Thị Mầu là một sản phẩm tốt nếu như có thời điểm ra mắt phù hợp, nhưng để thành sản phẩm chính thức của Hòa Minzy sau 3 năm thì quả thực gây hụt hẫng không nhỏ.
Hòa Minzy đã không thể vượt qua “cái bóng” quá lớn từ Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp.
Trở lại 3 năm về trước, Hòa Minzy cho ra mắt MV Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp, bản ballad được Mr. Siro “đo ni đóng giày” cho giọng hát của cô. MV được đạo diễn bởi Kawaii Tuấn Anh, đưa khán giả về Cố đô Huế, Hòa Minzy hóa thân thành Nam Phương Hoàng hậu để kể câu chuyện tình buồn với Hoàng đế Bảo Đại. MV sau đó nhanh chóng đạt top 1 trending, thực sự “gây bão” toàn bộ MXH khi netizen như “sục sôi” trong việc tìm hiểu về nhân vật lịch sử Nam Phương Hoàng hậu, về những câu chuyện tình của Hoàng đế Bảo Đại, về “bức thư đánh ghen” mà Hoàng hậu gửi cho tình nhân Lý Lệ Hà,... Một trào lưu giới trẻ tìm đến Cố đô Huế để du lịch, “check-in” các địa điểm xuất hiện trong MV cũng phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào bức tranh du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp, Hòa Minzy dưới mắt công chúng là một ca sĩ với giọng hát ổn áp, có các bản ballad nằm ở mức ổn nhưng không thực sự quá nổi bật, bùng nổ. Song song với đó là loạt phát ngôn, bình luận khá nông nổi của nữ ca sĩ khi đối diện với các ý kiến trái chiều; chuyện tình cảm gây xôn xao; cộng với không ít ồn ào từ hoạt động FC đã khiến cái tên Hòa Minzy nhận về nhiều cái nhìn e dè, thậm chí thiếu thiện cảm.
Tất cả sự nghi ngại đều được xóa bỏ khi cô ra mắt Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp, tất cả đã nâng tầm nữ ca sĩ về cả hình ảnh, phong cách, phát ngôn lẫn tư duy làm nghề, nhận được sự trân trọng, ghi nhận từ giới chuyên môn cho đến khán giả đại chúng. Đặt riêng ballad thì Hòa Minzy vẫn có thể hát ổn, nhưng vẫn có những “đối thủ” thậm chí “át vía” mình. Tuy nhiên, một giọng hát ballad đi kèm với một câu chuyện mang tính lịch sử - văn hóa tạo nên một “sức mạnh tổng thể” quá mạnh cho nữ ca sĩ mà các ekip nghệ sĩ khác khó lòng bắt chước. Từ đây, giới chuyên môn nhận định Hòa Minzy đã tạo nên “công thức thành công” cho riêng mình, cứ thế áp dụng để tiến lên với những sản phẩm kế tiếp.
Bẵng đi 3 năm, công chúng ngày càng chờ đợi cho sản phẩm âm nhạc mới của Hòa Minzy sau “siêu phẩm” Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp. Mùa Valentine năm nay, Hòa Minzy cũng đã có màn “warm up” khá viral khi kết hợp với Tăng Duy Tân để “chào sân” bằng tấm poster trong tạo hình cô Thị Mầu. Tất cả sự chờ đợi suốt 3 năm ròng rã, những tín hiệu “hâm nóng” đáng trông đợi, những “ồn ào” nho nhỏ từ cuộc sống... tổng hòa lại đã khiến cái tên Hòa Minzy chiếm trọn sự chú ý của truyền thông, dọn đường rất mượt mà.
Sự kỳ vọng càng cao, chờ đợi càng lâu từ công chúng dẫn đến việc họ trông đợi một điều gì đó nếu không hơn thì cũng không kém Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp quá nhiều. Thế nhưng…
Thị Mầu: sự chờ đợi 3 năm nhưng lại nhận về cảm giác hụt hẫng?
Hòa Minzy ấp ủ hơn 3 năm để ra mắt MV Thị Mầu, tính riêng ca khúc thì “ôm” đến tận 7 năm. Những “dấu chỉ” về thời gian quá dài, quá lâu khiến công chúng lại càng trông đợi về một sản phẩm xứng tầm với quãng thời gian dài đằng đẵng đến vậy. Nhưng rồi, những gì mà khán giả được xem sau ngần ấy thời gian ắt hẳn mang lại không ít cảm giác hụt hẫng.
