Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa (Bài 1): Mối duyên với nhiếp ảnh chân dung từ 'Gác Lưu xá'

Thứ Tư, 07/10/2020 11:26 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Là con trai của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu - “người khắc ghi lịch sử văn nghệ kháng chiến” - ngay từ nhỏ, Trần Chính Nghĩa đã bộc lộ niềm đam mê chụp ảnh. Sớm được tiếp cận với truyền thống làm ảnh của gia đình, cộng thêm điều kiện về giấy phim, máy ảnh, Trần Chính Nghĩa dần dần tiếp bước chân cha, chụp chân dung nhiều văn nghệ sĩ tiếng tăm, trong đó có họa sĩ Bùi Xuân Phái - người bạn “tri kỷ” với cha anh.

Họa sĩ Văn Dương Thành: Từ nàng thơ đến 'cầu nối' 3 thế hệ hội họa Bùi Xuân Phái

Họa sĩ Văn Dương Thành: Từ nàng thơ đến 'cầu nối' 3 thế hệ hội họa Bùi Xuân Phái

Có người từng ví mối quan hệ của Bùi Xuân Phái với Văn Dương Thành cũng như Trịnh Công Sơn với Khánh Ly. Nếu Khánh Ly là “bóng hồng” trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn thì Văn Dương Thành là “nàng thơ” trong tranh Bùi Xuân Phái...

Cho đến nay Trần Chính Nghĩa đã sở hữu cả ngàn tấm phim “đắt giá” về cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Xuân Phái chưa từng được công bố. Gần 30 bức ảnh trong số này sẽ được giới thiệu tại triển lãm Bùi Xuân Phái - Trăm năm một tình yêu Hà Nội diễn ra tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội từ 14h chiều nay, 7/10, trong khuôn khổ của Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết 11/10.

Hơn 50 năm tiếp bước chân cha

“Cha truyền con nối” có lẽ đúng khi nói về trường hợp của nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa. Là người con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em, Trần Chính Nghĩa vốn thiệt thòi, không có điều kiện được học hành bài bản như các anh chị em của mình. Ngay từ nhỏ cho đến khi lập gia đình, Trần Chính Nghĩa vẫn sống cùng cha cho đến khi cha qua đời. Đây là tiền đề quan trọng để anh tìm hiểu và nối nghiệp nghề ảnh của cha từ năm 1969.

Thuở ấy, khi cuộc sống thời chống Mỹ còn nhiều khó khăn, việc học nghề ảnh với Trần Chính Nghĩa trước tiên là để kiếm sống. “Cũng chỉ để tồn tại, có một nghề tay trái để làm nuôi sống chính mình, có thêm thu nhập cho gia đình. Khi cha không còn có điều kiện để làm nghề, việc tiếp nối là bổn phận của con. Từ mối quan hệ của các cơ quan đã đặt hàng làm ảnh với cha trước đó, tôi có điều kiện tốt hơn để làm nghề, ban đầu với các công việc như: Phóng ảnh gia công, tô vẽ ảnh... Làm thay cho cha phần nhiều là học hỏi để sau có nghề vững chắc, kiếm được tiền bằng nghề của gia đình”.

Chú thích ảnh
Bức ảnh Trần Chính Nghĩa chụp họa sĩ Bùi Xuân Phái trước bức tranh “Phố”, được đặt tên là “Thiên vấn” (Hỏi trời) thuộc số những hình ảnh đẹp nhất về danh họa

Nghề không phụ người có đam mê. Nhiếp ảnh gia Trần Chính Nghĩa, kiếm sống nhờ nghề ảnh “không những đủ sống mà còn dư dật”. Anh kể: “Nếu so sánh lương cán bộ dạy trong trường trung cấp khi đó khoảng 43-45 đồng/ tháng thì riêng tôi chụp một cuộn phim là 45 đồng đã bằng một tháng lương. Thông thường một đêm tôi có thể chụp 2 đến 3 cuộn phim. Sau 1 đêm chụp có thu nhập bằng 3 tháng lương của một giáo viên. Hơn thế, do gia đình có truyền thống về làm ảnh nên cũng được nhiều người tín nhiệm đặt hàng. Ngoài việc chụp theo yêu cầu, tôi thường sáng tác thêm khi chụp để có những bức ảnh nghệ thuật. Đó là những bức ảnh mà bình thường có thể trả giá 3 nghìn/ 1 kiểu nhưng có trường hợp được trả giá 30 nghìn/ 1 kiểu”.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, khi thị trường trong nước còn khan hiếm thì Trần Chính Nghĩa lại rủng rỉnh sở hữu những loại phim, giấy ảnh và máy ảnh rất tốt nhờ việc mua bán vật tư ảnh từ nước ngoài. Thời bao cấp đói kém, anh lao vào làm ăn và dần khấm khá, nên không ngại ngần "đốt" phim để theo đuổi đam mê. Anh lại có nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm chụp ảnh, làm ảnh từ những người bạn đồng nghiệp của cha như: Đỗ Huân, Nguyệt Diệu...

