Cải lương còn, hồn Việt còn: Để yêu cải lương, có dễ? - Bài 2

Thứ Hai, 30/04/2018 16:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ 1 tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc đã phân tích một vài nguyên nhân từ lịch sử và kinh nghiệm cá nhân về thăng trầm của cải lương. Kỳ này là một vài gợi ý về các giải pháp để bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương trong đời sống hiện thời.

Cậu thanh niên lái xe mà tôi kể ở kỳ 1 ngày xưa nhà ở gần rạp hát Minh Châu, cải lương thấm vào cậu trong thời khắc quan trọng hình thành nhân cách con người, nên nó đã đi theo cậu suốt phần đời còn lại sau này. Yêu và giữ cải lương phải tự nhiên như vậy.

Phải có cơ hội tự nhiên để yêu

Chú thích ảnh

Trong thời gian thực hiện phim tài liệu Trần Văn Khê - người truyền lửa, thầy Khê đã nhấn mạnh nhiều lần với chúng tôi về việc nên chọn nhạc dân tộc cho người mẹ nghe trong thời kỳ dưỡng thai để thai nhi lớn lên đã được ướp hồn Việt dân Nam. Phương Tây cho nghe nhạc cổ điển, chúng ta có dân ca và những làn điệu ngũ cung của chèo cổ, ca trù, cải lương và hát ru… 

Mong rằng mọi người hãy cổ động và nhấn mạnh lợi ích của phương thức này cho người Việt khắp nơi, tương tợ thế giới vẫn hô hào hãy cố nuôi con bằng sữa mẹ. Chúng tôi tin rằng, như câu hát của cố nhạc sĩ Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”… với thế hệ được nghe nhạc thuần Việt như thế này ngay cả trước khi chào đời, sẽ khiến xã hội ta bình ổn hơn. Với kiểu làm này, không chỉ ta là làm vì cải lương, mà cải lương, cùng các âm nhạc dân ca truyền thống Việt khác, đã tồn tại vì chính chúng ta.

Một điểm khác lớn giữa kịch nói và cải lương đó là một chuyên nói, một bên cạnh các lời nói thường, nói lối còn được quyền dùng các giai điệu, lời ca để thể hiện ý muốn, tâm tình, thái độ của mình. Là nghệ sĩ cải lương mà không có giọng ca thì thường được khuyên nên chuyển sang… kịch nói. 

Thử tưởng tượng xem, nếu bạn được đi xem một vở cải lương mà anh kép chị đào trong đó ca mà cứ như là đấm vào hai lỗ tai của người thưởng ngoạn thì bạn sẽ khó muốn đến đó lần hai, làm sao yêu nổi. Làm ca kịch mà đưa vào những bài ca bị thiết kế sai, lại thêm những diễn viên ậm ờ diễn mà như chờ vở trôi qua…, nếu bán được vé hoặc là nếu khiến được khán giả quay trở lại là một điều không tưởng.

Hát cải lương, nhất là với những đào kép chánh, việc đầu tiên là phải có giọng ca hay. Khi ngồi so sánh những giọng ca từ xưa cho đến nay, ai cũng tấm tắc khen sao hồi trước, mấy anh chị ca, giọng nào ra giọng đó, chân phương, không màu mè kiểu cách mà như buông thả từng niềm vui, nỗi buồn chạm thấu tâm can người nghe, còn giờ các em nhỏ ca sao mà cứ trôi tuồn tuột, không đọng lại chút gì.

Một cô đào chánh đã ít nhiều mắc cở khi kể lại cho tôi nghe quá khứ đã từng có lúc đua nhau “ca dài hơi” với đồng nghiệp như để thể hiện tài năng, sau này mới nhận ra sai lầm. Để ý xem, nhiều giọng ca vang bóng một thời, trừ một số ít, đa phần học vấn không cao, nhưng có nhiều giọng ca trở thành “bảo vật” của cả một vùng, miền. Nhiều người cho rằng đã có gì đó sai sai khi tuyển vào khoa cải lương cứ đòi hỏi phải tốt nghiệp cấp ba hay cấp hai. Sao không tìm kiếm những giọng ca hay rồi đưa về, giúp họ nâng cao văn hóa. 

Để cải lương trở lại thời hoàng kim của nó, một trong những việc phải làm là phải đi tìm khắp nơi những giọng ca hay, rồi giúp họ phần diễn, cố bảo vệ nét thanh xuân, mộc mạc của họ, đừng để thị trường lôi kéo họ, không cần phải đi giải phẩu thẩm mỹ từ khuôn mặt tới giọng hát để khán giả lại phải chịu đựng những khuôn mặt lẫn giọng hát từa tựa như nhau.

Bảo tồn bằng cách nào?

Chú thích ảnh

Thật sự tôi không thích hai chữ “bảo tồn” khi xem nó như một thái độ với nghệ thuật cải lương, vì hai chữ đó có tạo cảm giác xếp cất vào kho - dù là kho báu. Cải lương phải là một nghệ thuật sống và đồng hành với người cùng thời. 

Ngay Kabuki, một loại hình sân khấu truyền thống có từ thế kỷ 17 của Nhật. Năm 2003, Ukuno, cô gái được coi như người lập ra nghệ thuật này đã được dựng tượng ở Kyoto. Năm 2005, Kabuki đã được UNESCO vinh danh “Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”. Nhưng hiện Kabuki vẫn sáng đèn trong một số rạp hát rãi rác lớn nhỏ trên toàn nước Nhật, thậm chí ở Úc cũng tồn tại một đoàn. Tồn tại có lẽ nhờ quan niệm khác về di sản và bảo tồn.

