(Thethaovanhoa.vn) - Sau một thời gian dài đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội đã cho phép các di tích mở cửa trở lại, đón khách trong dịp đầu năm mới Nhâm Dần.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các đền, chùa, phủ đã mở cửa như: Chùa Quán Sứ, Trấn Quốc, Vạn Niên, Tảo Sách, Phúc Khánh, phủ Tây Hồ… đều khá đông người đến tham quan, chiêm bái lễ Phật, lễ Thánh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên so với các năm trước, lượng người đã giảm hơn rất nhiều.
Tại Phủ Tây Hồ, điểm tâm linh nổi tiếng của Hà Nội, nếu như tháng Giêng năm trước rất đông người đến lễ gây tình trạng tắc nghẽn, khiến Ban Quản lý di tích phải đóng cửa tạm ngừng đón khách nhiều lần, nhưng năm nay lượng người đến lễ giảm mạnh.
Ông Trương Tín Hồi, Trưởng ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ cho biết, dịp Tết Nguyên đán di tích đóng cửa nên khách chỉ đứng ngoài vái vọng. Trong những ngày mở cửa, lượng khách đến lễ chỉ bằng 1/10 so với năm ngoái và dự kiến đến chính Rằm tháng Giêng khách cũng không quá đông.
Thượng tọa Thích Tâm Hoan – Trụ trì chùa Hòe Nhai cho biết, lượng khách đến lễ Phật tại chùa không đông như các năm, dù thông thường tháng Giêng nhu cầu đi lễ của người dân rất nhiều. Khách đến chùa đều thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giãn cách, khai báo y tế…Mọi người đều ý thức đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.
- Các cơ sở tôn giáo, di tích Hà Nội mở cửa trở lại từ ngày 8/3
- Di tích Hà Nội liên tục bị xâm hại: Lỗ hổng từ quản lý đến nhận thức
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa có công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các di tích. Sở đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ thông báo cấp độ dịch của thành phố để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, các Ban quản lý di tích chủ động thực hiện công tác quản lý, đón tiếp khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa phù hợp theo từng cấp độ, đảm bảo an toàn, linh hoạt, hiệu quả.
Việc mở cửa đón khách phải tuân thủ đúng các hướng dẫn về phòng dịch của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của thành phố.
Sở Văn hóa và Thể thao cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các điểm di tích lịch sử - văn hóa xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện phòng, chống dịch.
Tất cả các điểm di tích đều phải có mã QR để quản lý người ra, vào và khai báo y tế theo quy định; bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng không để tập trung đông người gây ùn ứ, ách tắc. Các địa phương khuyến khích người tham gia các hoạt động tại di tích cần tiêm đủ 2 liều vaccine trở lên hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ; thường xuyên khử khuẩn, bố trí nước/dung dịch rửa tay trước/sau khi ra vào khu di tích lịch sử – văn hóa.
Đối với lễ hội, thành phố tiếp tục không tổ chức phần hội, chỉ thực hiện các nghi lễ với thành phần tham dự chính, đồng thời chủ động có phương án hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết theo thẩm quyền. Các đơn vị có trách nhiệm triển khai công tác bảo vệ, giữ gìn di tích, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống đảm bảo phù hợp với tình hình dịch.
Đinh Thuận/TTXVN
Tags