(TT&VH Cuối tuần) - Có cái gì gần nhau giữa hai chàng trai này?
Một người bụ bẫm như hòn bột lại có cái tên dữ dội là “gió của biển”. Một người tên Bột mà lại gầy như que củi. Một người nhỏ nhẹ từ xứ Huế vào Sài Gòn bụi bặm, lặng lẽ - u buồn - cá tính ló ra từ Góc tối (tên bài hát từng đoạt giải Bài hát Việt của tháng và Bài hát rock nổi bật của năm 2010 chương trình Bài hát Việt) và trở thành thời thượng hơn bao giờ hết với những Đường cong, Lột xác, Tan biến… Một người lớn lên ở Sài Gòn nhưng “loanh quanh giang hồ” khắp nơi, từng nổi như cồn với Tìm lại cùng nhóm Microwave - một trong những bài hát được yêu thích nhất năm 2006, rồi bặt tiếng cho tới khi biến thành “quái vật tí hon” vẫn khiến nhiều người ngẩn ngơ không biết “quái vật” ở đâu ra. Một người được xem là bảo chứng cho những bài “hit” trên thị trường đầy sôi động. Một người mà tác phẩm khiến đàn anh trong giới sáng tác phải gật gù khâm phục. Một người đi từ Góc tối ra Ánh sáng. Còn người kia càng lúc càng đi sâu vào Góc tối của chính mình.
Nhưng họ gặp nhau ở giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2011. Cả hai cùng xuất hiện ở cả hai hạng mục đề cử quan trọng - với tư cách cá nhân ở hạng mục Nhạc sĩ của năm, và với tư cách tác giả, nhà sản xuất có sản phẩm lọt vào đề cử hạng mục Album của năm (album Body Language của ca sĩ Thu Minh và album Đường về của nhóm Quái vật tí hon).
* Người Từ Góc tối…
Không phải dân nhạc chính cống (nếu quy chuẩn rằng “chính cống” là phải học nhạc viện), không phải con nhà nòi, vào Sài Gòn với vốn lận lưng cho nghề nhạc chỉ là những buổi đàn hát phong trào hồi còn học cấp 3 trường Nguyễn Huệ ở Huế, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện trên thị trường ca nhạc, Nguyễn Hải Phong đã thành cái tên được giới ca sĩ thị trường săn đuổi, các chương trình thi thố âm nhạc theo hình thức truyền hình thực tế đón chào vào vị trí giám đốc âm nhạc.
Lần đầu tiên Nguyễn Hải Phong được xướng tên trên truyền hình là vào năm 2007, với giải thưởng Bài hát do khán giả bình chọn dành cho ca khúc Bàn tay trắng, vậy mà chỉ hơn 4 năm sau, Phong đã không thể nhớ hết những giải thưởng anh có, phải nhờ đến bộ nhớ của máy tính và bộ phận quản lý thông tin của công ty anh cung cấp giùm. Công ty này được Phong mở ra để đảm nhận việc sản xuất các sản phẩm âm nhạc từ A đến Z, từ sáng tác, phối khí, thu âm, quay clip, làm bìa đĩa đến phát hành với bộ máy gồm mười mấy người.
