Những ngày gần đây, câu chuyện về sự kết hợp buôn bán giữa các hàng quán vỉa hè Hà Nội đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều dân mạng.
Những ngày gần đây, sau khi câu chuyện của một nữ TikToker đi ăn ở hàng bún chả vỉa hè Hà Nội trở thành chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội, thì chuyện buôn bán của nhiều hàng quán Thủ đô cũng trở thành mối quan tâm của nhiều người. Cụ thể ở đây chính là kiểu buôn bán "cộng sinh" của nhiều hàng quán, cũng là nguyên nhân dẫn đến những tình huống bức xúc gây tranh cãi.
Buôn bán "cộng sinh" - kiểu hàng quán có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi tại Hà Nội
Đi ăn ở Hà Nội, đặc biệt là các hàng quán vỉa hè, có lẽ bạn sẽ ít nhất 1 lần bắt gặp kiểu buôn bán "cộng sinh" như thế này: Các hàng quán ở gần nhau sẽ kết hợp buôn bán, cùng hỗ trợ nhau, cùng làm hài lòng khách, cùng nhau phát triển. Ví dụ, khách đến có thể ngồi hàng phở ăn phở và gọi thêm nước của hàng kế bên thay vì ăn xong phở mới đi uống nước. Hay đôi khi, khách đi 2 người nhưng mỗi người thích ăn một món khác nhau thì có thể ngồi ở hàng bún rồi gọi thêm bánh cuốn ngay bên cạnh hoặc ngược lại. Đây chính là kiểu làm ăn "buôn có bạn, bán có phường" mà ông cha ta đã nói từ xưa.
Có thể thấy, kiểu buôn bán "cộng sinh" nay mang đến rất nhiều lợi ích. Điều đầu tiên, cách kết hợp này giúp các hàng quán cùng phát triển, mang đến nhiều lợi nhuận hơn trong kinh doanh. Bên cạnh đó, các vị khách đi ăn cũng sẽ thuận tiện hơn, có thể ngồi ở một chỗ mà gọi được nhiều món. Hay trong một số trường hợp, khách đi ăn phở nhưng quán phở hết chỗ thì có thể sang quán nước ngồi, vừa gọi phở vừa gọi nước là được, đỡ mất công chờ đợi lâu.
Tuy nhiên, đôi khi, kiểu buôn bán này đôi khi cũng gây ra những tình huống bức xúc, gây nhiều tranh cãi.
Nét văn hoá thú vị nhưng cũng gây tranh cãi?
Vừa mới đây, câu chuyện của một nữ TikToker đi ăn uống tại một khu vực hàng hoá "cộng sinh" như vậy cũng đã làm dấy lên những luồng tranh cãi. Theo đó, nữ TikToker này đã đi ăn tại một quán bún chả quen nhưng hôm nay khách đông nên nhân viên hướng dẫn đi vào quán nước phía trong để ngồi. Tại quán nước, khi bà chủ hỏi uống gì thì cô nàng từ chối, chủ quán nước nói rằng: "Không gọi nước thì ra ngoài ngồi" thì điều này đã khiến cho nữ TikToker vô cùng bức xúc, thốt lên rằng "người Hà Nội bạc bẽo".
Sự bức xúc có phần hơi thái quá cùng cách nhận định phiến diện "người Hà Nội bạc bẽo" của nữ TikToker này đã khiến nhiều dân mạng tranh cãi. Điều này hoàn toàn có thể hiểu, dù vậy thì đôi khi cũng có những trường hợp "dở khóc dở cười" khi đến ăn tại những nơi như vậy. Điển hình như những vị thực khách không hề biết chuyện các hàng quán cùng kết hợp, hay vì là hàng quán vỉa hè, bàn ghế để san sát nên khó phân biệt đâu là bàn ghế của quán nào dẫn đến... ngồi nhầm. Rất nhiều lý do như vậy đã dẫn đến những hiểu lầm giữa người mua và người bán, khiến cả 2 bên cùng khó chịu, khách hàng thì có những trải nghiệm không hay ho.
Kiểu buôn bán "cộng sinh" từng gây không ít tranh cãi (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet)
Xét cho cùng, trong những trường hợp này, nếu chủ quán có thể bình tĩnh hơn để giải thích, khách hàng có thể bình tĩnh hơn để lắng nghe và thông cảm, bình tĩnh đưa ra lựa chọn có ở lại ăn hay không, thì câu chuyện cũng sẽ bớt khó chịu hơn.
Ngày nay, không chỉ Hà Nội mà còn rất nhiều nơi có kiểu buôn bán "cộng sinh" giữa các hàng quán như vậy. Và để có những trải nghiệm ăn uống thật thoải mái, vui vẻ, hài lòng, có lẽ cả phía chủ quán và các vị khách hàng đều nên hiểu cho nhau. Nếu chủ quán tinh tế hơn để giải thích và phục vụ, khách hàng bình tĩnh hơn và hiểu cho cách buôn bán này, thì mọi chuyện sẽ "dễ thở" hơn rất nhiều.
Tags