Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 3): Gom nhặt những hạt lúa từ ngàn xưa

Thứ Năm, 13/06/2024 13:23 GMT+7

Google News

Lịch sử khảo cổ học thế giới có một bước chuyển rất căn bản và to lớn kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai kết thúc (1945). 

Đó là sự thay đổi trong nhận thức về đối tượng và phương pháp khai quật: Khai quật chổi lông, khai quật nước nổi, khai quật sàng khô, sàng ướt nhằm khai thác kỹ hơn những thứ mà người xưa còn sót lại trong các tầng trầm tích văn hóa, trong đó đặc biệt được quan tâm là các tàn tích thức ăn.

1. Kiểu khai quật kinh điển trước đó chia trầm tích văn hóa thành những tầng 20cm, dùng cuốc thuổng để giải phóng đất đá và thu gom đo vẽ những hiện vật mắt thường bắt gặp (độ lớn khoảng 0,5cm trở lên). Cách khai quật khảo cổ học mới chủ yếu do các nhà khảo cổ học trường phái Gordern Child ở Anh thực hiện trong chuỗi khai quật ở vùng tiểu Á (Syria, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ…), dùng những lưỡi bay nhỏ phối hợp với những chổi lông các loại làm sạch từng lớp 2 - 3cm đất trầm tích để phát hiện mọi loại hình hiện vật dưới 0,5cm. Toàn bộ trầm tích văn hóa được sàng lại dưới những ô sàng mắt lưới rộng 1 - 2mm. 

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 3): Gom nhặt những hạt lúa từ ngàn xưa - Ảnh 1.

Khai quật bằng chổi lông và sàng khô trong hang Xóm Trại năm 1982 (hình trái) và 1986 (hình phải)

Sau đó, thả phần đất dưới sàng vào các thùng nước tạo độ quay hay rung để tách khỏi đất bám những hiện vật nhỏ hơn… Cách khai quật như vậy đã nhanh chóng tăng số lượng di vật lên hàng trăm lần và cần rất nhiều sự hỗ trợ của các phòng thí nghiệm bảo quản, giám định liên quan.

Tiến sĩ người Mỹ là Chester Gorman đã đưa phương pháp khai quật mới này vào khai quật hệ thống hang động văn hóa Hòa Bình ở Mea Hongson (Tây Bắc Thái Lan) từ những năm đầu 1960. Thế hệ học trò của G. Child đưa phương pháp nghiên cứu khai quật mới đó vào Đông Nam Á như Chester Gorman, Ian Glover, Charl Higham, Per Soerensen, Peter Bellwood… nay đều đã bước qua tuổi 80, người còn, người mất. Thế hệ khảo cổ học người bản địa tuân thủ theo trường phái khảo cổ học mới này khá hiếm, được coi như thế hệ học trò của các nhà khảo cổ học Âu, Mỹ, Úc kể trên chỉ có Suri Pokajorn ở Thái Lan, Majit Zuraina ở Malaysia, Viktor Paz ở Phillipin và tôi (Nguyễn Việt) ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, năm 1978, Viện Khảo cổ học xây dựng một đề tài khoa học liên ngành Lịch sử nông nghiệp sớm ở Việt Nam, tôi được giao làm thư ký đề tài, có dịp được làm việc với những nhà thực vật học và nông học hàng đầu ở nước ta khi đó, như Đào Thế Tuấn, Vũ Tuyên Hoàng, Nguyễn Đăng Khôi, Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn Đức Thìn… và bước đầu có những phát hiện đầu tiên về dấu tích lúa gạo trong đất trầm tích văn hóa, đất trộn vỏ trấu, rơm rạ làm gốm…

"Chiếc kính hiển vi Nikon đầu tiên được đưa về phòng thí nghiệm của Viện Khảo cố học năm 1982 chỉ đạt cỡ phóng đại lớn nhất tới 40 lần" - TS Nguyễn Việt.

2. Chủ đề chúng ta "rì rầm" hôm nay là về những hạt lúa khảo cổ học đã được phát hiện. Với tôi, đó thực sự là một công cuộc mò kim đáy biển đáng ghi nhớ trong cuộc đời làm khoa học của mình.

Vào những năm 1970 - 1980, tất cả những nhà khảo cổ học và bảo tàng học chỉ được trang bị tối tân nhất là một kính phóng đại cầm tay hai tròng, tròng ngoài gấp 2 - 3 lần, tròng nhỏ hơn ở góc có thể đạt tối đa 5 lần. Chiếc kính hiển vi Nikon đầu tiên được đưa về phòng thí nghiệm của Viện Khảo cố học năm 1982 chỉ đạt cỡ phóng đại lớn nhất tới 40 lần. Trong điều kiện như vậy việc nghiên cứu các vi vật thể khảo cổ đứng trước một thách đố rất lớn.

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 3): Gom nhặt những hạt lúa từ ngàn xưa - Ảnh 3.

Hạt lúa Xóm Trại do nhiếp ảnh gia Phạm Ngọc Long chụp năm 1982

Tuy nhiên, những hạt thóc, lúa đầu tiên vẫn được cố gắng lưu hình và công bố. Trong đó phải ghi nhận sáng tạo đặc biệt của nhiếp ảnh gia Phạm Ngọc Long, Trưởng phòng Ảnh, Viện Khảo cổ học đã gắng gắn ống kính với kính phóng đại để lần đầu tiên cho chúng ta thấy "lông gai" trên vỏ trấu khai quật ở hang Xóm Trại - một công việc mà ngày nay chỉ cần một ống kính của smart phone cũng dễ dàng làm được.