Góc tối và vóc dáng nhà sản xuất tương lai
Nguyễn Hải Phong sinh ra ở Huế, trong một gia đình công chức bình thường nhưng yêu ca hát. Thời còn đi học, Phong từng lập ban nhạc với bạn học để biểu diễn ở những buổi văn nghệ của lớp, của trường. Học hết trung học, Phong khăn gói vào TP.HCM lăn lóc kiếm sống bằng đủ thứ nghề từ làm nhân viên tiếp thị, bán hàng đến trông xe, mặc dù ở thành phố này, Phong có người anh ruột rất khá giả. Niềm say mê ca hát khi xưa vẫn còn nguyên song tự thấy mình không đủ lực để thi vào nhạc viện, Phong đành thi vào hệ cao đẳng Trường đại học Văn hóa TP.HCM và khoa Phong theo học là… Quản lý văn hóa chuyên ngành Quản lý hoạt động âm nhạc. Học “chống cháy” nhưng lại hóa hay bởi với khóa học này, Phong được học rất tổng quát những thứ liên quan đến âm nhạc từ thanh nhạc, hòa âm và cả múa… Vậy là thay vì đào tạo ra một cán bộ quản lý văn hóa thì trường này đã cho ra lò được một nghệ sĩ đa năng, có thể sáng tác, phối khí, hát, đọc ráp, nhảy, đạo diễn chương trình, đạo diễn video clip... Nhưng đó là chuyện sau này. Còn lúc đang học trong trường, Phong vẫn phải bươn chải kiếm sống bằng nghề chơi đàn ở đám cưới. Cũng chính vào lúc này, Phong phát hiện ra trường mình có một phòng thu phục vụ sinh viên trong trường và những khách hàng là dân nghiệp dư. Dù chẳng biết tí gì về máy móc, công nghệ, Phong vẫn cứ mạnh dạn đến đó xin việc. Thấy Phong lễ phép, dễ mến, người quản lý phòng thu nhận Phong vào làm. Phong bắt đầu những bài học đầu tiên về thu âm, phối khí ở đây. Sau một thời gian đã nhuyễn việc bấm nút, Phong mượn được một chiếc organ của bạn và “cắm trại” ở phòng thu thâu đêm suốt sáng mày mò đánh lại những bản phối có sẵn để bán cho những người ca hát nghiệp dư. Với mỗi một bản “cover” như thế, khách hàng phải trả cho phòng thu 200.000 đồng, phần của Phong là 30.000 đồng.
Làm ở phòng thu của trường được hơn 1 năm thì Phong chuyển đến một phòng thu khác, chuyên nghiệp hơn. Đó là M-master của Hoàng Anh, mở chung với Quang Minh, tay trống của nhóm rock Little Wings, chủ quán bar Acoustic nổi tiếng ở Sài Gòn. Cũng chủ động, với tinh thần ham học hỏi, không ngại khó, Phong đi ngang phòng thu này đúng vào ngày khai trương và không chần chừ, dừng xe vào hỏi người bảo vệ xin gặp quản lý. Dù bằng tuổi nhau nhưng Phong rất lễ phép, nói năng nhỏ nhẹ và còn khoanh tay dạ vâng khi nói chuyện với Hoàng Anh. Lập tức Phong được nhận vào làm ở M-master, “đại bản doanh” của những người underground nhưng rất được đánh giá cao như Hoàng Anh, Quang Minh, Quang Hưng (tay guitar của nhóm Little Wings)… Với sự thông minh, cần cù, ham học hỏi, Phong được anh em ở đây rất thương, họ còn dành hẳn cho Phong một chỗ ở trong đại bản doanh này để Phong bớt đi chi phí thuê phòng trọ. Cũng tại phòng thu này, những bài hát ghi dấu ấn của Phong ra đời dù Phong vẫn còn lóng ngóng với chiếc máy tính đến độ vài lần xóa mất bản phối của Hoàng Anh ngay trước giờ ca sĩ đến thu. Bản tổng phổ bài hát đầu tiên Phong tham gia Bài hát Việt là do Hoàng Anh ghi lại giúp…
Trong thời gian này, Phong nghe nhạc rất nhiều, cả nhạc nội lẫn nhạc ngoại, và cũng đọc rất nhiều tài liệu, bài báo viết về âm nhạc, để nạp vào đầu những thứ không thể học trong trường. Phong rất chú ý đến một nhân vật mà bất cứ nhà sản xuất âm nhạc nào trên thế giới cũng chú ý, đó là David Foster. Phong ngưỡng mộ David vì ông ta đụng đến ai là người đó nổi tiếng và có thể sản xuất ra những sản phẩm âm nhạc thuộc mọi phong cách, sản phẩm nào cũng gây tiếng vang và mang lại những khoản tiền kếch xù. Ở M-master, Phong còn “học mót” những kỹ thuật tân tiến từ những chuyên gia nước ngoài khi họ đến Việt Nam thực hiện các dự án riêng lẻ và thuê lại phòng thu để làm việc.
Nguyễn Hải Phong (thứ hai từ phải qua) trong bộ tứ nhạc sĩ có nhiều bản hit thị trường
cùng Nguyễn Hoàng Duy, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Khắc Việt
Ca khúc Ngây ngô Phong viết cho ca sĩ Lam Trường thời gian đó là một cây cầu dẫn Phong đến một bước ngoặt khác trong sự nghiệp. Một ngày, Lam Trường muốn làm một phòng thu riêng để phục vụ cho công việc ca hát, như cách mà các ngôi sao ca nhạc quốc tế vẫn làm, anh đã mời Nguyễn Hải Phong làm người set-up và điều hành chính. Đó cũng là lúc M-master giải thể, Phong và Hoàng Anh cũng đang lao đao vì phòng thu riêng của Hoàng Anh mở ngay sau đó hoạt động không hiệu quả. Chính từ đây, sự hợp tác với ca sĩ Minh Thư, cháu gái Lam Trường bằng ca khúc Bàn tay trắng đã đưa tên tuổi Nguyễn Hải Phong ra ánh sáng khi bài hát này giúp anh giành giải thưởng Bài hát được khán giả bình chọn của Bài hát Việt 2007, và giải thưởng của Làn sóng xanh.
Bài hát Việt trở thành sân chơi thường xuyên của Nguyễn Hải Phong, cũng từ đây, Phong được các ca sĩ vốn đang rất thiếu bài hát mới để ý. Album Tùng Phong trong loạt dự án “giội bom thị trường nhạc Việt” (mỗi tháng ra một album) của ca sĩ Phan Đinh Tùng trong năm 2008 đã phần nào định hình phong cách âm nhạc của Nguyễn Hải Phong: làm nhạc thị trường với sự sạch sẽ, cẩn thận. Album này sau đó đã trở thành tấm “name card” đưa Phong đến với những ca sĩ đang đình đám ở dòng nhạc giải trí, thị trường như Bảo Thy, Hoàng Thùy Linh, Hồ Ngọc Hà… Cũng nhờ nó (album Tùng Phong) mà Thu Minh nhất định mời cho được Phong làm nhà sản xuất, người sáng tác, phối khí cho album nhạc dance thứ hai của cô.
Body Language - ngôn ngữ của người thức thời
Không còn ở “góc tối” nữa, Nguyễn Hải Phong giờ đã gắn với những tên tuổi, sự kiện và các cuộc truyền hình thực tế đình đám, hoành tráng. Chứng kiến con đường và tốc độ đi của Nguyễn Hải Phong, nhiều người từng quen biết Phong, và cả những người không quen nhưng đã dõi theo anh từ thời Góc tối ở Bài hát Việt đôi lúc lại muốn tìm thấy ở Phong sự riêng biệt, cá tính đã gắn với anh trước đây giữa đời sống âm nhạc ngày càng trở nên thời trang với những thành tựu phần nhiều mang tính bề nổi.
Body Language được lên ý tưởng và thực hiện với nhiều cuộc bàn thảo. Và đàn chị Thu Minh dù có “già rơ” đến mấy vẫn phải chịu sự thuyết phục của nhạc sĩ trẻ măng Nguyễn Hải Phong. Dự án mới được bắt tay thực hiện thì xảy ra hiện tượng Uyên Linh của Vietnam Idol. Lúc đó, bài hát Đường cong được Thu Minh thỉnh thoảng mang đi diễn event, bản thu thử cũng được phát tán rất dè dặt, nhỏ lẻ trên thị trường nhạc mạng. Nhưng sau Vietnam Idol, thì Đường cong được “phát tán” khắp nơi với tiếng hát… Uyên Linh, và sau đó vấn đề bản quyền cũng được “phát hiện”. Mặc cho báo chí tìm mọi cách xé việc này ra to, Nguyễn Hải Phong, Thu Minh, Uyên Linh, nhạc sĩ Quốc Trung (với vai trò ông bầu của Uyên Linh) và cả công ty sản xuất Vietnam Idol là BHD đã dàn xếp với nhau “vụ này” rất nhanh chỉ bằng vài cú điện thoại. Tuy vậy, chuyện ồn ào ngoài tầm kiểm soát này cũng khiến dự án của hai người (Hải Phong và Thu Minh) gián đoạn mất 2 tháng.
Rồi cũng đến ngày Body Language ra mắt. Thu Minh vẫn sexy với những bước nhảy không khác mấy hồi cô hát Thiên đàng và đương nhiên, Nguyễn Hải Phong bị đặt lên bàn cân để so sánh với đàn anh luôn tiên phong với những dự án mang tính thể nghiệm, trong Thiên đàng trước đó. Rất khó để tránh điều đó bởi cho dù thể loại dance có hàng trăm phân nhánh và tuy Phong đã cố gắng tránh Thiên đàng nhưng không khí của dance trong Body Language, nội dung những ca khúc thiên về mô tả cuộc sống, xã hội thành thị vẫn phảng phất sự nối dài của Thiên đàng.
* Đường về của Bột
Hải bột sống khép kín như một… nữ tu. Hải sống như chiếc bóng, chỉ có bạn thân nhất là chiếc máy tính. Hải tự trò chuyện với chính mình… Những giai thoại tưởng đùa nhưng lại là sự thật và có những sự thật nằm trong sự thật mà không phải ai cũng biết về Hải bột, tức Nguyễn Công Hải, tay hát chính của nhóm nhạc Quái vật tí hon.
Ló mặt
Tháng 10/2011 album Đường về của nhóm nhạc Quái vật tí hon chính thức trình làng và gây xôn xao cộng đồng rock Việt. Nhóm nhạc này toàn những tay máu mặt: Quang Minh, tay trống cũ của Little Wings; Hồng Long, tay bass của Gạt Tàn Đầy và Công Hải, giọng ca chính của nhóm Microwave ngày xưa. Những cựu binh một ngày đẹp trời gặp nhau và phấn chấn lập ban. Cả 12 ca khúc trong album đều do Hải bột sáng tác, những sáng tác trong vòng 10 năm chính thức được ló mặt. Và cũng phải gần cỡ khoảng thời gian ấy Hải bột mới thật sự trở lại dưới ánh đèn sân khấu một cách công khai, khi suốt một thời gian dài chỉ hát ở nhà bạn hoặc hát ở… vỉa hè hàng xóm.
Dân mê rock Sài Gòn khoái Hải từ những ngày mà câu lạc bộ nhạc rock TP.HCM (RFC) đang ở thời kỳ đỉnh cao hơn 10 năm trước. Lúc ấy Hải hát cùng Microwave với phong cách nu-metal, một kiểu đặc Linkin Park đang rất được mê chuộng thời ấy. Hải thời ấy, có lúc trong bộ dạng hip-hop thượng thừa, áo sơ mi trắng bỏ trễ ngoài quần, quần xanh da trời, giày thể thao cá bảy màu, tay phải cầm mic, tay trái nắm thắt lưng rất khiêu khích và hát thì cực kỳ khiêu chiến. Cũng có lúc Hải hát trong bộ đồ… bộ đội, chẳng là Hải lúc ấy đang đi nghĩa vụ quân sự, nhớ rock quá, trốn rào một đêm về chinh chiến quên cả thay đồ. Hải thời ấy có những đêm quán Yoko ở đường Nguyễn Thị Diệu vắng ca sĩ đã một mình lên ôm đàn và hát bài Đi học “cọ xòe ô che nắng, râm mát đường em đi”. Hải hát kiểu dân gian tự sự, giọng hát trải nhẹ, mênh mông. Lối hát ấy của Hải mãi sau này thấy lại ở Anh Khang khi anh cũng hát lại chính bài ấy (năm 17 tuổi) và được mời lên hát ở VTV.
4 thành viên nhóm Quái vật tí hon
Hải bột ngày ấy và bây giờ có gì khác nhau? Vẫn thế, chỉ khác chăng là trang phục đã giản dị hơn rất nhiều, áo trắng, quần jeans, hôm nào có vợ đi xem thì áo trắng cắm thùng quần tây, trông như một sinh viên vừa ra trường nhưng ngu ngơ cứ như tình yêu đầu đời. Với Hải, âm nhạc là một cuộc chơi nhỏ trong một cuộc chơi lớn có tên là cuộc đời. Cuộc đời với Hải là một niềm vui hơn là suy tính. Hải chỉ làm bất cứ điều gì khi có niềm vui. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Hải Phòng, Hải lớn lên bằng sữa pha bột, mẹ không có sữa, nhà không có tiền mua sữa thì uống sữa pha đậm bột. Cái tên Bột chết từ đấy và cũng định danh Hải từ đấy.
Hải yêu âm nhạc từ bé và thích ra khơi giống như cha. Ngày thi đại học, hai hồ sơ nộp vào trường Hàng hải và Nhạc viện bị cha cất vào tủ. Hồ sơ nộp vào Kinh tế được gửi đi và… thi rớt. Sau đó là đi bộ đội, hai năm sau trở về gắn nguyện cuộc đời với âm nhạc. “Mục tiêu lớn nhất mà tôi đề ra và đã hoàn thành là… lấy vợ”. Đến giờ cả vợ chồng Hải đã bên nhau 12 năm. Nhưng ở khoảng giữa gần 3 năm trời Hải chia tay vợ mình rồi đến một ngày, sau 3 năm chia tay, Hải đến nhà người yêu và trong lần hẹn lại đầu tiên Hải đã ngỏ lời cầu hôn. Vợ Hải đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời âm nhạc của Hải, rất nhiều sáng tác được yêu thích của Hải xuất phát từ cuộc tình này. Nhắc đến vợ Hải không phải như một sự giới thiệu mà gần như là đề cao vai trò bởi vợ Hải gần như chịu đựng mọi cung bậc cảm xúc mà Hải tạo ra mà vẫn yêu chồng tha thiết.
Đường về là… ra đi
Tôi chưa kiếm được đồng nào từ âm nhạc của mình. Hiện tại cuộc sống của tôi đang gặp khó khăn nhưng không phải vì thế mà tôi thỏa hiệp mình để kiếm tiền bằng cách này cách khác trong âm nhạc. Không biết phải gọi âm nhạc của tôi bằng cái tên gì, thể loại gì? Người ta thường hỏi “sao nhạc sĩ nào cũng có nét riêng hay màu sắc riêng trong âm nhạc của mình còn tôi thì không?”. Có đấy, tôi là tôi, âm nhạc của tôi cũng vậy. Tất cả những bài hát của tôi đều là sự thật cuộc đời tôi - Hải Bột
Nếu để tìm một gương mặt ca sĩ lãng du thì có lẽ Hải là người có thâm niên cao nhất. Cùng sống với gia đình trong một thành phố, yêu thương nhau nhưng rất hiếm khi Hải ở nhà. Hải thích cách xa để có xung đột tâm trạng, thích cách xa để được cảm giác trở về. Năm 17 tuổi (sinh năm 1982), Hải yêu và quyết định bỏ nhà ra đi với một cô gái. Tối hôm ấy đồ đạc đã chuẩn bị xong, xuống nhà thấy bố mẹ ngồi xem ti vi, đèn vẫn sáng, không ai biết điều gì đang xảy ra. Hải nhìn cảnh ấy và chảy nước mắt “êm đềm lắm, một khung cảnh yên bình gia đình mà bất cứ ai cũng thèm muốn” nhưng những mâu thuẫn tuổi trẻ vẫn khiến Hải ra đi. Trong đêm ấy ca khúc Cho con được trở về ra đời, sáng tác đầu tay với những câu hát giản dị mà ấm lòng “Cha ơi, mẹ ơi, con mơ điều giản dị. Nắm tay, hát ca, cho con được trở về”. Sau đó Hải trở về và… lại ra đi.
Hải đi biền biệt, rất hiếm có những bữa cơm chung cả nhà. Có lần vợ Hải bảo rằng “đây sẽ là bữa cơm cuối cùng em ngồi ăn với anh”. Hải đã khóc như một đứa trẻ. Hải bảo chẳng có bữa cơm nào với em là cuối cùng với anh cả. Cuối cùng Hải vẫn cứ ra đi và vợ Hải vẫn cứ ở lại.
Những người thân luôn liên lụy trong những cuộc đi của Hải. Hải đi đâu? Chẳng đâu cả, những cuộc vui bạn bè, tìm một góc nào đó sống và sáng tác. Hải có thể ngồi liền trong phòng 3 ngày không ra ánh sáng chỉ để sáng tác và tự giải quyết những mâu thuẫn mà Hải tự sinh ra. Hải luôn cần bạn bè nhưng không phải lúc nào bạn bè cũng chơi với Hải bởi Hải quá dư dả thời gian. Có hôm không có bạn bè để tư vấn, Hải ngồi một mình đối thoại với chính mình chỉ để tìm lời khuyên mua gì tặng sinh nhật vợ. Cũng có lần trước ngày sinh nhật vợ, Hải cố tình không về, thuê khách sạn ở và đi lại trong phòng. Lúc ấy những ký ức về vợ luẩn quẩn trong đầu, những tội lỗi vòng quanh, Hải lẩm bẩm “Vợ ơi anh đã sai rồi”. Đó cũng là tựa bài hát ra đời ngày hôm ấy, đầu năm 2010, và rất được yêu thích. Những lời ca được nhiều người hát lại “Kẻ thù ta là đời, bạn của ta là trời, đêm nay ôm trời ôm đất, vợ ơi anh vẫn chưa về”. Lúc mới sáng tác, Hải ôm đàn hát ở giữa hẻm nhà người bạn, mọi người xúm đông xúm đỏ nghe, mỗi khi đến câu “đêm nay soi mình trong chén, vợ ơi anh đã sai rồi” thì lại nghe thêm tiếng “Ố” của nhiều ông, hóa ra bị vợ ngay bên cạnh nhéo vào mạng sườn.
Hải sáng tác khá nhiều, từ khá lâu. Có những sáng tác của Hải đã làm nên tên tuổi của Microwave gần 10 năm trước: Ước mơ, Tìm lại… Nhưng Hải không ở lâu với Microwave. Hải luôn ra đi vì muốn tìm ngôn ngữ âm nhạc riêng của mình. Và cô độc cho đến ngày gặp Quái vật tí hon…
“Tôi nghĩ mình là con người của thời điểm, tôi thích làm những gì mình thích bất kể ở đâu miễn là tôi tham dự vào thời điểm đó. Tôi là tuýp người tự sinh ra mâu thuẫn cho chính mình và tự giải quyết nó. Tôi không cho mình là người thích ánh sáng, hào quang hay bóng tối, tôi là người của thời điểm, thời điểm đó nó bắt tôi như thế nào thì tôi sẽ là như thế”. Hải tự nhận mình là người khá đơn độc trong các cuộc chơi tập thể nhưng chưa bao giờ không muốn có bạn bè bên cạnh. Nhưng rất ít người chơi với Hải, họ bảo anh lập dị. Vì thế Hải hay ở một mình và thường nói chuyện với mình, qua chiếc máy tính. Tự hỏi, tự đặt vấn đề và tự trả lời nó.
Hôm diễn ở Hà Nội Rock city mới đây, khi đến phần biểu diễn bài Vợ ơi tôi đã sai rồi, Hải bảo: “Hôm nay tôi không có sai nên tôi sẽ không hát mà ngược lại tôi muốn mọi người cùng hát cho tôi nghe”. Thế là mọi người cùng hát, vang trời.
(*) Giải thưởng âm nhạc Cống hiến do báo TT&VH khởi xướng và tổ chức từ năm 2005. Lễ công bố và trao giải Cống hiến 2011 do báo TT&VH phối hợp cùng công ty Smart sẽ được tổ chức vào ngày 22/4/2012 tại TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên VTV1 lúc 21 giờ. 5 nhạc sĩ có tên trong Đề cử giải thưởng Nhạc sĩ của năm 2011 gồm (thứ tự a, b, c): Nguyễn Công Hải (Hải Bột), Lê Cát Trọng Lý, Nguyễn Hải Phong, Anh Quân, Quốc Trung. |
Vân Anh - Cung Tuy