Các huyện Hà Nội phát triển lên đô thị: Cần sát sao trong quy hoạch

Thứ Bảy, 23/11/2019 08:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo cáo của Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, đến thời điểm này, UBND TP đã hoàn thành phê duyệt 13/14 đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện tỷ lệ 1/10.000-1/5.000.

Hà Nội nghiên cứu phát triển đô thị đến năm 2030: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh

Hà Nội nghiên cứu phát triển đô thị đến năm 2030: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Đề cương Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Đề cương này sẽ giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, nghiên cứu trên phạm vi toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Nội.

Đồng thời, UBND các huyện đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới (NTM) đối với 225/324 xã, 7/14 huyện đã hoàn thành công tác điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng xã NTM.

Chưa có hướng dẫn chuyển từ Quy hoạch huyện sang Quy hoạch vùng huyện

Khó khăn vướng mắc lớn nhất đối với Hà Nội hiện nay là chưa có văn bản hướng dẫn việc chuyển tiếp để điều chỉnh từ loại hình “Quy hoạch chung xây dựng huyện” sang loại hình “Quy hoạch xây dựng vùng huyện” theo quy định hiện hành tại Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Xây dựng năm 2014, Văn bản hợp nhất số 48/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 của Văn phòng Quốc hội và Nghị định số 72/2019/NĐ-CP, ngày 30/8/2019 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Quy hoạch nông thôn (Quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới tỷ lệ 1/5.000 và Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã tỷ lệ 1/2.000) được duyệt trước - năm 2012, Quy hoạch chung xây dựng huyện tỷ lệ 1/10.000-1/5000 được duyệt sau - năm 2015. Quy hoạch nông thôn (cấp xã) chưa cập nhật các chỉ tiêu phát triển ngành, lĩnh vực (cấp huyện và cấp thành phố).

Chú thích ảnh
Công tác quy hoạch xây dựng tại 18 đơn vị cấp huyện Hà Nội còn dàn trải

Đây là một trong những bất cập lớn của công tác quy hoạch xây dựng và công tác xây dựng NTM trên địa bàn các huyện.

Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện, công tác quy hoạch xây dựng tại 18 đơn vị cấp huyện Hà Nội còn dàn trải, chưa có các phân tích, đánh giá tổng hợp và nhận diện đầy đủ các vấn đề mang tính đặc thù tại khu vực 5 huyện ven đô (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức), là các huyện có tốc độ đô thị hóa, tỷ lệ diện tích và dân số đô thị cao hơn rất nhiều so với các huyện còn lại.

Trong khu vực đô thị tại 5 huyện này, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chi tiết khu dân cư hiện có chưa được triển khai đồng bộ với các dự án phát triển đô thị tiếp giáp xung quanh, dẫn đến những bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý theo quy hoạch trong tương lai gần, khi chuyển tiếp phân cấp quản lý từ huyện thành quận.

Một số đơn vị cấp huyện chưa hoàn thành việc rà soát, đánh giá để đề xuất phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng NTM (tỷ lệ 1/5000) phù hợp quy định pháp luật trên địa bàn huyện; chưa xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch xây dựng vùng huyện; chưa hoàn thành công tác cắm mốc giới, đặc biệt là mốc giới phân ranh giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn, gây khó khăn cho công tác quản lý, cấp giấy phép xây dựng tại địa phương,…

Dự báo về quy hoạch còn hạn chế

Theo Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Nguyễn Thanh Bình, vấn đề dự báo về quy hoạch còn hạn chế, cách đặt vấn đề chưa thống nhất giữa các sở, ngành và quận, huyện, việc lập và điều chỉnh NTM các xã còn chậm... Quy định về quản lý quy hoạch các xã NTM còn đơn giản, chưa gắn được với đặc thù từng địa bàn nông thôn nên chưa giúp được định hình bản sắc khu vực nông thôn. Quy hoạch nông thôn xã đang quan tâm nhiều đến hạ tầng kỹ thuật, kinh tế các xã mà chưa chú ý tương xứng bảo tồn di sản.

Đánh giá về công tác quy hoạch thời gian qua, Trưởng ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, quy hoạch NTM của toàn bộ 401 xã trên địa bàn Thành phố được lập và phê duyệt trong giai đoạn 2008/2012 khi quy hoạch chung xây dựng huyện chưa được lập và phê duyệt, một số quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật quy hoạch ngành, lĩnh vực Thành phố được lập và phê duyệt sau các quy hoạch chung xây dựng huyện, do vậy, theo báo cáo của nhiều địa phương có những điểm bất cập giữa quy hoạch cấp trên và quy hoạch cấp dưới. Chất lượng của nhiều đồ án quy hoạch xây dựng NTM các xã lập trước đây còn nhiều hạn chế, định hướng quy hoạch phát triển không gian xã NTM còn chưa dự báo được quy mô phát triển dân số; định hướng quản lý kiến trúc, cảnh quan tại khu vực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, nhiều đơn vị chưa thực hiện việc lập quy hoạch trung tâm xã, quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của Luật Xây dựng hoặc lập nhưng còn thiếu, chưa quan tâm các điểm dân cư hiện hữu; chưa xác định rõ những công trình, hạng mục cần ưu tiên, chưa có phân kỳ đầu tư hợp lý…

Cần những giải pháp khắc phục kịp thời

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, thời gian qua, Thành phố đã thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật liên quan công tác quy hoạch, trong đó có cả quy hoạch NTM cho các xã cùng hàng loạt quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch mang tính chất mạng lưới; đến nay, đã đồng bộ các quy hoạch liên quan đến phát triển, dù các quy hoạch không gian ngầm chưa được phê duyệt và hiện đang làm một số quy hoạch mang tính cụ thể như quy hoạch làng nghề...

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cho rằng, quy hoạch xây dựng NTM đi trước quy hoạch phân khu đang là tồn tại thực tế cần xử lý, điều chỉnh. Ngoài ra, đối với 5 huyện chuẩn bị lên quận, không điều chỉnh quy hoạch NTM nữa mà cần triển khai quy hoạch đô thị, trong đó, phải quan tâm đặc biệt hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo tồn theo tiêu chí đô thị...

Để khắc phục những bất cập trên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, quy hoạch là nội dung quan trọng được thành phố đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, HĐND thành phố đã ban hành nhiều Nghị quyết thông qua hàng loạt các Quy hoạch chuyên ngành. Trên cơ sở phân tích những vướng mắc, hạn chế, HĐND đề nghị UBND thành phố tiếp tục thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, rà soát điều chỉnh, nhất là những quy định mới để thực hiện. Bên cạnh đó cũng cần phân chia các vùng để có cách ứng xử cho phù hợp, đặc biệt là các huyện nằm trong khu vực phát triển đô thị.

Đồng thời UBND thành phố cũng cần tăng cường quản lý quy hoạch, quan tâm tới chất lượng tư vấn, đầu tư cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm quy hoạch cấp huyện.

Vĩnh Hoàng - VNG

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›