Từ chiều tối 2 – 4/7/2024, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40 - 80 mm, cục bộ có nơi trên 150 mm.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa trên 80 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp tại các tỉnh miền núi phía Bắc, gây một số thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
* Chủ động chỉ đạo
Ngày 2/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 65/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó với mưa lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Trong 2 ngày 2 - 3/7, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa to kéo dài trong nhiều giờ, nước thượng nguồn đổ về lớn khiến nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập úng cục bộ, sạt lở đất, gây ách tắc giao thông, thiệt hại nhiều công trình phúc lợi và tài sản của nhân dân.
Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các công trình, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn để bảo đảm an toàn cho công trình, an toàn cho vùng hạ du. Đồng thời yêu cầu các nhà máy thủy điện theo dõi sát lưu lượng lũ về hồ chứa, thực hiện đúng quy trình vận hành nhà máy, quy chế phối hợp cung cấp thông tin và vận hành đóng, xả lũ trên lưu vực sông Lô, sông Miện… đảm bảo người dân vùng hạ lưu kịp thời ứng phó với diễn biến thời tiết và mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra.
Nhằm kịp thời nắm bắt thiệt hại do mưa to, ngập úng cục bộ tại nhiều tuyến đường trên trục Quốc lộ 2, thiệt hại hàng chục hecta hoa màu và nhiều tài sản của người dân, huyện Vị Xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, chủ động tuyên truyền tới người dân về tình hình mưa lũ; rà soát lại các vị trí xung yếu, các điểm có nguy cơ sạt lở để chủ động các biện pháp sơ tán người dân đến các khu vực an toàn khi có lũ lụt xảy ra; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các khu vực ngập úng, sạt lở để cảnh báo người dân.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh; sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Các địa phương bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát, khơi thông dòng chảy; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Ngay sau khi ngớt mưa, lũ trên các sông, suối giảm, các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lớn. Tại thành phố Hà Giang, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động đông đảo cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 877 và lực lượng dân quân tự vệ giúp người dân khơi thông dòng chảy, cứu hộ, cứu nạn; sơ tán, di dời người và phương tiện, tài sản đến nơi an toàn.
Công an tỉnh Hà Giang huy động lực lượng, phương tiện, phối hợp với Công an các huyện, thành phố kịp thời có mặt tại các điểm ngập úng, sạt lở đất để điều tiết giao thông; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại những nơi có nguy cơ sạt lở cao, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan...
*Triển khai kịp thời
Tại Bắc Kạn, mưa lũ khiến 7,85 ha lúa, ngô, mạ bị thiệt hại; tại huyện Na Rì và huyện Chợ Mới có 3,3 ha ao cá bị ngập, vùi lấp. Mưa lũ cũng gây sạt lở taluy dương nhiều vị trí trên 6 tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới, với khối lượng khoảng 6.500 m3. Tại huyện Na Rì, sạt lở taluy âm đường xã Văn Vũ dài khoảng 20 m và sạt lở taluy dương đường Nặm Thiếu, thị trấn Yến Lạc khoảng 70 m3. Đường vào Trung tâm huấn luyện Công an tỉnh Bắc Kạn (tại thành phố Bắc Kạn) cũng bị bùn, nước chảy tràn khắp mặt đường. Tại huyện Bạch Thông, sạt lở xảy ra tại đường liên thôn xã Lục Bình...
Trước tình hình đó, các địa phương của tỉnh Bắc Kạn đã triển khai công tác khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); hỗ trợ nhân dân khắc phục các hư hỏng về nhà ở để ổn định chỗ ở; thông đường đảm bảo giao thông. Văn phòng trực ban cấp huyện, xã tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến người dân để phòng tránh; tổng hợp báo cáo thiệt hại theo quy định...
Thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 2/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND gửi hỏa tốc tới các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, nhằm chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tại khu vực tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã yêu cầu các huyện, thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh, một số sở, ngành, chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó; khắc phục hậu quả mưa lũ theo quy định.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho biết, trận mưa lớn liên tục kéo dài đã gây thiệt hại lớn về nhà ở, tài sản, đường giao thông, thủy lợi và sản xuất nông nghiệp của nhân dân, chủ yếu trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Theo số liệu rà soát từ các xã, thị trấn của huyện Bắc Sơn, đến 15 giờ ngày 3/7, mưa lũ đã làm 12 căn nhà tại các xã: Nhất Tiến, Nhất Hòa, Trấn Yên, Vũ Lăng bị hư hỏng nặng; gây sạt lở hơn 14 điểm trên tuyến đường ở các xã: Nhất Hòa, Vũ Lăng, Long Đống, Hưng Vũ. Các khu vực ngầm, tràn, khu vực trũng, thấp, một số khu vực giao thông tại các xã: Nhất Hòa, Tân Thành, Hưng Vũ bị ngập sâu, bị chia cắt. Mưa lớn khiến hơn 343 ha diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng; làm sạt lở taluy dương mương dẫn nước hồ chứa Khau Hường tại xã Chiến Thắng và 7/13 hồ chứa nước vượt tràn...
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở, tránh thiệt hại cho nhân dân, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tập trung ứng phó với thiên tai. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với Đài khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, kịp thời đưa các bản tin cảnh báo đến các cấp chính quyền địa phương để kịp thời ứng phó; trực ban 24/24 giờ.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Sơn kiểm tra thực địa, chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ cùng nhân dân hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, di dời của cải và những vật dụng còn dùng được ra khỏi nhà; đồng thời vận động gia đình bị sạt lở và các hộ có nguy cơ sạt lở cao di dời đến nơi an toàn. Các khu vực ngầm tràn bị ngập, đường bị sạt lở, chính quyền cần lắp đặt biển cảnh báo và bố trí lực lượng canh giữ không cho các phương tiện và người dân qua lại tại các khu vực nói trên, dù hiện nay mực nước đã giảm…
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng 4/7, ở khu vực Việt Bắc và Tây Bắc Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, cục bộ có nơi hơn 80mm. Từ chiều 4/7, mưa lớn ở khu vực Việt Bắc và Tây Bắc Bắc Bộ có khả năng giảm dần.
Tags