Điều mà những người yêu rock quan tâm là liệu Bức Tường sẽ lay động “trái tim” họ như thế nào? Trước thời điểm Đất Việt chính thức phát hành, Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với ca sĩ Trần Lập.
* Tôi vẫn cho rằng, một ban nhạc rock hàng đầu như Bức Tường ắt hẳn sẽ không thể dễ dãi với mình ở sản phẩm đánh dấu chặng đường 20 năm. Thực sự thì các anh đầu tư cho album này thế nào?
- Những album thời kỳ đầu của chúng tôi dẫu được công chúng đón nhận, bán rất chạy, nhưng nói thực về mặt âm thanh, ban nhạc chưa thể thỏa mãn. Điều đó cũng do hoàn cảnh lịch sử, vào thời kỳ đó kỹ thuật phòng thu còn chưa tốt, có muốn làm tốt hơn cũng rất khó. Bây giờ sau 20 năm, ban nhạc quyết định đầu tư thích đáng cho album cả về mặt nội dung lẫn chất lượng âm thanh.
Chúng tôi đã dành 1 năm cho dự án này. Từ 15-16 ca khúc, chúng tôi chọn ra 10 ca khúc. Chúng tôi xác định không cần chạy đua về số lượng mà cần những bài hát phù hợp với chủ đề. Quan điểm là phải làm ra một sản phẩm mà bản thân phải thấy hài lòng đã mới đưa ra công chúng. Chúng tôi chọn phòng thu, chọn thiết bị, chọn con người và rất tập trung để làm sao cho tốt. Tìm đúng chuyên gia hiểu mình, gu âm nhạc hay để cộng tác. Chúng tôi bắt tay với nhạc sĩ Trần Thanh Phương, người có mặt trong cả 3 album đầu.
Đất Việt là ca khúc được chọn để đặt tên cho album. Trước đó mười mấy năm, chúng tôi đã có ý tưởng về ca khúc này nhưng chưa dựng được. Đây là một bài theo phong cách symphony rock mà ý tưởng ban đầu dự định gồm có 5 chương. Thế rồi sau 17 năm nó được dựng lên thành một trường ca ít phức tạp hơn nhưng lại ấn tượng hơn. Ca khúc này rất xứng đáng lấy tên cho album kỷ niệm 20 năm của Bức Tường và cũng là món quà ban nhạc muốn gửi tới khán giả.
* Nói gì thì nói một sản phẩm âm nhạc tốt đến mấy, nhưng không làm tốt công tác quảng bá thì chưa chắc đã đạt kết quả tốt. Mà tôi thì thấy các anh có vẻ lặng lẽ?
- "Hữu xạ tự nhiên hương" đúng là câu chuyện của ngày xưa rồi. Tuy nhiên, hiện nay Bức Tường đã ở trong giai đoạn không cần quá chú trọng về danh tiếng và hình thức nữa, chúng tôi cần sản phẩm xứng đáng với bề dày của ban nhạc. Sự quảng bá về hình ảnh và truyền thông rất cần thiết nhưng không phải mục tiêu hàng đầu nữa.
* So với thời kì Bức Tường khởi nghiệp cách đây 20 năm, anh thấy vị trí của rock trong đời sống như thế nào?
- So với các dòng nhạc bây giờ, rock vẫn rất yếu, nhưng so với chính nó hồi xưa thì giờ chất lượng đã cao hơn. Những chương trình rock trong mấy năm trở lại đây được tổ chức sản xuất, đầu tư âm thanh ánh sáng, không còn tèm nhẹp như những chương trình dành cho sinh viên đơn thuần. Tuy nhiên ngần ấy đã đủ hay chưa? Câu trả lời là chưa.
* Anh nhận xét thế nào về các ban nhạc rock trẻ hiện nay?
- Các ban nhạc trong nhiều năm đã tiến bộ hơn xưa rất nhiều. Bây giờ các bạn ấy có Internet, có điều kiện học hỏi, cọ xát quốc tế, thậm chí có điều kiện mua các thiết bị thu thanh để tự phục vụ chính bản thân mình. Có những ban nhạc đi lên từ cuộc thi truyền hình, sân khấu nhỏ, thậm chí Internet, nhưng khi có cơ hội đứng trước một sân khấu hàng ngàn người họ lại diễn live rất tốt. Tôi nhìn thấy sự say mê ở họ, nhưng đến mức có thể hy sinh tất cả để làm thành một sự nghiệp thì chưa nhìn thấy nhiều.
* Sự hy sinh ư, thời kỳ nào anh từng phải đứng trước những lựa chọn sống còn?
- Có rất nhiều chứ. Cách đây 5-6 năm khi Bức Tường tuyên bố không chơi nhạc nữa, đó là quyết định gây tốn không biết bao giấy mực. Cuối cùng chúng tôi quay lại chơi tiếp, thử thách mới đến, thấy kích thích kinh khủng, lại cảm thấy... được sống.
Nhưng mọi chuyện cũng đã khác xưa. Trong ban nhạc, mỗi người lại có một nghề nghiệp, khi tuổi càng lớn càng nhiều sự thúc giục hơn. Bỏ cái này theo cái kia, hay là không, luôn là sự giằng co. Nhưng không hiểu sao cuối cùng âm nhạc vẫn thắng. Có lúc ngồi thừ ra, vì lỡ nó bất thành thì sẽ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình, thậm chí cộng đồng rock. Rồi thấy không muốn nghĩ nữa. Đó là thử thách của chúng tôi thời hiện tại. Áp lực không chỉ làm ra một sản phẩm thu hút khán giả, đi tour, mà còn phải cân bằng âm nhạc với nhiều thứ khác nữa.
* Cho đến thời điểm này anh cảm thấy đã trút bao nhiêu gánh nặng?
- Chẳng được bao nhiêu, gánh này hết thì gánh kia đè xuống tiếp. Công việc phải làm với ban nhạc vẫn như ngày trước. Xã hội ngày càng nhiều áp lực. Tuổi mình thì lớn lên, sự nhiệt tình với âm nhạc của mình không đổi, nhưng xã hội bây giờ khác, mình cứ sùng sục lên cũng không được. Nếu bắt anh em bỏ hết công việc riêng đi để luyện tập, thu thanh, sản xuất MV... không thể được.
Khi chúng tôi ra album thì mọi người sẽ hỏi có làm MV, live show, đi tour không? Để làm ngần ấy thứ một lúc cần có guồng máy hỗ trợ lớn. Trong khi ban nhạc để bố trí một tuần 2 buổi tập đã khó, lại còn chen vào chụp hình, phỏng vấn làm này làm nọ. Có những điều không như mình mong muốn.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Ban nhạc Bức Tường hiện nay gồm: Trần Lập - Trưởng nhóm, Trần Tuấn Hùng, Nguyễn Minh Đức, Vũ Văn Hà và Phạm Trung Hiếu. Các album đã phát hành: Tâm hồn của đá, Vô hình, Nam châm, Ngày khác. |
Hà Chi - Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags