Khi bạn đã quen với việc chiến thắng, việc thua cuộc trở nên khó chấp nhận hơn nhiều so với người bình thường. Pep Guardiola đã đưa Manchester City đến những đỉnh cao chưa từng thấy, cho đến khi mọi thứ bỗng chốc tan biến như đường pha vào nước.
Mọi chuyện cứ thế xuống dốc, mà không có dấu hiệu cảnh báo sớm. Man City đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong kỷ nguyên Guardiola. Trận thua vào thứ Bảy vừa qua cũng là một cú sốc lớn.
Etihad đã chờ đợi một buổi chiều lễ hội với 2 tin tức lớn từ Manchester: Rodri giành Quả bóng Vàng và, bất chấp mọi khó khăn, Pep Guardiola gia hạn hợp đồng. Bầu không khí tràn ngập hy vọng mặc dù kết quả gần đây không mấy khả quan.
Tuy nhiên, sân cỏ không bao giờ nói dối: Spurs đã vượt trội hơn hẳn đối thủ tại Etihad, giành chiến thắng 4 bàn không gỡ, mở toang một vết thương khó lành trên cơ thể City. Đây cũng là trận thua đậm nhất mà thầy trò Guardiola từng phải nhận kể từ khi chuyển đến Etihad.
Tầm ảnh hưởng của thất bại này không dừng lại ở đó. City đã nhận 5 trận thua liên tiếp trên mọi đấu trường, điều mà Guardiola chưa từng trải qua, đánh dấu chuỗi thua tồi tệ nhất trong sự nghiệp huấn luyện của ông. Hơn nữa, đây cũng là thất bại có cách biệt lớn nhất trong sự nghiệp của ông, sau những trận thua trước đây vào năm 2017 (4-0), 2016 (0-4) trước Real Madrid, cùng Bayern vào năm 2014 (0-4).
Họ đã phải chịu thất bại này trước một đối thủ đã trở thành ác mộng của Guardiola. City giờ đã thua 3 trận liên tiếp trước Spurs, đội bóng đã đánh bại City nhiều hơn bất kỳ đội nào khác kể từ khi ông đến Anh. Con số không dừng lại ở đó: City là nhà đương kim vô địch Anh đầu tiên thua 5 trận liên tiếp kể từ năm 1956.
Mùa ấy, Chelsea đã kết thúc ở vị trí thứ 16, nhưng Guardiola hy vọng có thể khắc phục tình hình trước khi rơi vào tình trạng như vậy. Có điều, phải nhắc lại, đây là lần đầu tiên Guardiola đối diện với một cuộc khủng hoảng tệ cỡ này, và không hề được báo trước.
"Mọi người nói về việc 'không có Rodri', và tất nhiên chúng tôi nhớ cậu ấy - cậu ấy là cầu thủ giỏi nhất thế giới", Guardiola thừa nhận. Một vấn đề lớn lại được đặt lên bàn cân: Liệu một đội bóng có thể sụp đổ đơn giản khởi nguồn từ sự vắng mặt của một người? Ngay cả khi đội bóng ấy được dẫn dắt bởi HLV tốt nhất thế giới, với hệ thống chiến thuật được đánh giá là bài bản và có chiều sâu nhất?
Sự thiếu vắng này là rõ ràng: Rodri rõ ràng đã để lại những khoảng trống lớn, đặc biệt về mặt phòng ngự. Ở giữa sân, Man City tỏ ra chậm chạp và yếu kém trong nhiều tình huống, và bàn thắng thứ 3 của Spurs tối thứ Bảy là một ví dụ điển hình. City cũng thất bại trong hầu hết các tình huống bóng hai hay tranh chấp tay đôi, và họ cũng không có ai bao quát nổi khoảng không gian trước vòng cấm.
Không có cầu thủ nào giống như Rodri trên thế giới, ngay cả khi tất cả những cầu thủ đang bị chấn thương của City quay trở lại sớm. Rốt cục thì trong hệ thống mà Pep đã dày công suy nghĩ, sắp xếp và cố gắng thực hiện nó với một kỷ luật sắt đá.
"Nếu Pep đã lên kế hoạch, mọi người phải tôn trọng nó" - Cựu tiền đạo Barcelona, Thierry Henry, nhớ lại. Có một lần anh đã định thử phá các nguyên tắc của Pep, tự ý di chuyển không theo ý đồ của HLV người TBN.
Guardiola nhận ra ngay và lập tức thay anh ra khỏi sân. Câu chuyện tương tự xảy ra với trung vệ tân binh Dmytro Chygrynskiy vào năm 2009: Anh này lỡ chuyền dài trong khi Pep muốn chơi bóng ngắn, và cầu thủ này ngay lập tức bị cho đi tắm sớm.
Pep chính là HLV gần như đã kết thúc sự tranh cãi dai dẳng giữa 2 quan điểm bóng đá: Liệu cầu thủ quan trọng hơn hay hệ thống quan trọng hơn? Đôi khi ai đó đứng lên bảo rằng Guardiola không có Messi thì chẳng làm nên trò trống gì, nhưng lùm xùm nhanh chóng trôi qua, vì Pep đã giành chiến thắng ở cả TBN, Đức và đặc biệt là tại Anh, với "quái vật" Man City.
Nhưng cuối cùng thì khi Man City đang cảm thấy tự tin nhất, thì bóng ma này quay lại. Cuối cùng thì Pep vẫn phải thừa nhận rằng hệ thống bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo của ông vẫn có điều gì đó bất toàn: Nó mong manh đến nỗi đẩy đội bóng vào khủng hoảng chỉ vì một cầu thủ ngôi sao.
Bóng đá thú vị và trở nên đỡ tuyệt vọng hơn, vì chính cơn khủng hoảng này của Guardiola. Cách vận hành của nó luôn có điều gì đó vượt quá hiểu biết và tầm kiểm soát của con người, dù con người đó là HLV vĩ đại nhất lịch sử đi chăng nữa.
Phạm An
Tags