(Thethaovanhoa.vn) - Huyền thoại âm nhạc Prince vừa đột ngột qua đời hôm 21/4 ở tuổi 57 tại dinh thự Paisley Park ở Minnesota. Cạnh nỗi tiếc thương thiên tài quá cố, dư luận còn xôn xao về khối tài sản khổng lồ, ít nhất cũng trên 300 triệu USD của ông sẽ thuộc về ai khi Prince không để lại di chúc.
Việc phân quyền thừa kế giữa người thân của những ngôi sao đột tử không để lại di chúc thường gây nhiều tranh cãi, nhất là khi đó là gia tài khổng lồ và tiếp tục sinh sôi sau khi các nghệ sĩ qua đời. Lịch sử âm nhạc không thiếu những cuộc chiến chia chác di sản của ngôi sao có thể kéo dài vài chục năm trời.
Amy Winehouse, mất năm 27 tuổi
Nữ danh ca người Anh qua đời năm 2011 do ngộ độc rượu mà không để lại di chúc. Cuối cùng, cha mẹ của Winehouse trở thành người thừa kế, Mitch Winehouse , cha cô, phụ trách việc quản lý khối tài sản của con gái mình. Đáng chú ý là trong Amy, bộ phim tài liệu từng đoạt giải Oscar, kể về cuộc đời của nữ ca sĩ, một số bằng chứng cho thấy lúc sinh thời, Winehouse có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với cha mình.
Tài sản của Winehouse ước đạt 4,6 triệu USD sau khi trừ thuế, theo hãng tin AP. Chồng cũ của cô, Blake Fielder-Civil, không nhận được bất cứ thứ gì.
Bob Marley, mất năm 36 tuổi
Hơn 30 năm sau cái chết của Marley, những người thừa kế của ông vẫn miệt mài theo đuổi cuộc chiến giành quyền kiểm soát các phần tài sản của nam ca sĩ tại tòa án.
Marley qua đời vì ung thư năm 1981mà không để lại bản di chúc nào.Theo luật Jamaica quê hương ông, tài sản của nam danh ca được chia cho vợ và 11 người con, đồng nghĩa với việc Rita, vợ Marley, chỉ nhận được 10% khối tài sản. Sau nhiều năm chiến đấu tại tòa, Rita và gia đình của Marley nhận được thêm quyền sử dụng tên và chân dung của nghệ sĩ quá cố.
Những người thừa kế của Marley luôn tích cực chống lại các hành vi sử dụng tên tuổi và hình ảnh của ông vì mục đích thương mại. 5 năm trước, Richard Booker, anh em cùng mẹ khác cha của Marley, đã bị kiện vì sử dụng tên tuổi của ông để thực hiện các tour diễn tại Jamaica và hợp tác với một số liên hoan âm nhạc. Họ một lần nữa lại đưa nhau ra tòa án.
Jimi Hendrix, mất năm 27 tuổi
Hendrix qua đời năm 1970 mà không để lại di chúc. Cuộc chiến tranh giành tài sản của ông kéo dài hơn 30 năm sau đó. Anh chị em của nghệ sĩ guitar nổi tiếng quay đầu thành kẻ thù từ năm 2002, khi ông Al Hendrix, cha họ, qua đời và trao cho Janie, chị của Jimi, quyền kiểm soát khối tài sản trị giá 80 triệu USD của nghệ sĩ. Tòa án Tối cao bang Washington tôn trọng di chúc của Al Hendrix nhưng các anh chị em khác vẫn tiếp tục chiến đấu để giành quyền sử dụng hình ảnh của ca sĩ.
Theo Rolling Stone, cuối cùng, họ đã đạt được thoả thuận trước tháng 7/2015, ngày họ phải ra toà để phân định Hendrix Licensing, một công ty do đối tác kinh doanh của Leon (anh trai Jimi) điều hành, phải bồi thường bao nhiêu tiền cho những người thừa kế của Jimi vì kinh doanh âm nhạc cố nghệ sĩ một cách trái phép.
Sonny Bono, mất năm 62 tuổi
Cái chết của Bono là một cú sốc. Nghệ sĩ, người sau này trở thành nghị sĩ đột ngột qua đời sau tai nạn trượt tuyết năm 1998. Mary Bono, vợ ông, đã phải nhờ tòa án phân xử, để trở thành người quản lý tài sản của chồng.
Trong khi đó, Cher, vợ cũ của Bono, đâm đơn kiện Mary vì bà không thanh toán tiền cấp dưỡng cho Chaz (con chung giữa Cher và Bono). Sau này, tài sản của Bono được chia cho Mary Bono và hai người con của nghệ sĩ quá cố, là Chaz Bono và Christy Bono Face.
Kurt Cobain, mất năm 27 tuổi
Khi Cobain qua đời, ông để lại khối tài sản ước tính lên tới hàng trăm triệu USD. Những năm gần đây, giá trị đó đã tăng lên nhiều, trên 450 triệu USD. Sau cái chết của ca sĩ vào 1994, Courtney Love, vợ ông, là người được trao quyền sử dụng bản quyền của hầu như toàn bộ các ca khúc của Nirvana, ban nhạc mà Cobain làm ca sĩ chính.
Năm 2010, cô con gái Frances Beancủa họ tròn 18 tuổi và bắt đầu nắm quyền kiểm soát quỹ tín thác trị giá hơn 1/3 số tài sản của ông. Cùng năm đó, Love từ bỏ quyền sử dụng tên và chân dung của Cobain để đổi lấy một khoản vay.
Vân Anh (Theo USA Today)
Thể thao & Văn hóa
Tags