Sinh ra cái nơi đào tạo những người làm nghề viết văn mà không thấy có học viên nào "sủi tăm sủi bọt", được "vua biết mặt chúa biết tên" kể ra cũng thấy… sai sai. Ấy là tôi nói về khoa tôi (khoa Viết văn - Báo chí của Đại học Văn hóa Hà Nội), nơi đào tạo ngành viết văn, kế thừa Trường Viết văn Nguyễn Du lừng danh thuở nọ.
1. Tôi cũng đã nói khá nhiều lần đây đó rằng có một số người, kể cả người trong nghề đôi khi do không hiểu công việc của chúng tôi, hoặc cũng có ý này ý nọ, không được vô tư cho lắm, thường bỉ bôi cho rằng làm sao có thể đào tạo thành nhà văn được…
Thì rõ khổ, chúng tôi biết điều này lắm chứ; rằng chúng tôi chỉ dám đào tạo ra những-người-làm-nghề-viết-văn thôi, chứ sau đó họ có trở thành nhà văn thực thụ hay không là tùy thuộc vào tài năng, sự khổ luyện và may mắn của chính họ.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bụng bảo dạ rằng đã sinh ra cái khoa đào tạo nghề viết văn mà không có một ai "mở mày mở mặt" thì kể ra cũng… khá bẽ bàng.
Thế nên, trong quá trình học tập hoặc sau khi đã ra trường, mỗi học viên có tác phẩm được đăng đàn in ấn, có sách mới ra, nhất là có tác phẩm đoạt giải trong các kỳ cuộc thi, dù lớn bé, dù trung ương hoặc địa phương, đều khiến cho đội ngũ những giáo viên và sinh viên của khoa rất đỗi vui mừng, không khỏi tự hào.
Tôi muốn nói tới Cuộc thi thơ 2021 - 2022 của tạp chí Văn nghệ quân đội vừa tiến hành tổng kết và trao giải, trong tổng số 2 giải Nhì và các giải Ba, Tư, có hai tác giả vốn là người của khoa tôi: Phùng Thị Hương Ly đoạt giải Nhì và Nguyễn Văn Hậu (Nam Thiên Phú) đoạt giải Tư.
Khi một cuộc thi chỉ có thứ hạng cao nhất là giải Nhì, điều này cũng cho thấy rằng chất lượng cuộc thi không thật sự như mong ước, rằng chưa thấy có tác giả/tác phẩm nào thực sự sáng giá, vượt trội, xuất sắc, thật sự có đóng góp vào nền thơ Việt Nam đương thời. Thì đúng vậy.
Nhưng chắc hẳn chúng ta cũng dễ đồng ý với nhau rằng, giải Nhất của các cuộc thi lớn bao giờ cũng thuộc về tài năng, mà tài năng thực sự ở đời đâu có nhiều. Cuộc thi thơ/truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội từ xưa tới nay luôn luôn được coi là cuộc thi lớn, bên cạnh cuộc thi lớn khác là của tuần báo Văn nghệ. Dân gian thường hay nói một câu có tính an ủi, nhưng không hẳn là không đúng: "Có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa" đó thôi!
2. Trở lại với trường hợp của Phùng Thị Hương Ly. Đây là một học viên quê Bắc Kạn, người Tày, tốt nghiệp Khóa 12, lớp Viết văn - Đại học Văn hóa Hà Nội, ra trường năm 2013. Sau khi tốt nghiệp, cô ấy về tỉnh Bắc Kạn xung vào đội quân báo chí địa phương. Được dăm năm, do sức ép giảm biên chế và nhiều điều kiện khác, cô ấy rời công sở, đi làm tự do, công cuộc mưu sinh có phần chật vật. Rồi cũng như bao cô gái khác, cô ấy lấy chồng, sinh con, sống một cuộc đời bình dị…
Thỉnh thoảng trên một số phương tiện truyền thông đại chúng, thấy có một cái tên Phùng Thị Hương Ly với những "chiếc thơ" (nói vui theo giọng "trend" trên Facebook hôm nay) đăng rải rác. Những bài thơ của cô gái này, có thể nói là không dở, thế nhưng cũng không thể gọi là đặc sắc; thỉnh thoảng nhô lên được đôi bài, đôi câu lạ lạ, chắc tay.
Vẫn biết làm thơ là khó, thơ hay lại càng cực khó. Người làm thơ thì nhiều, nhưng để trở thành tác giả thơ thì ít. Muốn trở thành tác giả nhất thiết phải có một số lượng bài tối thiểu có chất lượng đột xuất, mang vóc dáng riêng cả về ý tưởng lẫn giọng điệu. Một nguồn cảm hứng mới, một góc nhìn mới, cách cảm nhận mới, đi kèm với nó là cách tổ chức bài thơ với mạch cảm xúc, hình ảnh, ngôn ngữ, cách gói mở… độc đáo. Tất cả làm nên một chỉnh thể thơ ca trọn vẹn, như một sinh thể ngôn từ sống động…
Có người viết nhiều, viết trong một thời gian dài, nhưng các tác phẩm vẫn cứ nhàn nhạt, đèm đẹp, na ná nhau, không có đột xuất, độc sáng. Cho nên họ không thể làm nên một gương mặt tác giả. Một người làm thơ muốn trở thành tác giả thực sự phải có những thành tựu thơ đủ để khắc tạc nên gương mặt riêng.
Chùm thơ ba bài đoạt giải lần này của Phùng Thị Hương Ly khiến tôi tìm đọc thêm một số bài thơ khác gần đây đăng rải rác, tôi mới nhận ra những đường nét khá rõ của một tư cách tác giả thơ.
Có hai nguồn cảm hứng trở đi trở lại trong thơ Phùng Thị Hương Ly: đất và người đồng bào miền núi; những âm vọng chiến tranh nhìn từ người trẻ hôm nay. Ngay nguồn cảm hứng thứ hai cũng được tắm gội trong từ trường mỹ cảm miền núi, đồng rừng…
Chị rất quan tâm tới sự sống hồi sinh sau khi tưởng chừng chúng đã bị hủy diệt, tàn phá. Chị thích kiếm tìm những cách nói "lạ hóa", gây ấn tượng, đem đến cho người đọc những cảm nhận mới… Tuy nhiên, tất cả những điều vừa kể trên sẽ không thể có được nếu như trong tâm hồn của nhà thơ trẻ này không có lòng yêu thương đối với đất đai, xứ sở, những con người bình dị trong cuộc sống thường ngày.
Ở nơi đào tạo ngành viết văn của chúng tôi có một điểm khá thú vị: thỉnh thoảng đôi khóa, chúng tôi lại tuyển được một số học viên gốc gác thuộc đồng bào dân tộc ít người. Thời còn là trường Nguyễn Du đã có. Từ khóa 8 trở đi (2006 - 2009), khi tôi mới về khoa công tác, đội ngũ sinh viên các khóa có khá nhiều bạn là người dân tộc thiểu số theo học, sau này trở thành những cây bút độc đáo, góp phần làm nên diện mạo văn học trẻ của đất nước: Vi Văn Choồng (Hữu Vi), Hoàng Chiến Thắng, Phạm Huy Thông, Nguyễn Văn Toan, Vàng A Giang, Triệu Hoàng Giang, Yến Dương (Bàn Thùy Dương), trong đó có Phùng Thị Hương Ly.
Ngay từ năm thứ nhất, tôi đã trò chuyện với các bạn rất kỹ rằng không nên xa rời căn tính tộc người, quê hương, bản quán, phong tục, ngôn ngữ; phải kiêu hãnh bởi vì mình là người dân tộc thiểu số, rằng các bạn phải trở thành người đại diện cất lên điệu hồn dân tộc mình; rằng tuy nhiên phải cần đọc sách, tu luyện, mở mang tri thức, đi ra với đất nước và thế giới, chứ "tự trị" trong tâm hồn và tri thức bản địa là khó đi xa… Nhìn lại, tôi rất mừng, thấy phần lớn các cây bút ấy đang đi đúng hướng.
Chùm thơ ba bài giải Nhì của Phùng Thị Hương Ly đã nhận được phản hồi cơ bản là tích cực của cộng đồng mạng và bạn đọc, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những ý kiến ngược lại. Nên xem đây là việc bình thường. Người muốn trưởng thành cũng cần được cọ xát trong môi trường dư luận xã hội có cả hay lẫn dở và không ít thị phi.
Trong bài Trên những hố bom của Ly, khi nói về màu xanh sự sống hồi sinh, có một câu thơ khá ấn tượng: "Búp sen ngập ngừng đáy nước". Tôi nghĩ đây là một cách nói kháng cự lại lối viết ca ngợi dễ dãi bằng những quán tính quen thuộc, chẳng hạn thay vì nói "ngập ngừng" sẽ là "vươn thẳng", "chồi lên", "đội lên"… "Ngập ngừng" là một sự sống điềm tĩnh, đẹp một cách điềm tĩnh. Hình ảnh này chỉ có thể đi ra từ một hồn thơ đã có đủ độ chín trong cách cảm nhận về sự sống hồi sinh sau chiến tranh, một sự hồi sinh không dễ dãi chút nào…
Có thể ví sự trưởng thành của nhà thơ Phùng Thị Hương Ly theo cách như "Búp sen ngập ngừng đáy nước". Một cái đẹp điềm đạm, bình lặng mà tin cậy…
3. Xin trở lại cái ý ban đầu của bài viết này. Là một người của cơ sở đào tạo ngành viết văn, khi thấy các học viên của mình trưởng thành, lòng cũng vui lây. Tuy nhiên, vẫn hiểu, những thành tựu đó là do chính các học viên làm nên bởi sự dày công khổ luyện và sáng tạo…
Nếu ai đó chịu khó một làm một bảng thông kê các loại giải thưởng của những học viên ngành viết văn nơi đây từ khóa 8 đến nay, sẽ thấy một danh sách được coi là đẹp. Chỉ tính riêng trong số các giải thưởng thơ, truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội và tuần báo Văn nghệ, đã có không ít các học viên đoạt giải Nhì (Hoàng Chiến Thắng, Đoàn Văn Mật, Vũ Thị Thanh Huyền, Đinh Phương…) và các giải thuộc thứ hạng sau đó.
Chính các gương mặt trưởng thành làm nên uy tín của một địa chỉ đào tạo viết văn.
Hà Nội, 1/2023
"Vẫn biết làm thơ là khó, thơ hay lại càng cực khó. Người làm thơ thì nhiều, nhưng để trở thành tác giả thơ thì ít. Muốn trở thành tác giả nhất thiết phải có một số lượng bài tối thiểu có chất lượng đột xuất, mang vóc dáng riêng cả về ý tưởng lẫn giọng điệu" – PGS-TS Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí.
Tags