- Báo chí quốc tế: Việt Nam như phép màu từ thời kỳ đã qua, trở thành kỳ tích mới của châu Á!
- Báu vật sản sinh ra ‘vàng trắng’ của Việt Nam khiến người Trung Quốc trầm trồ: Hàng Việt là số 1!
- Món ăn Việt Nam được dân Trung Quốc mệnh danh là "đặc sản của đặc sản": Không ăn thử thì tiếc cả đời
- Youtuber Mỹ 10 triệu người theo dõi thử 'món ăn nguy hiểm nhất Việt Nam': Phải say mới ăn được
Bất chấp quy mô doanh số xuất khẩu và văn hóa cà phê địa phương sôi động, Việt Nam vẫn chưa được biết đến nhiều là nguồn cung cấp cà phê chất lượng.
Sự độc đáo của cà phê Việt Nam
Rob Atthill (Anh) cho biết ông đã bị cà phê Việt Nam "hớp hồn" trong lần đầu tiên đến quốc gia Đông Nam Á này vào năm 2004.
Hai năm sau, Atthill bắt đầu nhập khẩu cà phê, được trồng bởi những người nông dân ở Tây Nguyên và rang ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho biết doanh số bán cà phê thông qua công ty Ca Phe VN của ông đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới (sau Brazil).
Tổ chức Cà phê quốc tế cho biết, Việt Nam xuất khẩu khoảng 25 triệu bao cà phê loại 60 kg mỗi năm, trị giá trung bình 3 tỷ USD.
Đồ uống này cũng cực kỳ phổ biến ở Việt Nam, kể từ khi lần đầu xuất hiện vào năm 1850 bởi người Pháp.
Đối với người Việt Nam, cà phê không chỉ cung cấp nguồn năng lượng cho cả một ngày làm việc mà còn là một phong cách sống. Các cửa hàng cà phê rất phong phú, từ những quầy hàng nhỏ với những chiếc ghế nhựa trên vỉa hè cho đến những quán cà phê hiện đại, đẹp mắt có máy rang cà phê ở bên trong.
Will Frith, một nhà tư vấn, đồng sở hữu một doanh nghiệp rang xay tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng những người uống cà phê có xu hướng tụ tập tại các quán cà phê yêu thích, nơi như "không gian thứ ba", bên cạnh nhà và nơi làm việc. Khách hàng đồng thời thường kết bạn với chủ quán và nhân viên. Ngoài ra, "gần như mọi hộ gia đình Việt Nam đều pha cà phê tại nhà", Frith nói.
Nhưng bất chấp quy mô doanh số xuất khẩu và văn hóa cà phê địa phương sôi động, Việt Nam vẫn chưa được biết đến nhiều là nguồn cung cấp cà phê chất lượng.
Đó là vì phần lớn hạt cà phê của Việt Nam – khoảng 97% – là Robusta.
Được biết đến với hương vị đậm đà, vị đậm, đắng và hàm lượng caffein cao, hạt cà phê robusta thường được sử dụng để sản xuất các sản phẩm giá rẻ dành cho thị trường đại chúng, bao gồm cà phê hòa tan và cà phê pha ở siêu thị.
Việc kinh doanh số lượng lớn đã mang lại cho loại cà phê này tiếng xấu trên thị trường cà phê đặc sản cao cấp. Những người sành cà phê thường chọn hạt arabica, loại hạt có ít caffein hơn, độ axit cao hơn và hương vị nhẹ hơn.
Lấy lại công bằng cho cà phê Việt
Atthill cho rằng quan điểm này đã lỗi thời, điều quan trọng là chất lượng của hạt cà phê.
"Có robusta chất lượng cao và arabica chất lượng kém", Atthill nói.
Loại cà phê pha tại Ca Phe VN, mà Atthill mô tả là "có vị sô cô la, mạnh mẽ nhưng dễ tiếp cận" chiếm 90% doanh số bán hàng của ông. Atthill nói sự pha trộn này kết hợp 85% hạt cà phê robusta, mang lại độ đậm đà, với một chút arabica, giúp bổ sung độ chua, độ phức tạp và hương thơm.
Giống như Atthill, Sahra Nguyen muốn thay đổi danh tiếng của hạt cà phê robusta đang bị bôi xấu một cách bất công.
Sahra Nguyen khai trương Nguyen Coffee Supply tại Brooklyn, New York, vào năm 2018. Cô mua hạt cà phê từ một trang trại ở Tây Nguyên và tự rang.
Gần đây, Sahra đã thêm Grit – một sản phẩm 100% cà phê robusta – vào dòng sản phẩm của mình và đã tiến hành các thử nghiệm, trong đó khách hàng nếm thử Grit cùng với hai loại cà phê khác là Loyalty (được làm từ 50% cà phê robusta và 50% cà phê arabica) và Courage (được làm 100% arabica) mà không cho biết thành phần.
Nhìn chung, hơn 3/4 số người thử nghiệm ưa thích Grit. Câu trả lời "làm tôi choáng váng", Nguyen nói.
Cà phê Việt Nam cũng đã có một cuộc trở về cội nguồn tại Pháp. Hai vợ chồng Nam và Linh Nguyen mở Hanoi Corner ở trung tâm Paris vào 2018. Ngoài cà phê, quán còn phục vụ trà Việt Nam, bánh ngọt và các món ăn đường phố.
Nam Nguyen, một nhân viên pha chế từng đoạt giải thưởng, cho biết Việt Nam có "một nền văn hóa cà phê độc đáo và hai người muốn giới thiệu nó ở Pháp.
Đồng thời, cà phê đặc sản đang có ảnh hưởng ở quê nhà.
Frith cho biết một thế hệ các nhà rang xay cà phê và doanh nhân kinh doanh quán cà phê Việt Nam mới đang tập trung vào chất lượng – chú ý đến thổ nhưỡng, phương pháp canh tác và áp dụng các kỹ thuật chế biến kỹ lưỡng.
Trong vài năm gần đây, xu hướng pha chế tinh tế ngày càng được chú ý, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh.
"Các quán cà phê ở đây đang trở nên đa dạng và lạ mắt như bất cứ thứ gì bạn tìm thấy ở London hay New York", Frith nói.