(Thethaovanhoa.vn) - Các đại dương trên Trái Đất đang ấm dần lên trong 12.000 năm gần đây, cho thấy tác động rõ rệt của con người đối với khí hậu toàn cầu. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu công bố tạp chí Nature số ra ngày 27/1.
Các tính toán trước đây về nhiệt độ của đại dương kéo dài qua nhiều thiên niên kỷ thường dựa trên các phân tích về đá trầm tích và kết luận rằng nhiệt độ của các đại dương đã đạt đỉnh vào 6.000 năm trước, sau đó dần nguội đi. Tuy nhiên, kết luận này mâu thuẫn với các số liệu về nhiệt độ toàn cầu, khi cho thấy xu hướng ấm lên, với tốc độ nhanh hơn kể từ thời kỳ cách mạng công nghiệp.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Trung Quốc đã đánh giá các biểu đồ nhiệt độ nước biển và phát hiện thấy chúng thường thể hiện các mức nhiệt khác nhau theo mùa, thay vì nhiệt độ trung bình hằng năm. Sau khi sắp xếp theo sự khác biệt này, họ phát hiện nhiệt độ nước biển thực tế vẫn tăng đều cùng với nhiệt độ không khí trong 12.000 năm qua.
Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, bà Samantha Bova, thuộc Phòng nghiên cứu Đại dương và Duyên hải Rutgers, cho biết kết quả trên cho thấy tác động của khí thải nhà kính đối với tình trạng nước biển dâng và nhiệt độ không khí tăng trong kỷ địa chất Holocene cũng như trong tương lai.
Bà cho biết các tính toán chỉ ra rằng nhiệt độ nước biển tăng dần từ 12.000-6.500 năm trước là do băng tan. Tuy nhiên, từ khoảng 6.000 năm trước, nhiệt độ nước biển tăng tương ứng với nhiệt độ không khí và mức khí thải nhà kính trong khí quyển. Bà Bova kết luận nghiên cứu đã loại bỏ tất cả các nghi ngờ về vai trò quan trọng của khí CO2 trong việc khiến Trái Đất ấm lên.
- Nước Mỹ với việc chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu
- Biến đổi khí hậu khiến 'tuyết xanh' xâm chiếm Nam Cực
- Biến đổi khí hậu: Nước biển dâng đe dọa nhấn chìm khoảng 80 sân bay trên thế giới vào năm 2100
Các biểu đồ nhiệt độ nước biển mới cũng cho thấy các đại dương đang ấm lên giống với kỷ gian băng, khoảng 125.000 năm trước. Các đại dương hấp thụ tới 90% bức xạ nhiệt do các hoạt động công nghiệp kể từ giữa thế kỷ 17, tương đương 25% khí thải carbon.
Các vùng biển ấm lên đặt ra thách thức đối với các sinh vật biển, khi các nghiên cứu gần đây cho thấy thực trạng các loài này thích ứng khó khăn hơn với nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra, nước biển ấm lên còn làm tăng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và lũ lụt.
Minh Tuấn/TTXVN
Tags