Gần đây, khi được nghe ý tưởng thành lập Bảo tàng Cải lương, dĩ nhiên, là con dân của vương quốc cải lương, dù đất nước ấy có khó khăn đến đâu, tôi vẫn hết sức ủng hộ. Cũng là người được tham quan, thậm chí đã viết và dựng vở Con rồng, cháu tiên bằng tiếng Anh cho Long Island Children’s Museum, một bảo tàng dành cho trẻ em ở New York để trẻ em Mỹ biết bên cạnh cổ tích, huyền sử của các nước Á châu như Nhật, Trung Quốc, Hàn, Thái… thì Việt Nam ta cũng không kém cỏi. Tôi mong rằng Bảo tàng Cải lương cũng có những chương trình sống động để các em đến đó, vừa học tập mà cũng có thể vui chơi. 

Một lần sang thủ đô Manila của Philippines, tôi vô cùng thán phục khi thấy xuất hiện ở khu shopping bên cạnh các tấm bưu thiếp quảng bá phong cảnh du lịch, vẫn có khá nhiều những tấm bưu thiếp nhỏ xinh vẽ tranh cùng vài dòng tóm tắt những anh hùng lịch sử, những nhà văn hóa đáng nhớ của nước họ. 

Ước gì trong các nhà sách, đường sách của ta cũng sẽ có những tấm bưu thiếp như thế để cho nhiều lứa tuổi trong và cả ngoài nước biết về những nhạc cụ dân tộc đưa đến nghệ thuật đờn ca tài tử cùng những soạn giả, nghệ sĩ có đóng góp lớn cho nghệ thuật cải lương, nhất là nhân dịp chúng ta có cái mốc một trăm năm này.

Đưa vào trường học

 

Chú thích ảnh

Tôi may mắn có một thời gian dài vào thời điểm những năm đầu thế kỷ 21, được cộng tác cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đưa một vài kiểu thức làm sân khấu vào học đường. Trong những buổi làm việc với các cán bộ tuyên giáo của các trường đại học vào năm 2000 tại Huế và các trường trung học của các sắc tộc ít người vào năm 2001 tại Pleiku, thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng đã nói với tất cả: “Chính cách làm của các bạn là điều mà cải cách giáo dục đang cần”.

Việc đưa sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống như hát bội, cải lương, chèo… vào học đường, chúng ta đã thực hiện được khá nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Hai thành phố so với cả nước thì quá ít, và càng đáng tiếc hơn khi những chương trình ấy thường được tài trợ bởi những chương trình hỗ trợ văn hóa từ các nước bạn. 

Tôi còn nhớ, trong thời gian tôi lãnh trọng trách đào tạo cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, các thân hữu ngoài Hà Nội đã giúp tôi xin được Quỹ SIDA của Thụy Điển để có được sinh hoạt biểu diễn cải lương miễn phí mỗi cuối tuần ở Nhà Văn hóa Thanh niên. Sau khi tôi phải rút lui vì quá nhiều dự án khác, thì các bạn trẻ vẫn tiếp tục kéo dài thêm một số năm, cho đến khi quỹ này ngưng trợ cấp.

Điều đáng tiếc nhất của các dự án loại này nằm ở điểm đó. Khi không còn được tài trợ, những việc làm đầu tư cho con người tương lai nầy lại bị đứt ngang. 

Đã có quá nhiều ý kiến cho rằng loạn game show làm ảnh hưởng tới nghệ thuật chân chính. Đành là vậy, lợi nhuận cao và danh tiếng hão huyền dễ làm nhiều nghệ sĩ được tăng cao thu nhập nhưng tụt hậu với độ lao xuống không phanh về đạo đức làm nghề.      

Trong giai đoạn môn sử không còn nằm trong chương trình thi, thì còn có cách nào cho các em nhớ sử bằng các vở cải lương có đề tài lịch sử? Khi còn làm việc đào tạo, chúng tôi đã từng cùng làm các bài tập độc thoại với các em từ các nhân vật lịch sử thậm chí các vở lớn chưa khai thác như Hồ Quý Ly, An Tư công chúa, Tú Xương, Nguyễn An Ninh…

Tôi vẫn tin rằng, nếu chúng ta bình tĩnh đầu tư lâu dài vào lĩnh vực giáo dục, tìm cách đưa những nghệ thuật làm tốt tâm hồn và nhân cách con người vào những thế hệ trẻ, để hoàn thiện hơn cả ba lãnh vực chân, thiện và mỹ, chúng ta sẽ có những đồng nghiệp (nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn) và khán giả trong tương lai biết trân quý cải lương.

(Còn tiếp)

Cải lương còn, hồn Việt còn: Vì đâu chuyển từ đỉnh cao sang vực sâu? - Bài 1

Cải lương còn, hồn Việt còn: Vì đâu chuyển từ đỉnh cao sang vực sâu? - Bài 1

Đúng, đã có một thời kỳ dài và kéo mãi đến bây giờ hai chữ cải lương được dùng như một tính từ để gán cho những gì không đẹp, méo mó, dị dạng về hình thức lẫn nội dung để ai vướng ít nhiều chất đó bị lãnh thái độ xem thường rẻ rúng.

Nguyễn Thị Minh Ngọc 

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›