhận một thực tế là mồ hôi của người này mang lại nụ cười cho người khác. Công bằng ở đây chỉ là sự tương đối thôi...
- Tính thương mại của World Cup còn thể hiện ở chỗ người ta đổ quá nhiều tiền vào quá trình tổ chức và xây dựng hệ thống cơ sở vật chất. 14 tỷ USD mà Brazil bỏ ra đối lập hoàn toàn với mức sống của đa số người dân ở Brazil. Thành ra, trước thềm World Cup, tôi lại rất ấn tượng với hình ảnh những ông tù trưởng người Brazil đi hiên ngang giữa phố tay cầm cung tên sẵn sàng... bắn cảnh sát để phản đối World Cup.
Tấm huy chương nào cũng có hai mặt của nó. Phía dưới những ánh đèn hào nhoáng của SVĐ là những mảnh đời cơ cực mà lẽ ra với số tiền ấy, Brazil có thể mở mang những công trình phúc lợi. Lúc này nghĩ về World Cup ở Brazil, tôi lại thấy Việt Nam may mắn bởi đã ra một quyết định kịp thời là không tổ chức ASIAD năm 2019. Cho dù kinh phí tổ chức ASIAD chỉ bằng “cái móng tay” so với World Cup nhưng nếu cứ cố tổ chức thì Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề xã hội hậu World Cup như Brazil hiện tại.
Ở góc độ ấy, tôi cho rằng ngay cả khi Việt Nam có cơ hội đăng cai World Cup thì chắc chắn không nhiều người tán thành. Lúc này không phải là lúc bỏ ra hàng chục tỷ USD chỉ để tổ chức một lễ hội, dù đó là lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
* Vậy anh có nghĩ World Cup 2014 sẽ tác động ra sao tới đời sống kinh tế, xã hội ở Việt Nam và mức độ của nó đến đâu?
- Có người nói rằng, World Cup chỉ là những trận bóng đá, thích thì xem, không thích thì thôi. Không đơn giản như vậy. Tôi xin kể câu chuyện này: Một anh bạn tôi, người Nhật, làm CEO cho một công ty liên doanh với Nhật ở Việt Nam, anh này từng kể rằng kinh hoàng về tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” của người Việt.
Một tháng Tết sau đó là 3 tháng lễ hội. Năng suất lao động những tháng đầu năm giảm hẳn. Tới đây lại là World Cup 2014 khi các trận đấu phần lớn kết thúc vào giờ làm của sáng hôm sau. Để xem đủ các trận đấu World Cup thì gần như một tháng trắng đêm và... trắng cả sáng!. Anh bạn người Nhật than thở: “Tôi không thể ra văn bản yêu cầu nhân viên không được xem World Cup và có lẽ chúng tôi lại phải chấp nhận một tháng thất bát bởi năng suất. Không thể yêu cầu người lao động tập trung và đạt hiệu quả khi cả đêm hôm trước họ xem bóng đá”.
Đó là một công ty, cho đến nay chưa có thống kê nào về sụt giảm năng suất lao động của toàn xã hội tại mỗi sự kiện như World Cup. Hàng triệu lao động, công chức “vật vờ” đến nơi làm việc, công sở vì thiếu ngủ sẽ mang lại những hệ quả tiêu cực cho xã hội. Đó là chưa kể World Cup chắc chắn kéo theo những tệ nạn như cá độ, trộm cắp...
* Cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags