(Thethaovanhoa.vn) - Thăng hoa trong những âm hưởng của âm nhạc dân tộc có lẽ là những cảm xúc lắng đọng nhất của khán giả khi đến với hai đêm jazz: Hà Nội Duo Nguyên Lê - Ngô Hồng Quang và những người bạn ngày 24-25/2 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.
- Live show Hà Anh Tuấn: ‘Nhắm mắt, thắt dây an toàn và bay’
- Liveshow 25 năm: ‘Phượng hoàng lửa’ cất cánh - Thu Minh đã là Diva trong lòng khán giả
- Đêm nhạc "để đời" của NSƯT Đăng Dương
Trước hai đêm nhạc này, khi truyền thông hỏi mong muốn của hai nghệ sĩ khi tổ chức ra mắt album Hà Nội Duo tại Hà Nội, nhạc sĩ Nguyên Lê cho biết, điều mà dự án mong muôn là sự chia sẻ sự đa dạng của âm nhạc Việt Nam với xã hội hiện đại từ sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại của âm nhạc Việt Nam; thể hiện sự vận động mang tính quy luật của tự nhiên, cuộc sống, trong đó có âm nhạc.
Tất nhiên, đó cũng là sự tôn vinh vẻ đẹp của âm nhạc Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại.
Cũng khi được hỏi, ông thể hiện điều đó bằng cách nào, như thế nào, nhạc sĩ Nguyên Lê ngắn gọn: làm âm nhạc, chỉ có thể trả lời bằng âm nhạc. Cách tốt nhất để cảm nhận, để hiểu được điều đó là đến đêm nhạc và lắng nghe.
Kết quả, chắc hẳn nhiều khán giả sẽ "ngỡ ngàng" với không gian âm nhạc mà nhạc sĩ Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang và những người bạn đã đem đến. Nhưng sự thành công tuyệt mỹ của những nghệ sĩ trong dự án này chính là khiến cho người nghe, được thưởng thức âm nhạc hiện đại. Ấn tượng đọng lại chính là âm hưởng của âm nhạc truyền thống.
Âm nhạc của người H'mông từ giai điệu đến cách hát, câu hát hay âm thanh của các nhạc cụ truyền thống như: tranh, sáo, nhi, đàn môi, đàn tính, đàn bầu đàn cò, đàn Goong thấm vào đôi tai của người nghe ở những âm sắc đặc trưng nhất, dễ nhớ nhất.
Một đêm jazz nên không thể bỏ quên nhip điệu, tiết tấu, tính ngẫu hứng. Và trong đêm nhạc này, tính tiết tấu - một yếu tố vốn không được cho là thế mạnh trong âm nhạc truyền thống Việt Nam đã được các nghệ sĩ "nâng tầm" qua các tác phẩm từ dân ca, đến những sáng tác mới như Đêm qua nhớ bạn (dân ca Quan họ), Lý ngựa ô (dân ca Nam Bộ), Mục hạ vô nhân (xẩm) và những sáng tác của Nguyên Lê như Mây vang, Năm giác quan, Nữ hoàng khỉ, các sáng tác của Ngô Hồng Quang: Về đồi non, Đêm qua nhớ bạn, Gọi em, Tình đàn và ca khúc Chiếc khăn Piêu.
Có những lúc, khán giả đã bị "cuốn" theo cuộc đối thoại của những nhịp đập, tiếng gõ phách đến từ chính nhạc cụ như đàn nhị, guitar chứ không chỉ là bộ gõ.
Giá trị của sự sáng tạo nghệ thuật ấy đã đem lại cho khán giả một không gian thưởng thức hoàn hảo với sự hòa trộn giữa giai điệu và tiết tấu mà không phải chương trình nghệ thuật nào có yếu tố của âm nhạc truyền thống có thể làm được điều này và duy trì từ đầu đến cuối chương trình.
Thành công của đêm nhạc chắc chắn đã đến từ sự đồng điệu và hòa quyện ý tưởng giữa Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang. Cả hai đã gặp nhau ở tâm điểm: cùng thể nghiệm và chia sẻ vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam với thế giới, ở đó có cả những gì thuộc về cội nguồn và cả tương lai.
Bên cạnh đó, sự cộng hưởng của hai nghệ sĩ với dàn khách mời như ca sĩ Mỹ Linh, nghệ sĩ bộ gõ Alex Trần, nghệ sĩ sáo mèo, tiêu Nguyễn Hoàng Anh, nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Mai Lê và nghệ sĩ đàn môi, sáo Nguyễn Đức Minh đã truyền được cảm hứng âm nhạc một cách sâu sắc đến người nghe.
Nhạc sĩ Nguyên Lê từng chia sẻ, anh đã từng như một nhà thám hiểm "đơn thương độc mã" trên con đường âm nhạc. Đã có những lúc lên trường lớp, có những thứ mọi người biết rồi thì anh chưa biết. Vì thế, anh phải tự mình nỗ lực khám phá, tự học rất nhiều. Nhưng cái thú vị của một nhà thám hiểm chính là sự khám phá, thậm chí là được khai phá.
Tuy nhiên, trên con đường hiện tại mà anh đang đi, rõ ràng là anh không còn đơn độc mà tìm thấy được nhiều cộng sự ăn ý, cùng nhau làm nên sự thăng hoa trong trình diễn hay thực hiện những dự án âm nhạc như Ngô Hồng Quang.
Bên cạnh đó, sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả cũng chính là món quà ý nghĩa nhất mà Nguyên Lê có được, xứng đáng nhận được sau những tâm huyết mà anh dành cho âm nhạc nói chung, âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng.