(Thethaovanhoa.vn) - Gần một thế kỷ hiện diện cùng nền báo chí Việt Nam, biếm họa đã thật sự tạo ra một dòng chảy lịch sử độc lập, đóng góp một ngôn ngữ quan trọng, khó thay thế. Trong hàng trăm tác giả không chuyên và chuyên góp phần làm nên lịch sử biếm họa Việt Nam, đã có vài họa sĩ vượt ra biên giới để xứng tầm quốc tế như Chóe, Lý Trực Dũng…
- TOÀN CẢNH Lễ Phát động Giải biếm họa Báo chí Việt Nam – Cúp Rồng Tre lần V
- Biếm họa sẽ trở lại với sức sống lớn hơn
- 'Thiếu biếm họa, gương mặt báo chí thiếu đi một điều lý thú'
Nhìn lại lịch sử hơn 400 năm của biếm họa hiện đại thế giới và gần 100 năm biếm họa hiện đại Việt Nam, sứ mệnh lớn lao của biếm họa là tạo tiếng cười nhằm châm biếm những thói hư tật xấu và cổ vũ những cái đẹp, cái thiện.
Trong “Kinh Xuân Thu” (thế kỷ thứ 2 TCN), phần “Cốc Lương truyện tự” có câu: “Phiến ngôn chi biếm, nhục quá thị triều chi thát” (tạm dịch: Một lời châm biếm nhẹ còn nhục hơn bị quất roi giữa chợ). Chắc chắn chữ “biếm họa” mà báo chí Việt Nam sử dụng là theo nghĩa này, chứ không chỉ dừng ở nghĩa “vẽ vời để gây cười” như nhiều người vẫn nghĩ.
Tại sao báo chí và biếm họa như tay với chân? Vì một trong những sứ mệnh cao quý của báo chí là đấu tranh, châm biếm, phê phán các thói hư tật xấu nói chung. Khi báo chí có thêm biếm họa thì cũng giống như “hổ mọc thêm cánh”, sức chiến đấu mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Chính vì vậy, trước khi Internet hiện diện phổ biến tại Việt Nam từ đầu thế kỷ 21, biếm họa đã rất xôm tụ trên báo chí, được độc giả đón chờ, yêu thích.
Nhưng khi Internet phổ cập, rồi mạng xã hội và Facebook phát triển rầm rộ, biếm họa thật sự gặp thách thức. Khi báo giấy giảm trang và giảm kỳ phát hành, một trong những chuyên mục cắt giảm đầu tiên là biếm họa. Không phải báo chí “qua cầu rút ván” với biếm họa, mà thật sự trong bối cảnh mạng xã hội, biếm họa tự nhiên mất sức cạnh tranh, mất lượt độc giả mau chóng.
Trước đây, khi cần phê phán và châm biếm, đa số người dân (cũng là độc giả) chỉ còn biết trông chờ vào báo chí và biếm họa lên tiếng. Bây giờ đã khác, với công cụ mạng xã hội, người dân nhanh chóng bày tỏ lòng mình, nếu hay thì được chia sẻ, dở thì nhanh chóng đi vào quên lãng.
Thế nào cũng được, nhưng rõ ràng tâm trạng của họ đã được giải tỏa phần nào. Ngày nay, nhiều vụ việc và nguồn tin báo chí phải chấp nhận “ăn theo” mạng xã hội(?!)
Trước bối cảnh như vậy, có bao nhiêu họa sĩ biếm họa đang thành công với công cụ internet để qua đó tạo ra cộng đồng độc giả cho riêng mình?
Hàng trăm báo, tạp chí tại Việt Nam, có bao nhiêu nơi còn thực sự mặn mà với biếm họa? Bao nhiêu nơi chủ động đưa biếm họa lên báo mạng hoặc Fanpage với chuyên mục riêng? Chắc chắn là khá ít, nên biếm họa đi vào “mùa ngủ Đông” cũng là dễ hiểu.
Đừng tưởng Internet và Facebook không phù hợp với biếm họa, bởi kinh nghiệm thế giới từng chứng minh với hiện tượng biếm họa nhiều kỳ Garfield, có ngày hơn 260 triệu lượt người xem, rồi hơn 2.600 báo và tạp chí khắp thế giới in lại, trong đó có Vietnam News của Thông tấn xã Việt Nam.
Vì vậy, việc tái phát động Cúp Rồng tre sẽ có tác động hâm nóng và kích hoạt sự chuyển động tích cực của biếm họa Việt Nam và chúng ta cũng cần dùng môi trường online để biếm họa có thể đến với đông đảo mọi người.
Văn Bảy
Tags