Về âm nhạc, không khó để nhận ra phần phối khí của Thị Mầu có phần cũ kĩ. Ca khúc cùng thời với Ăn Gì Đây là một ca khúc đã được ra mắt rất lâu của Hòa Minzy. Khác với các ca khúc ballad có thể “trữ kho” khá lâu, những bản nhạc với thể loại nhạc không quá đại chúng thế này cần phải được ra mắt đúng thời điểm để “cộng hưởng” với trào lưu hiện hành. Producer Masew cũng thừa nhận trên trang cá nhân: phần âm nhạc đã được hoàn tất từ tận năm 2018, project liên quan cũng đã không còn được giữ lại nên bây giờ 5 năm sau, có muốn chỉnh sửa lại cũng không thể.
Nghĩa là, Hòa Minzy đã sử dụng một ca khúc được hoàn tất từ năm 2018 để ra mắt vào năm 2023 thế nên sự chênh lệch về kĩ thuật, công nghệ lẫn tư duy làm nhạc càng được thể hiện rõ nét. Nếu Thị Mầu được ra mắt sớm hơn, biết đâu người “tiên phong” trong trào lưu làm nhạc mang màu sắc văn hóa dân gian kết hợp hiện đại lại là Hòa Minzy chứ không phải Hoàng Thùy Linh?
Hòa Minzy đã gây chú ý ngay từ đầu khi chọn cô Thị Mầu làm nhân vật chủ đạo cho sản phẩm trở lại. Thị Mầu là một nhân vật đặc sắc của nghệ thuật chèo truyền thống, nằm trong vở chèo Quan Âm Thị Kính. Theo nội dung của vở chèo thì Thị Kính sau khi bị gia đình chồng hiểu nhầm là muốn giết hại chồng đã giả trai, vào chùa tu hành, trở thành một "chú tiểu" có pháp hiệu là Kính Tâm. Nhan sắc của chú Kính Tâm khôi ngô khiến Thị Mầu con nhà Phú ông trong vùng đem lòng say mê, thường buông lời tán tỉnh, chọc ghẹo song bất thành. Thị Mẫu phẫn chí, có con riêng với gia nô trong nhà rồi đem đứa con đấy vu oan là con của Kính Tâm...
Thị Mầu nổi tiếng trong văn hóa dân gian với hình tượng một phụ nữ cong cớn, lẳng lơ, đáng chê trách, đáng giận,... Nghĩa là có rất nhiều chi tiết, góc nhìn, quan điểm để khai thác về nhân vật này. Hòa Minzy đã từng khiến khán giả đồng cảm khi khai thác nội tâm nhân vật Nam Phương Hoàng hậu trước những “nhân tình” của chồng, sự cảm thông của một người phụ nữ trước cảnh “chồng chung” với Thứ phi Mộng Điệp,... Những tưởng, cô có thể mang đến cho công chúng một góc nhìn hoặc chí ít một sự suy ngẫm về nhân vật Thị Mầu. Rất tiếc, đó là điều mà Hòa Minzy đã không làm được rõ nét trong MV của mình.
Xuyên suốt MV Thị Mầu, nữ ca sĩ chẳng thể phát triển thêm bất kì tình tiết hay chi tiết nào nổi bật liên quan đến nhân vật văn học mà mình chọn. MV mở đầu đầy hứa hẹn với cảnh một sân khấu chèo nơi Hòa Minzy “hóa thân” thành Thị Nở để được nghệ sĩ tiền bối chỉ dạy diễn xuất sao cho chuẩn điệu bộ truyền thống. Những cảnh sau đó chỉ đơn thuần là cảnh cô lang thang phố phường Hà Nội để… tập bài múa, trong lúc có một “chiếc bóng” luôn kề cạnh, điểm xuyết công nghệ 3D Mapping quét trên đường phố và các tòa nhà bên đường. Khán giả chờ từ đầu đến cuối để trông ngóng một “plot twist” nào đó về hình tượng Thị Mầu, nhưng không. Sau khi dạo phố chán chê, cô trở về lại sân khấu ban đầu và bỗng dưng “thông suốt”, “nhập tâm” được những điệu bộ cần thiết của Thị Mầu. Xét về logic đã khó hiểu khi trong đoạn đường trước đó, chưa có một yếu tố tác động nào đến Hòa Minzy để dẫn đến sự “nhập tâm” ở phần cuối.
Nghĩa là, nếu không phải Thị Mầu, thì Hòa Minzy và ekip có thể chọn bất kì một nhân vật khác như Thị Nở, Thị Kính, nàng Tấm,... thì nội dung MV cũng thay đổi nhiều. Có chăng cô và ekip cũng chỉ cần thay đổi bối cảnh sân khấu đầu và cuối là được một phiên bản khác. Thị Mầu là một sự đơn điệu khó hiểu mà có lý giải thế nào, công chúng vẫn đặt dấu hỏi. Tại buổi họp báo, Hòa Minzy cũng thừa nhận cô không dùng MV để kể một câu chuyện khác về Thị Mầu mà muốn qua MV này, truyền cảm hứng để khán giả tìm hiểu thêm về cô Thị Mầu, về tích truyện Quan Âm Thị Kính cũng như nghệ thuật chèo nói chung.
