"Họa mi" dòng nhạc bán cổ điển Phạm Thu Hà vừa làm một cú "đúp" mang tính tiên phong trong sự nghiệp của mình. Đó là việc thực hiện album video - đĩa than tại studio - phòng thu "2 trong 1" tại Việt Nam với ê-kíp toàn người Việt trong dự án Live Studio Session. Dự án ra mắt công chúng đúng dịp Valentine 2023.
Sau đúng 10 năm kể từ khi đạt giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2013 (hạng mục Album của năm với sản phẩm Classic Meets Chillout), trước sự ra đời của Live Studio Session, Phạm Thu Hà nhận thấy mình đã trưởng thành lên rất nhiều trong sự nghiệp. Cô có cuộc trò chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Sự an trú trong những ca khúc
* Với một sản phẩm gồm 20 ca khúc nhưng lại hội tụ quá nhiều tác giả tên tuổi, chị có nghĩ mình "tham" ở dự án này?
- Những ca khúc được lựa chọn thực hiện cho dự án là những ca khúc mà tôi yêu thích nhất, là sự an trú của tôi trong âm nhạc.Mỗi ca khúc đều gắn liền với kỷ niệm riêng, là những trải lòng của bản thân tôi trong chuyện tình cảm. Tôi muốn mượn những ca khúc này để nói lên những thăng trầm trong cuộc sống mà mình đã đi qua.
Nếu bỏ một trong những ca khúc đó, chắc chắn tôi sẽ đứt đi mạch cảm xúc và dòng chảy âm nhạc trong con người mình. Tôi chấp nhận dù có "tham" một chút thì bản thân mình cũng đã vượt qua được những thách thức đó và cảm thấy rất hạnh phúc!
*Vậy khi đưa phong cách mà mình theo đuổi bấy lâu nay (classical crossover) vào ngần ấy ca khúc, chị có gặp khó khăn gì không?
- Tôi thấyrất dễ dàng khi hát cũng như xử lý tác phẩm. Quan điểm của tôi là bản thân phải thích, phải yêu tác phẩm trước đã thì mới thể hiện hay được.
Nhiều khi mới giới thiệu ca khúc, khán giả tự hỏi rằng sao tôi lại có thể hát được những bài như thế nhỉ? Nhưng khi nghe rồi, khán giả lại vỡ òa và cảm nhận được, vì đó là những gì mà tôi yêu thật.
* Có sự thay đổi nào ở phong cách mà chị đã theo đuổi sau những sản phẩm đã được cho ra đời suốt 10 năm qua?
- Tôi nhận thấy mỗi sản phẩm của mình ngày càng được tiếp cận gần hơn với khán giả. Và trong tương lai, tôi muốn không chỉ hướng đến lượng khán giả cố định mà mình đã có mà còn mở rộng đến giới trẻ nhiều hơn.
Vì thế, tôi vẫn kiên định với dòng nhạc cổ điển giao thoa nhưng sẽ "pop hóa" tất cả các sản phẩm. Đó cũng là lý do mà dự án Live Studio Session trở thành một cột mốc mới trong sự nghiệp của tôi. Bên cạnh đó là việc tôi mời 2 giọng ca trẻ là Nguyễn Đình Tuấn Dũng và Phạm Anh Duy cùng tham gia, vì tôi rất muốn những giọng ca trẻ như vậy sẽ được công chúng biết đến nhiều hơn.
*Làm đĩa than tại Việt Nam đã có nhiều rồi. Nhưng việc thực hiện album video - đĩa than tại studio - phòng thu "2 trong 1" tại Việt Nam với ê-kíp toàn người Việt thì chị đang được cho là tiên phong…
- Hiện nay, công nghệ thu đĩa than từ hệ digital sang hệ analog là một bước tiến, không chỉ giúp các nghệ sĩ thu trực tiếp các sản phẩm mà còn mang tới những cảm xúc chân thật và sống động cho khán giả. Tuy nhiên, việc thực hiện công nghệ này với 1- 2 ca khúc sẽ khác hẳn với 1 chương trình thu âm liên tục 20 bài.
Tất nhiên, phía sau tôi còn là một ê-kíp gần 100 người, bao gồm ban nhạc khoảng 40 người, ê-kíp âm thanh, quay phim và cả khán giả. Chúng tôi phải im lặng tuyệt đối trong suốt quá trình quay và ghi, bởi chỉ cần 1 tiếng động nhỏ thôi cũng khiến tất cả phải thu lại từ đầu. Thế nên, đạo diễn âm nhạc Nguyễn Tuấn Nam nói với tôi: "Lần đầu tiên ở Việt Nam, có một người nghệ sĩ đủ sức khỏe, đủ điều kiện mọi mặt để có thể đầu tư một sản phẩm chất lượng mang tới thị trường âm nhạc Việt Nam như vậy".
