Ngoài ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, một số gương mặt quen thuộc trong giới âm nhạc cũng xuất hiện như ca sĩ Tùng Dương, NSND Quang Thọ, nghệ sĩ kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn, nhạc sĩ Phó Đức Phương...Và ở thời điểm tấm biển tên "Trịnh Công Sơn" được chính thức gắn lên, Tùng Dương và nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cùng nhau thể hiện ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội như một cách tri ân đặc biệt về cố nhạc sĩ này.
"Tôi hạnh phúc, hạnh phúc đến mức không biết nói gì hơn" – Trịnh Vĩnh Trinh nghẹn ngào nói. "Xin cám ơn tấm lòng của người Hà Nội, khi mọi người vẫn nhớ về anh Sơn và dành cho anh một vinh dự đặc biệt tại thành phố này. Và ở một nơi nào đó, nếu biết được chuyện này, hẳn anh tôi cũng rất vui mừng và xúc động".
Dài gần 1 km, phố Trịnh Công Sơn nằm sát Hồ Tây, nối từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến dốc ngã ba đê Âu Cơ (quận Tây Hồ). Phố nhỏ nhưng khá yên tĩnh vì có khá nhiều đầm sen – thay vì những công trình xây dựng.
Theo lời ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, sự tinh tế vốn có của người Hà Nội đã được thể hiện rất rõ khi chọn đặt tên Trịnh Công Sơn cho đoạn phố này. Không chỉ bởi những ca từ liên quan tới hình ảnh "Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mờ gọi", sự yên tĩnh và trầm mặc của con đường còn rất phù hợp với tâm tính của tác giả Nhớ mùa thu Hà Nội – một người lãng mạn, thích gần gũi thiên nhiên cỏ cây và những khung cảnh bảng lảng khói sương.
Trước Hà Nội, 3 thành phố khác là Huế, Đà Nẵng và Tp HCM cũng đã đặt tên Trịnh Công Sơn cho những con phố của mình. Tuy nhiên, theo lời ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh con đường mang tên Trịnh Công Sơn tại Huế vẫn chưa giải tỏa mặt bằng xong, còn con đường tại TP HCM thì thuộc về một khu đô thị tư nhân nên tiếp cận hơi khó khăn.
Cũng trong sáng 26/8, lễ gắn biển tên phố Nguyễn Đình Thi đã được TP Hà Nội tổ chức. Phố Nguyễn Đình Thi chạy dài gần 2 km, bao sát hồ Tây, kéo dài từ khu vực công viên Lý Tự Trọng cho tới làng Trích Sài. Như vậy, 2 nhạc sĩ tài hoa, có những sáng tác tiêu biểu về Hà Nội, đều được vinh danh ở những con đường đẹp và lãng mạn bậc nhất Hà Nội.
Sơn Tùng
Tags