"Con đường âm nhạc" số đầu tiên của năm 2023 sẽ diễn ra 20h ngày 2/4 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội (tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1) sẽ khắc hoạ chân dung âm nhạc của ca sĩ - TS âm nhạc Tân Nhàn.
Lần đầu tiên chương trình Con đường âm nhạc, hai MC kỳ cựu sẽ tham gia dẫn dắt chương trình là Mỹ Vân và Anh Tuấn bởi chương trình vốn chỉ có MC duy nhất. Theo chia sẻ của MC Mỹ Vân, sự thay đổi đặc biệt này nhằm tạo thêm màu sắc cho Con đường âm nhạc hấp dẫn hơn.
Chia sẻ về việc mời ca sĩ Tân Nhàn "mở màn" cho chương trình năm 2023, MC Mỹ Vân cho biết: "Con đường âm nhạc ra đời để vinh danh những nghệ sĩ có hoạt động nghệ thuật sôi nổi, có cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam. Tân Nhàn là một nghệ sĩ đáp ứng được tất cả tiêu chí đó.
Tiếng hát của Tân Nhàn không chỉ được giới chuyên môn công nhận mà còn đi sâu vào lòng quần chúng nhiều thế hệ. Âm nhạc của Tân Nhàn mang âm hưởng dân gian nhưng hòa quyện với hơi thở thời đại, rất dễ nghe, dễ cảm, dễ thấm. Tân Nhàn có độ phủ sóng rất lớn. Phong độ trong nghề ổn định, luôn có chiều hướng đi lên".
Theo chia sẻ từ Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam - đơn vị tổ chức sản xuất chương trình, Con đường âm nhạc - chân dung Tân Nhàn - sẽ xây dựng chân dung của nữ nghệ sĩ không chỉ nổi tiếng với dòng nhạc dân gian mà còn là một nghệ nhân hát nhạc truyền thống bằng hơi thở của thời đại, luôn nỗ lực tôn vinh và phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam theo cách riêng của mình, một nhà giáo luôn khát vọng đào tạo nên những tài năng cho âm nhạc Việt Nam.
"Chúng tôi rất ấn tượng với những cống hiến của Tân Nhàn cho âm nhạc truyền thống Việt Nam như những gì cô ấy đã làm trong tròn 1 thập kỷ nay, tiêu biểu như album Yếm đào xuống phố, Níu dải lụa đào và liveshow Trở về năm 2019 đã được Giải Cống hiến cho hạng mục Chương trình của năm của cô ấy.
Với âm nhạc truyền thống, điều khác biệt của Tân Nhàn chính là cô có thể hát những ca khúc cổ với phong cách một nghệ sĩ nên chúng tôi không biết nên gọi Tân Nhàn là nghệ sĩ hay nghệ nhân nữa, bởi nghệ sĩ thường đưa tác phẩm lên tầm kỹ thuật, sân khấu hoá, nhưng ở Tân Nhàn lại rất tài tình khi kết hợp được kỹ thuật với đời sống dân dã của tác phẩm, đem đến cho tác phẩm một đời sống mới, không bị "biến chất" mà vẫn hợp thời đại, hợp xu hướng. Đó là chất riêng của Tân Nhàn, không thể trộn lẫn" - Mỹ Vân nhận định.
Chương trình Con đường âm nhạc - Tân Nhàn được chia thành 2 phần rõ rệt, 50% chương trình là những ca khúc mang âm hưởng dân gian mà Tân Nhàn hát thành công nhất, đưa tên tuổi Tân Nhàn từ Giải Nhất Sao Mai 2005 nhanh chóng đến với công chúng và 50% là âm nhạc truyền thống với những bài dân ca nổi bật trong kho tàng di sản âm nhạc Việt Nam.
Khách mời của chương trình "Con đường âm nhạc" lần này là NSƯT Đình Cương - người thầy dạy hát văn của Tân Nhàn và Tiến sĩ âm nhạc - Sao mai Thu Hà - người bạn thân thiết đã đồng hành cùng Tân Nhàn từ thuở hàn vi.
Tròn 1 thập kỷ đeo đuổi, tâm huyết, nỗ lực hết mình, con đường của Tân Nhàn với âm nhạc truyền thống chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng cô luôn kiên trì và xác định đó chính là sứ mệnh, là đóng góp nhỏ bé của người nghệ sĩ đã được Tổ nghiệp yêu thương, cho cô những hào quang của nghề nghiệp, và cô dâng tặng những đóng góp này cho nỗ lực bảo tồn, phát triển âm nhạc truyền thống nói riêng, văn hóa của dân tộc nói chung.
Trên con đường âm nhạc của Tân Nhàn, có một khía cạnh không thể không nhắc đến, và cũng là khía cạnh mà Tân Nhàn đặc biệt coi trọng trong sự nghiệp của mình, đó là sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Không chỉ là nghệ sĩ nổi danh, Tân Nhàn còn là Tiến sĩ âm nhạc - Phó trưởng khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Cô từng đào tạo ra nhiều tài năng cho âm nhạc Việt Nam, nhiều học sinh của cô đã giành giải âm nhạc lớn trong nước và quốc tế. Như: Lại Thị Hương Ly - Cúp vàng Festival âm nhạc Châu Á Thái Bình Dương 2017, Giải 3 Sao Mai 2017, HCV Tài năng trẻ các trường nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc-2017; Nguyễn Thị Thanh Quý - Top 3 Sao Mai 2019, Á quân tuyệt đỉnh song ca 2018, HCB Tài năng trẻ toàn quốc-2016; Lan Quỳnh - Giải Nhất Sao Mai 2022...
Năm 2019, Tân Nhàn bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đào tạo thanh nhạc, trở thành Tiến sĩ âm nhạc trẻ nhất Việt Nam ở thời điểm đó.
Bên ngoài câu chuyện về âm nhạc, về nhiệt huyết trong vai trò người thầy, Tân Nhàn không giấu chuyện mình may mắn là một trong số những nghệ sĩ dòng nhạc dân gian có thể sống bằng nghề một cách rất thảnh thơi.
"Tôi không giấu rằng mình có mức thù lao tốt trong những nghệ sĩ dòng nhạc chính thống, nên có thể sống đàng hoàng với nghề và đủ sức để đầu tư cho nghệ thuật. Một tháng không cần chạy show 30 ngày, chỉ chạy show 3 ngày tôi cũng có thể nuôi sống mình và nuôi nghề. Chính bởi may mắn như vậy, nên tôi muốn được cống hiến hết mình cho lý tưởng, tham vọng mà mình theo đuổi. Tôi sẽ tiếp tục con đường tôn vinh, chấn hưng âm nhạc truyền thống và cống hiến hết tâm sức của mình cho các thế hệ học trò- tương lai của nền nghệ thuật nước nhà" – Tân Nhàn bộc bạch.
Tags