"Tại sao mọi người vẫn luôn tự hỏi rằng một người nghệ sĩ của nhạc cổ điển như mình vẫn sống được với nghề hơn 11 năm qua. Vì mỗi ngày trôi qua, tôi luôn muốn đưa âm nhạc cổ điển gần hơn tới công chúng, luôn mong giới trẻ và khán giả Việt Nam nói chung được nghe, cảm nhận hết những ngữ điệu đẹp đẽ của nó" - Phạm Thu Hà.
Tĩnh tại với mọi hỉ, nộ, ái, ố
* Còn cột mốc nào mà chị muốn đánh dấu với "Live Studio Session"?
- Dấu mốc về độ chín! Tôi nghĩ rằng, mỗi một độ tuổi sẽ có độ chín nhất định, và đây là thời điểm chín nhất của tôi, cả về giọng hát, sự trải đời, và những chiêm nghiệm.
Ở thời điểm này, có những show tôi hát liên tục đến 50 bài và tôi biết khán giả còn mong chờ ở mình hơn thế. Vậy tại sao mình không làm điều gì đó khi mình có đủ sức khỏe, điều kiện và đặc biệt là đang ở độ chín của nghề?
*Được biết, đêm nhạc "Be my love" (liveshow đầu tiên của Phạm Thu Hà trong năm 2023 để giới thiệu dự án) không bán vé mà khán giả sẽ tùy tâm ủng hộ để chị dành toàn bộ sự thiện nguyện này cho việc xây dựng chùa…
- Cơ duyên kể ra thì dài lắm, nhưng tôi đã theo chùa Từ Khánh (quận 4, TP.HCM) đến nay là hơn 10 năm rồi. Chùa rất nghèo nhưng vẫn nhận nuôi người già neo đơn, cơ nhỡ. Việc kêu gọi ủng hộ chùa tôi cũng đã làm từ lâu. Sau khi trải qua đợt dịch Covid-19, tôi đến và thấy chùa còn hoang sơ, lụp xụp quá. Vừa rồi, chùa còn bị lụt rất nặng nữa, nên tôi quyết định lấy khoản riêng ủng hộ chùa, hàng năm làm liveshow để nhân rộng lên cơ hội gây quỹ xây chùa từ việc đóng góp của khán giả.
* Câu hỏi cuối cùng, chị nói rằng mình chia sẻ về cuộc đời qua âm nhạc. Vậy đâu là nốt trầm mà chị đã từng trải qua?
- Khi nhắc tới chuyện tình cảm thì ai yêu rồi cũng phải va vấp thôi, tôi cũng không ngoại lệ. Có những cuộc tình mình đã chìm đắm, đã hết lòng và tưởng rằng sẽ đi cùng nhau tới hồi kết nhưng kết cục đôi khi lại bất ngờ với những cú sốc lớn… Ngược lại, âm nhạc thì không bao giờ phản bội mình. Thế nên những gì đã quã tôi coi đó là trải nghiệm.
Đến thời điểm này tôi đã rất tĩnh tại với mọi hỉ, nộ, ái, ốcủa những tác nhân bên ngoài và cảm thấy rất an yên trong cuộc sống. Những gì đã trải qua, tôi chuyển hóa thành sự biết ơn.Tôi biết ơn những điều xảy đến, đã giúp cho bản thân cứng rắn và vững vàng như ngày hôm nay!
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện !
Vài nét về "Live Studio Session"
Bao gồm 20 ca khúc của những tên tuổi như: Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Đức Trí, Đỗ Bảo, Bảo Chấn, Quốc Bảo, Việt Anh, Phùng Tiến Minh, Trường Sa, Châu Đăng Khoa… Live Studio Session được chia làm 4 phần (tương ứng 4 liveshow được thực hiện từ nay đến hết 2023):
Phần 1: những ca khúc trữ tình, lãng mạn quen thuộc: Phố mùa Đông (Bảo Chấn); Biết mãi là bao lâu (Đỗ Bảo); Đời có bao nhiêu ngày vui (Châu Đăng Khoa); Xin lỗi (Hồ Tiến Đạt).
Phần 2 là màn kết hợp của Phạm Thu Hà với hai giọng ca trẻ Nguyễn Đình Tuấn Dũng; Phạm Anh Duy qua 2 ca khúc Như chưa bắt đầu (Đức Trí), Không còn mùa Thu (Việt Anh).
Phần 3 dành riêng cho các tác phẩm của Trịnh Công Sơn qua các ca khúc: Ru tình, Hoa vàng mấy độ, Tiến thoái lưỡng nan...
Phần 4, nữ ca sĩ sẽ đưa khán giả trở về một không gian đậm chất cổ điển - nơi mà cô sẽ phát huy tối đa thế mạnh và sức sáng tạo của mình.
Để giới thiệu đến công chúng dự án, các MV trong Live Studio Session sẽ được phát hành làm 4 đợt trong năm 2023. Hình thức phát hành sẽ bao gồm trên kênh Youtube, Page của ca sĩ Phạm Thu Hà và Spotify. 8/20 ca khúc thu âm hay nhất sẽ được lựa chọn ra đĩa than Analog Audio.
Tags