Việc học hỏi kinh nghiệm từ những “bậc cao niên” mang tính chất truyền nghề là chủ yếu. “Cầm tay chỉ việc là một phần nhưng phần nhiều là dựa trên sách báo, kỹ thuật về nhiếp ảnh của các nước trên thế giới mà cha của tôi đã có trong tay. Trong sách có công thức pha thuốc rửa phim dựa trên những nghiên cứu đã được đúc kết, từ đó áp dụng vào thực tế để tạo ra bức ảnh đẹp. Cần pha thuốc loại gì? Dùng giấy gì? Đều tùy theo phim chụp. Nếu phim thiếu sáng hay phim thừa sáng đều cần phải dùng từng loại thuốc riêng. Đó là sự điều chỉnh dựa trên kinh nghiệm của những nhà nhiếp ảnh đi trước đã truyền lại cho tôi bằng cách truyền khẩu. Ví dụ thuốc của Đức đã pha sẵn từng loại thích hợp cho giấy tốt, giấy trung bình, giấy thiếu sáng, giấy thừa sáng, để làm cho bức ảnh có chất lượng tốt nhất” -Trần Chính Nghĩa cho biết.

Chú thích ảnh
Bức ảnh lưu niệm gia đình nhân lễ cưới con gái của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu vào tháng 12/1976. Hàng trên từ trái sang có: Nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu, Trần Chính Nghĩa, Trần Trung Dũng (anh trai của Trần Chính Nghĩa) và hàng dưới có: Dịch giả Nguyễn Thụy Ứng - dịch “Sông đông êm đềm” - phóng viên Đăng Hùng Thao - báo Ảnh Việt Nam, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà soạn kịch Đoàn Phú Tứ, ông Lê Chính - báo Văn nghệ. (Ảnh chụp để trên chân máy tự động)

Duyên từ “Gác Lưu xá” 11 Hàng Bông

Hiếm một nhà nhiếp ảnh nào mà khi theo đuổi nghề lại có được nền tảng thuận lợi như Trần Chính Nghĩa. Trước hết anh có cha là nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu nổi tiếng với những bức ảnh chụp văn nghệ sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp. Nhưng cũng phải kể đến mối duyên với chính nơi ở của gia đình mình - 11 Hàng Bông - nơi được "Ông đồ" Vũ Đình Liên đặt tên là "Gác Lưu xá", “một địa chỉ văn hóa” thường xuyên diễn ra những cuộc tụ họp, đàm đạo văn chương trong giới văn nhân nghệ sĩ Hà thành. Chính ở 11 Hàng Bông, Trần Chính Nghĩa đã “chạm ngõ” nghệ thuật nhiếp ảnh chân dung, để giờ đây, anh sở hữu cả kho tư liệu hình ảnh “đắt giá” về giới văn nghệ sĩ trí thức một thời.

“Khi gia đình chuyển về ở 11 Hàng Bông, vừa 16 tuổi, tôi đã có “vinh dự” được “hầu rượu các cụ”. Trong những cuộc tụ hội đàm đạo thơ phú tại gia, tôi thường được cha và các bác, các chú sai đi mua rượu bên phố Hàng Mành. Sau được ngồi bên ngoài xem, nghe “các cụ” nói về chuyện văn, thơ, nhạc, họa.

Khi chụp được chân dung văn nghệ sĩ, tôi học theo cách chụp của cha, chụp như không chụp, chụp một cách tự nhiên, không bố trí, sắp xếp, không sử dụng kỹ xảo... Văn nghệ sĩ ra sao đều được tôi chụp một cách chân thực như thế.

Chú thích ảnh
Gác “Lưu Xá” - 11 Hàng Bông - trở thành nơi diễn xướng những làn điệu của một thời đang có nguy cơ mai một. Từ phải sang: Đào nương ngâm thơ nức tiếng Nguyễn Thị Phúc; Nghệ nhân ca trù, NSND Quách Thị Hồ; nghệ sĩ đàn đáy Hà Văn Du; họa sĩ Bùi Xuân Phái; nhà thơ, nhà viết kịch, dịch giả Đoàn Phú Tứ; ông Lê Chính - Trưởng phòng Mỹ thuật báo Văn nghệ; cây bút Trúc Lâm; nhà nghiên cứu ca trù Ngô Linh Ngọc… Ảnh Trần Chính Nghĩa (chụp khoảng 1983-1984)

Từ những cuộc đàm đạo tại 11 Hàng Bông của các nhà thơ Vũ Đình Liên, nhà soạn kịch Đoàn Phú Tứ, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Phùng Quán, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn… đến những chuyến đi rong ruổi theo chân cha đến thăm nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Kim Lân… tất cả đều thôi thúc tôi ghi lại những khoảnh khắc về các văn nghệ sĩ trong đời thường.

Khi bấm máy, tôi luôn cố gắng ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất, đúng với tâm tư tình cảm của các văn nghệ sĩ nhất và hơn hết là giữ lại cho riêng mình những bức ảnh ưng ý để làm kỷ niệm” - Trần Chính Nghĩa chia sẻ.

Đã có hơn 50 năm nối nghiệp cha, trong suốt hành trình vừa chụp ảnh sáng tác vừa kiếm tiền sinh sống, Trần Chính Nghĩa luôn tâm niệm “cầm máy ảnh phải có trách nhiệm với bức ảnh do chính mình tạo ra”. Những bức ảnh của anh đã trở thành nguồn tư liệu sinh động cho hậu thế biết và hiểu hơn về đời sống văn nghệ trong một thời kỳ đầy thương nhớ.

Kỳ 2: Người kể cuộc đời Bùi Xuân Phái qua ống kính

Nhà thư pháp Lê Xuân Hòa lúc sinh thời đã viết tặng cha con Trần Chính Nghĩa câu đối:

TRUYỀN THỐNG VĂN LƯU TRUYỀN CHÍNH NGHĨA

TINH HOA NGHỆ THUẬT PHÁT TINH HOA

Công Bắc

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›