(Thethaovanhoa.vn) - Trong tháng Ramandan diễn ra, những người theo đạo Hồi buộc phải nhịn ăn vào ban ngày. Yếu tố này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và thể lực của các cầu thủ tham dự World Cup 2018. Vậy các đội tuyển có giải pháp nào để cân bằng tất cả?
Iran
Năm 2018, lễ Ramadan bắt đầu từ ngày 15/05 đến ngày 14/06. Tuy nhiên, lịch Hồi giáo tại mỗi quốc gia có sự khác nhau do chênh lệch múi giờ nên đội tuyển Iran vẫn tuân thủ quy định của tháng Ramadan cho tới hết ngày 15/06. Đồng nghĩa, Iran vẫn phải nhịn ăn trong trận đấu với Morocco thuộc bảng B World Cup 2018.
Đối với Iran, họ không có nhiều lời phàn nàn về những ảnh hưởng của tháng Ramadan có thể gây ra. “Ramadan không tạo ra quá nhiều tác động tiêu cực tới việc luyện tập của chúng tôi”, tiền đạo Reza Ghoochannejhad chia sẻ.
Saudi Arabia
Saudi Arabia chính là đối thủ đầu tiên của nước chủ nhà Nga trong kỳ World Cup 2018. Hiện tại, Saudi Arabia đóng quân tại St. Petersburg, nơi mặt trời chiếu sáng 18 giờ mỗi ngày. Nghĩa là, Saudi Arabia không được phép ăn gì trong 18 tiếng liên tiếp.
Tuy nhiên, trận đấu với đội tuyển Nga diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng Ramadan nên đội tuyển Saudi Arabia đã xin phép dời ngày thực hiện cho tới khi kết thúc giải đấu. Quan chức của Saudi Arabia đã chấp thuận và cấp giấy phép cho các cầu thủ của mình.
Thực tế, việc xin phép miễn trừ tháng Ramadan có trong quy định của họ. Quy định này áp dụng với những người lao động nặng, đang ốm, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi và những ai đang đi du lịch ở nước ngoài mà ở đó không lấy đạo Hồi làm quốc giáo.
Morocco
Trong số các quốc gia đối mặt với ảnh hưởng từ tháng Ramadan ở World Cup 2018, Morocco là đội im tiếng nhất. Cả Liên đoàn bóng đá Morocco lẫn các nhà chức trách ở quốc gia này đều không bình luận gì về công tác chuẩn bị cho các trận đấu của đội tuyển.
Giống Iran, Morocco cũng chưa kết thúc tháng Ramadan sau trận đấu mở màn. Cả hai đội phải thi đấu xong mới được trở lại ăn uống bình thường.
Tunisia
Toàn đội Tunisia vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy định trong tháng Ramadan, nhưng không phải cầu thủ nào cũng thực sự hài lòng. Tiền vệ Wahbi Khazri đã chia sẻ rằng việc trải qua tháng Ramadan “rất khó khăn… Chúng tôi không thể ăn hay uống (khi mình muốn). Thực sự, điều này ảnh hưởng nhiều tới việc luyện tập và chuẩn bị cho các trận đấu”.
Ai Cập
Liên đoàn bóng đá Ai Cập đã thuê một chuyên gia dinh dưỡng nhằm đảm bảo tháng Ramadan không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình chuẩn bị của đội tuyển. Tuy nhiên, điều này không thực sự đem lại được nhiều hiệu quả. Ai Cập đã không thể giành bất cứ trận thắng này trong lượt trận giao hữu khởi động trước thềm giải đấu.
Nigeria
Đại diện châu Phi chỉ có nửa đội hình theo đạo Hồi. Điều này giúp HLV Gernot Rohr giảm bớt được nhiều khó khăn hơn so với các đội bóng khác. Dẫu vậy, ông vấn rất thận trọng trong việc sắp xếp đội hình ra sân. Mặc dù tới Chủ nhật 17/06 mới thi đấu nhưng HLV Rohr dự kiến để hai cầu thủ quan trọng gồm tiền đạo Ahmed Musa và hậu vệ Shehu Abdullahi nghỉ ngơi.
“Ở trận đấu đầu tiên, rất khó để gạt bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của quãng thời gian Ramadan. Việc hồi phục toàn bộ năng lượng cần nhiều thời gian”, HLV Rohr chia sẻ.
Senegal
Là một nước theo đạo Hồi, Senegal cũng gặp không ít khó khăn giống các đội bóng trên. “Như mọi người đều biết, bóng đá đỉnh cao và các quy định trong tháng Ramadan không phù hợp với nhau. Dẫu vậy, tôi vẫn luôn đảm bảo các cầu thủ có sức khỏe tốt nhất để thi đấu”, HLV Aliou Cissé phát biểu.
Tuy HLV của Senegal không cho biết cụ thể kế hoạch của mình nhưng báo chí Senegal chia sẻ rằng các cầu thủ trong đội tuyển thống nhất quyết định tuân thủ quy định Ramadan cho tới ngày cuối cùng.
Quý Dậu (Tổng hợp)
Tags