(TT&VH) - Việt Nam đang là 1 trong 10 quốc gia có chất lượng không khí bẩn nhất thế giới và sẽ là 1 trong 10 nước bị thiệt hại nặng nhất do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, hàng vạn người chết vì thiên tai, vì bệnh dịch mà gián tiếp hay trực tiếp do ô nhiễm môi trường gây nên. Làng xóm tiêu điều chìm ngập khi thủy điện xả lũ, tôm cá chết vì sông, biển bị… “bức tử”, thú rừng bị xẻ thịt lấy da, xương, sừng, mật… Và còn nhiều thứ khác nữa.
Truy cập website riêng của Giải Biếm họa báo chí - Cúp Rồng tre tại đây.
Tai họa này do Mẹ thiên nhiên gây ra? Không, vào thời hiện đại ta đang sống đây thì những tai họa lớn nhất đối với con người, không còn là thiên tai nữa, mà là các “nhân tai”. Tai họa do chính những “đứa con bất hiếu” gây ra có thể hủy diệt đất Mẹ và tất nhiên kéo theo là sự “xóa sổ” chính mình. Từ khi con người bắt đầu nhận thức được sự xung đột này, thì sự vật vã của môi sinh là đề tài quen thuộc cho các họa sĩ biếm, từ Đông sang Tây. Liệu ai có thể cười vì những điều nhức nhối kia? Phía sau mỗi nụ cười là những niềm đau.
Xin điểm qua những "niềm đau" ấy.
1. Người ta bảo: “Công chết bởi bộ lông, con nai chết vì tấm sừng đẹp, bông hoa bị hái vì nó đẹp, con chim bị bắt vì nó hót hay”. Biết bao nhiêu loài động vật hoang dã bị săn đuổi, kết liễu cuộc đời bằng những "chiêu thức" độc ác để phục vụ những nhu cầu sở thích của loài động vật cao cấp nhất là con người.
Thế giới từng biết, để bảo vệ loài tê giác, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã thực hiện chiến dịch cắt sừng tê giác. Vắng chiếc sừng quý trên đầu đồng nghĩa với việc tê giác sẽ được an toàn, cũng như việc voi được cắt ngà... Thôi thì cũng đành, sự sống bao giờ cũng quý nhất.
Còn hình ảnh tay hổ biến mất vì nồi cao hổ cốt thì sao? Nó gợi câu chuyện mới đây về chú gấu Hope tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã vườn quốc gia Cát Tiên. Chú gấu Hope đã bị cụt mất hai bàn tay (chi trước bên trái), còn bàn tay phải cũng bị cụt toàn bộ ngón do những kẻ săn bắt đã chặt đi. Còn bao nhiêu loài khác, chẳng lẽ WWF cũng phải nghiên cứu luôn chiến dịch vặt hết lông chim công, lột da hổ, cưa sừng nai... để bảo toàn mạng chúng?
2. Thật đau lòng, WWF đã không kịp cưa sừng con tê giác cuối cùng ở Việt Nam, mà để… lâm tặc cưa hộ. Năm 1998, tất thảy những người quan tâm đến môi trường đều hân hoan với mấy bức ảnh hiếm hoi chụp được con tê giác một sừng còn lại tại vườn quốc gia Cát Tiên. Nhưng bất chấp các nỗ lực bảo tồn đầy nhiệt huyết, cuối tháng 4/2010, con tê giác một sừng cuối cùng đã "ra đi", một sự huỷ diệt giống như chất độc da cam đã khép lại bi kịch loài tê giác ở VN.
Sau tê giác sẽ đến lượt loài thú nào rơi vào tuyên bố “tuyệt chủng” nữa đây? Cọp, mang lớn, voọc chà vá, bò xám, voi, sói lửa, min, hay một ngày rồi đến cả cheo, dúi, nhím...?!
3. Dù các loài động vật có mệnh hệ gì chăng nữa, con người vẫn say sưa với bản giao hưởng của mình. Quá khứ nhân loại từng chứng kiến những bậc thiên tài soạn lên những khúc nhạc thiên nhiên Đồng quê, Hồ thiên nga, Ánh trăng... Nhưng ngày nay, với thiên nhiên, con người không quên dệt nên một bản giao hưởng đen. Bản giao hưởng ấy được viết bởi những nốt cao như ống khói nhà máy, những nốt trầm như cống nước thải âm thầm len lỏi vào lòng đất.
Có lẽ, bản nhạc được đồn đại là giết người hàng loạt "Gloomy Sunday" cũng khó nguy hiểm đến vậy. Khắp thế giới, bản Giao hưởng dòng sông đen này cũng âm thầm làm việc kết liễu sự sống mọi sinh vật trót thưởng thức nó.
4. Triết gia người Pháp Pascal có câu: “Nếu cái mũi của Cleopatre ngắn hơn một chút thì cục diện thế giới đã thay đổi”. Thế giới này là một xâu chuỗi của nhưng giả định, hiện thực và hoang tưởng, hiện hữu và bất thành. Phải, “Chỉ với một chữ “nếu” mà người ta có thể bỏ cả Paris vào một cái chai". Như Acsimet, nhà cơ học thiên tài thời cổ, người đã khám phá ra định luật về đòn bẩy từng tuyên bố: "Nếu cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy tung được trái đất". Nhưng bạn có biết muốn nâng một vật nặng bằng trái đất lên cao dù chỉ 1cm thôi, Acsimet sẽ mất bao nhiêu thời gian không? Các nhà Vật lý đã tính toán không dưới ba mươi nghìn tỷ năm.
Thời Acsimet người ta chưa phát minh ra túi nilon. Hiện nay thì khác rồi, người ta có thể làm những việc "vĩ đại" hơn Acsimet một cách dễ dàng và tiện lợi hơn nhiều. Ngày nay chỉ cần nói: "Nếu cho tôi những chiếc túi nilon, chúng tôi sẽ đựng được cả trái đất". Chữ nếu ấy đang trở thành hiện thực, từng giờ, từng phút mỗi khi người ta ra chợ, vào shop mua sắm. Và nếu Pascal có sống lại, ông có thể thốt lên: “Nếu người ta không phát minh ra túi nilon thì cục diện thế giới đã thay đổi”.
5. Thế giới thay đổi thế nào? Theo các nhà khoa học, thế giới của chúng ta tức là trái đất đang có tuổi thọ là 4,5-4,6 tỷ năm. Người ta hy vọng rằng trái đất còn có thể sống thêm 1,5 tỷ năm nữa, trước khi kích thước của mặt trời tăng lên và tiêu diệt hết sự sống.
Nhưng có nhiều tín hiệu xấu hơn niềm hy vọng 1,5 tỷ năm kia. Theo lịch Maya, ngày 21/12/2012, ứng với thời điểm tâm thiên hà của chúng ta, mặt trời, trái đất thẳng hàng, đó là ngày tận thế. Còn luận theo dòng chảy thời gian trong kinh dịch, Trung Quốc thì ngày 22/12/2012 chính xác là ngày tận thế. Theo sách Mật mã Kinh thánh II của M.Drosnin một ngày nào đó trong năm 2012 sẽ là ngày tận thế khi trái đất sẽ xảy ra thảm họa là trận đại hồng thủy, đại loại thế.
Thật may, các lịch thuyết cổ đã bị bác bỏ. Nhưng ai dám bác bỏ thực tế rằng thảm họa môi trường mà con người đang tạo ra nhằm đục khoét lợi nhuận không hủy diệt trái đất? Trái đất dù thông minh và hoàn thiện nhưng không phải là cái máy tính dung lượng vô tận để ngày ngày người ta chỉ click vào nó, khai thác nó mà không nâng cấp. Con người không chỉ đang click shut down (dừng hoạt động) cho trái đất, mà chúng ta đang nhấn phím Delete rồi đợi đến lúc Enter.
6. Nhưng trước khi Delete hãy dừng lại một chút và suy tư như nhà điêu khắc Auguste Rodin nhắn nhủ. Chúng ta khác động vật ở chỗ biết tư duy, có thể không trên tảng đá, mà trên một đống rác, khuỷu tay chống lên đầu gối, đầu cúi lặng lẽ, dằn vặt nghĩ suy để thấy được trạng thái cô đơn tột cùng …
Bức tượng thi hào Ý Dante trước cánh cửa địa ngục, đang ngẫm nghĩ về số phận của những kẻ bị đày xuống địa ngục theo như nội dung trong trường ca "Hài kịch thánh thần" của ông. Hay con người hãy ngẫm nghĩ về cánh cửa địa ngục chờ đón sau chính những thảm họa môi trường do mình gây nên?
Phía sau mỗi bức tranh biếm kia, là một nụ cười, phía sau mỗi nụ cười là những niềm đau thực sự của họa sĩ.
Lễ trao giải và Khai mạc triển lãm giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần III - Cúp Rồng Tre với chủ đề: Môi trường và Biến đổi sinh thái diễn ra lúc 14h30 thứ Tư, ngày 28/3/2012, tại 61 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong khuôn khổ của Lễ trao giải sẽ diễn ra hoạt động bán tranh vì mục đích từ thiện. Toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động này sẽ được ủng hộ Quỹ Vì nỗi đau da cam/TTXVN dành cho các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. |
Nguyễn Gia
Tags