Khoảng những năm 1970, một giáo sư Nhật Bản là Todayo Wantabe đã thực hiện một cuộc khảo sát rất có ý nghĩa về lúa sớm ở châu Á. Ông khai thác dấu in lúa trên gạch, đất nung của các tượng đài, công trình kiến trúc được định tuổi chắc chắn từ Ấn Độ và các nước như Nepal, Miến Điện, Thái Lan… Do chiến tranh Đông Dương đang diễn ra ác liệt nên ông không có tài liệu của Lào, Việt Nam, Campuchia. Từ các dấu tích khảo cổ học đó, ông đã xác nhận hai dòng lúa đã tác động vào các nền văn minh Đông Nam Á: Lúa hạt dài (indica sativa) tương tự lúa chiêm ở Việt Nam, phổ biến ở Ấn Độ và các nước Ấn Độ hóa phía Nam, trong khi đó từ phía Bắc lại phổ biến lúa dạng hạt bầu và tròn (japonica và japonica-like), trong đó lúa hạt bầu rất giống lúa nếp của Việt Nam.

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 3): Gom nhặt những hạt lúa từ ngàn xưa - Ảnh 4.

Hạt lúa trong mộ văn hóa Đông Sơn khai quật tại tại Yên Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) năm 2004


3. Hòa nhịp với trào lưu chung đó, Viện Khảo cổ thành lập nhóm truy tìm tàn tích lúa khảo cổ học.

Nhóm các nhà khoa học truy tìm hạt lúa đầu tiên khi đó do tôi phụ trách, có Nguyễn Kim Dung, Đoàn Đức Thành là hai cán bộ phòng xét nghiệm Viện Khảo cổ và Nguyễn Xuân Hiển, chuyên viên lịch sử lúa trồng của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp. Trước đó, khai quật Đồng Đậu, Vườn Chuối, Đông Tiến… trong những hố đất đen khoảng 3.500 năm trước đã từng gạn được một số hạt gạo cháy. Nay chỉ còn bản ảnh.

Cái ăn của người Đông Sơn (kỳ 3): Gom nhặt những hạt lúa từ ngàn xưa - Ảnh 5.

Đoàn cán bộ liên ngành nghiên cứu lịch sử trồng lúa tại hang Xóm Trại năm 1986. Người đứng ngoài cùng bên trái là Giáo sư tiến sĩ Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Nguyễn Xuân Hiển đã gắng phóng đại các hình gạo cháy đó để xác lập tương quan dài/rộng để kết luận chúng thuộc dạng hạt bầu, gần japonica (japonica-like). Đến lượt chúng tôi, chỉ với những kính phóng đại cầm tay độ phân giải thấp, tôi đã phát hiện mảnh trấu trên xương gốm ở Đông Tiến 3200 năm, trên gốm Làng Vạc (2300 năm), những hạt gạo cháy ở thành Xương Giang (Bắc Giang) thế kỷ 15, Ba Đình (Thanh Hóa) thế kỷ 19…

Dựa trên số lượng phát hiện còn ít ỏi như vậy, chúng tôi đã thiết lập được sơ đồ phát triển của lúa trồng trong lịch sử Việt Nam: Lúa hạt bầu dạng nếp được dùng phổ biến ở miền Bắc Việt Nam từ 4000 năm trước đến ít nhất là thời Lý, sau đó nhờ trị thủy đã phát triển lúa chiêm hạt dài dạng gần indica.

Kết quả nghiên cứu mở rộng đã được tôi tổng hợp trong công trình nghiên cứu: Lúa nếp và chõ thời Hùng Vương đăng trên tạp chí khảo cổ học năm 1980, Chiến lược lương thực của người Việt trong lịch sử đăng trên tạp chí Dân tộc học năm 1982…

Trong khoảng 20 năm gần đây, việc truy tìm các dấu tích lúa sớm ở Việt Nam đã dễ dàng hơn nhiều. Trong tay tôi hiện có hàng trăm tiêu bản lúa khảo cố các loại đó. Cuộc khai quật quốc tế ở An Sơn (Long An) đã đưa ra ánh sáng rất nhiều điều mới về lịch sử lúa trồng sớm ở Việt Nam và khu vực. Tôi hy vọng sẽ có thể nói nhiều và kỹ hơn về những phát hiện khảo cổ cũng như kết quả nghiên cứu lúa cập nhật nhất trong các buổi "rì rầm trong tiếng đất" tiếp theo…     

"Biến động trong cuộc đời làm khảo cổ"

Sự kiện lớn tạo biến động trong cuộc đời làm khảo cổ của tôi xảy ra vào năm 1980. Sau khi nghe báo cáo của Chester Gorman về các cuộc khai quật của ông ở Thái Lan tại Viện Khảo cổ học Hà Nội, tôi đã mạnh dạn đề xuất một cuộc khai quật tại hang văn hóa Hòa Bình ở Xóm Trại (Tân Lập, Lạc Sơn, Hòa Bình) bằng phương pháp sàng khô … Từ đó tôi xây dựng bộ môn Khảo cổ học Vi tư liệu (Micro Studies on Archaeology) đầu tiên tại Việt Nam cũng như tại Đông Nam Á.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›