Đó là quan điểm lý tưởng của Hòa Minzy. Nhưng MV đã không đủ sức nặng để gợi lên cảm hứng tìm hiểu nơi công chúng: sự xuất hiện quá mờ nhạt của hình tượng Thị Mầu trong MV không đủ để khán giả cảm thấy đủ động lực để tìm hiểu thêm; nghệ thuật chèo truyền thống trong MV cũng có thời lượng rất ngắn, chưa đủ để khán giả thấy được cái hay, cái đẹp của bộ môn này. Điều này khác biệt hoàn toàn với cách mà Hòa Minzy truyền động lực để công chúng “đổ xô” tìm hiểu về văn hóa - lịch sử sau Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp.
Cái khó của Hòa Minzy
Thị Mầu là một sản phẩm tốt nếu như có thời điểm ra mắt phù hợp, nhưng để thành sản phẩm chính thức của Hòa Minzy sau 3 năm thì quả thực gây hụt hẫng không nhỏ. Công chúng lẫn người trong nghề đều có cảm nhận: Hòa Minzy rõ ràng có thể làm tốt hơn thế, có thể chọn một cách thể hiện hiệu quả hơn cho Thị Mầu,... nhưng nữ ca sĩ đã không làm thế.
Trước hết, công chúng vẫn luôn ghi nhận và trân trọng sự nỗ lực của Hòa Minzy với Thị Mầu. Một sản phẩm có kinh phí tiền tỉ nhưng nữ ca sĩ sinh năm 1995 tiếp tục thực hiện mà không có bất kì nhà tài trợ nào đồng hành, tất cả hoàn toàn là tiền túi mà cô tích góp suốt thời gian hoạt động nghệ thuật. Không-nhà-tài-trợ, bốn chữ có sức nặng đủ để người trong nghề ngả mũ thán phục. 3 năm chờ đợi với quá nhiều thứ thay đổi về cuộc sống, sự nghiệp, việc ra bài của Hòa Minzy thời điểm này cũng có thể xem như một điều bắt buộc. Có bài mới thì cô mới có thể tiếp tục đi diễn, đẩy mạnh các hoạt động cho nhãn hàng,... để tiếp tục có chi phí tái đầu tư cho những sản phẩm tương lai.
Như đã đề cập ở trên, “combo” của Hòa Minzy là ballad kết hợp một câu chuyện có sức nặng về văn hóa. Khi ra khỏi “công thức” cô tự vạch nên, dù Hòa làm rất tốt, nỗ lực hết mình - ai cũng thấy nhưng kết quả nhận được rõ ràng vẫn có người làm tốt hơn rất nhiều. Việc ra mắt Thị Mầu quá trễ đã khiến cho ngay thời điểm Hòa Minzy ra mắt đã gặp ngay một “tượng đài” sừng sững của chính dòng nhạc này, phong cách này: Hoàng Thùy Linh.
Ngay từ khi ra mắt poster cho đến buổi họp báo, phía truyền thông cũng đánh giá hình ảnh, phong cách của Hòa Minzy trong sản phẩm comeback sau 3 năm có phần giống Hoàng Thùy Linh: cũng mang vào MV các câu chuyện văn hóa - lịch sử, âm nhạc cũng vận dụng dân gian đương đại kết hợp với nhạc điện tử hiện đại, bối cảnh cũng có sự kết hợp "Đông Tây kim cổ".
Dẫu Hoàng Thùy Linh không phải nghệ sĩ thuộc thế hệ trẻ đầu tiên đi theo con đường này nhưng với tận 2 album ra mắt đều thành công bùng nổ, chứa đựng hàng loạt bản hit “quốc dân” thậm chí vươn ra cả quốc tế,... đàn chị của Hòa Minzy đã đặt ra một tiêu chuẩn quá cao, một “lãnh địa” gần như độc tôn mà bất kỳ ai làm tương tự cũng dễ bị đặt lên bàn cân so sánh.
Nếu đặt MV Thị Mầu ra khỏi bối cảnh hiện tại, đó vẫn là một sản phẩm tốt, được đầu tư mạnh tay. Đến cuối cùng, giới chuyên môn và khán giả đại chúng vẫn tin tưởng vào Hòa Minzy, chờ đợi thêm những điều mà cô có thể làm được nếu như “bung” hết sức. Nhưng thời điểm ấy khi nào mới tới, hãy cho Hòa Minzy thêm thời gian.
Thị Mầu - Hòa Minzy x Masew
Tags