(Thethaovanhoa.vn) - Cách tốt nhất và hợp lý nhất để kìm hãm sự ấm lên toàn cầu đó là trao quyền cho người trồng rừng bản địa, giảm lãng phí thực phẩm và giảm khẩu phần thịt trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo do một liên minh gồm 38 tổ chức phi chính phủ thực hiện và công bố ngày 15/10.
Theo báo cáo dài 50 trang này, việc khôi phục hệ sinh thái rừng tự nhiên, đảm bảo quyền sử dụng đất của các cộng đồng dân cư bản địa và điều chỉnh hệ thống cung cấp thực phẩm toàn cầu có thể góp phần giảm tới 40% lượng khí thải nhà kính đến năm 2050, đồng thời giúp con người tránh được các thảm họa khí hậu. Báo cáo dựa trên công trình khoa học này nhận định gần 20% lượng khí thải được cắt giảm sẽ có được từ việc tăng diện tích trồng rừng và các vùng đầm lầy, qua đó thúc đẩy quá trình hấp thụ khí CO2, phần còn lại sẽ có được từ chính sách hạn chế các hoạt động nông nghiệp phát thải lượng lớn khí CO2.
Thành viên của tổ chức phi chính phủ Fern Kelsey Perlman nhận định những ý tưởng thực tế trên là nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, đồng thời cũng bảo vệ quyền con người và sự đa dạng sinh thái. Theo báo cáo này, các cộng đồng bản địa sống trong rừng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng.
Người đứng đầu công trình nghiên cứu trên, Kate Dooley, chuyên gia đến từ Đại học Melbourne (Australia), cho rằng những cộng đồng cư dân bản địa sống trong rừng sẽ chính là những người bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên này và họ không chỉ được trao quyền mà còn phải được cung cấp các nguồn lực để thực hiện vai trò của mình.
Thực tế đã cho thấy tình trạng phá rừng - nguyên nhân dẫn tới 20% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính- đang làm trầm trọng thêm hiện tượng ấm lên toàn cầu, bởi hoạt động này làm giảm khả năng hấp thụ khí CO2 của Trái Đất, đồng thời làm gia tăng lượng khí thải ra không khí.
Trong khi đó, việc điều chỉnh lượng thịt trong chế độ ăn hàng ngày của con người sẽ có tác động lớn hơn cả đối với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Theo báo cáo này, việc nuôi gia cầm gia làm tăng mối đe dọa từ khí hậu do hoạt động này dẫn tới việc lấy đất rừng để trồng cỏ và phát thải lượng lớn khí methane, vốn gây tác hại gấp 25 lần so với khí CO2.
Ngoài ra, việc giảm 30% lượng thực phẩm dư thừa hiện nay có thể giúp giảm 500 triệu tấn khí CO2, tương đương với hơn 1% tổng lượng khí phát thải. Nỗ lực này đồng thời giúp đỡ khoảng vài tỷ người trên thế giới thoát khỏi cảnh đói ăn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng thừa nhận rằng việc thực thi mục tiêu này sẽ gặp khó khăn, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Theo tính toán của giới chuyên gia, tới năm 2050, nếu các nước giàu giảm được tới 90% lượng thịt tiêu thụ thì có thể đảm bảo môi trường sinh sống bền vững cho khoảng 10 tỷ dư cư trên Trái Đất.
TTXVN/Thanh Hương
Tags