(Thethaovanhoa.vn) - Ngưng diễn từ nửa đầu năm 2020 và suốt năm 2021 vì dịch bệnh hoành hành, sân khấu cải lương TP.HCM rụt rè sáng đèn vào dịp Tết Âm lịch 2022.
Sự thật, nhiều ông bà bầu quyết định hát lại vì nghệ sĩ quá nhớ sân khấu và khán giả, chứ họ cũng không biết sự đón nhận của công chúng thế nào. Thật tuyệt vời, hầu như tất cả các đêm diễn đều chật kín khán giả.
Các suất diễn tại Nhà hát Thành phố (vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài), tại rạp Hồng Liên (vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ), rạp Hưng Đạo (vở Tiếng trống Mê Linh)… đều bán hết vé, khán giả ngồi kín ghế.
Thắng từ hồ quảng đến sử Việt
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chuẩn bị chương trình Tết với các vở gồm Người yêu của đảo chúa, Đứa con họ Triệu, Tiếng trống Mê Linh, Ngược gió. Bên cạnh đó, đoàn 1 của nhà hát trình diễn chương trình ca cảnh Nghệ sĩ mừng Xuân, có sự tham gia của NSƯT Trọng Phúc và NSƯT Thanh Ngân, cùng tập thể nghệ sĩ, diễn vào đêm mồng 3 Tết (tức 3/2/2022). Đêm mồng 8, Đoàn Cải lương xã hội hóa Vũ Luân diễn vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Đêm mồng 9, đoàn xã hội hóa Vũ Luân tiếp tục diễn vở Tình sử Dương Quý Phi. Vì mồng 7 không có đoàn tư nhân nào diễn nên Nhà hát sáng đèn vở Đứa con họ Triệu của soạn giả Hoàng Song Việt. Đêm 12 thì đoàn 1 diễn vở Tiếng trống Mê Linh.
Sân khấu Chí Linh - Vân Hà cũng muốn được diễn tại rạp Hưng Đạo, nhưng vì sân khấu này diễn trùng vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài với sân khấu của NSƯT Vũ Luân, nên cuối cùng phải dời qua Nhà hát Thành phố, diễn đêm 12 Tết (tức 12/2/2022).
Năm qua, Sân khấu Tuồng cổ Huỳnh Long gặp nỗi đau rất lớn khi người cầm trịch là đạo diễn, soạn giả Bạch Mai qua đời cùng với 2 người em nghệ sĩ của mình. Trách nhiệm gánh vác đoàn hát có tuổi đời gần 100 năm đã dồn lên đôi vai bé nhỏ của Bình Tinh, con gái của soạn giả Bạch Mai, hậu duệ đời thứ 5. Nữ nghệ sĩ trẻ này cũng xoay xở hết mức có thể, nhưng vì mẹ mất gần như cùng lúc với nhiều người quan trọng của đoàn, khiến cho việc đầu tư vở tuồng lớn gặp nhiều khó khăn.
Sau cùng, NSƯT Hữu Quốc, người xem cố nghệ sĩ Bạch Mai như người thầy đáng kính, đã tự nguyện về phục dựng vở Tái sanh duyên, đặt tên là Mạnh Lệ Quân kỳ nữ. Hữu Quốc giữ lại hồn cốt của bản dựng rất thành công của cố nghệ sĩ Bạch Mai, anh chỉ sáng tạo thêm những chi tiết phù hợp với gu thưởng thức mang tính hiện đại. Sự tham gia của NSƯT Vũ Linh và NSƯT Thoại Mỹ là những nhân tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn cho vở diễn mang màu sắc “hương xa” này. Vở công diễn ngày mồng 8 và mồng 9 tại rạp Hồng Liên cũ, giờ là Trung tâm Văn hóa Hậu Giang (259 Hậu Giang, quận 6, TP.HCM).
Điều vô cùng vui mừng cho các nghệ sĩ cải lương là tất cả các xuất diễn kể trên đều đã bán hết vé trước đêm diễn. Ngay trong đêm diễn, nghệ sĩ đã “cháy” hết mình để đem lại những giây phút lắng đọng và vở òa cảm xúc cho khán giả. Dù chấp nhận vai phụ, nhưng sự trở lại của Vũ Linh sau 3 năm dưỡng bệnh trong 2 vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ của Đoàn Huỳnh Long và vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài của Đoàn Chí Linh - Vân Hà đã chạm vào cảm xúc của người hâm mộ cải lương.
Đã lâu quá rồi công chúng mới thấy lại một Vũ Linh đầy bản lĩnh trên sân khấu. Điều đáng nói hơn, khán giả cải lương TP.HCM đến giờ vẫn thích thể loại cải lương tuồng cổ, có tích Tàu, vì phục trang đẹp mắt, có vũ điệu đẹp và câu chuyện chuyện yêu đương sâu lắng. Không những vậy, trong năm nay, tuồng sử Việt - thể loại vẫn bị cho là khô khan và khó dựng - cũng đã đông khách. Vở Tiếng trống Mê Linh đã bán hết vé vài ngày trước khi mở màn.
Thừa thắng xông lên
Đến giờ, các ông bà bầu cải lương vẫn chưa thực sự biết lý do chính giúp cho cải lương mùa Tết năm nay thành công là gì. Có người phân tích rằng có thể vì đã quá lâu khán giả bị giữ chân ở nhà, bị dồn nén, nên có dịp là họ muốn bước ra rạp để giải tỏa cơn khát xem nghệ thuật, giải trí. Nỗi lo lắng rằng, dịch bệnh có thể làm phần đôngngười dân không có thu nhập khiến họsẽ do dự khi bỏ tiền ra mua vé xem hát, đã không xảy ra.
Thành công mùa Tết đã tạo một động lực mạnh mẽ để ông bà bầu lên lịch phục vụ cho các thời điểm kế tiếp. Theo đó, Đoàn Chí Linh - Vân Hà đã chuẩn bị cho suất diễn vào cuối tháng 3/2022. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang lên lịch diễn định kỳ hàng tháng cho các vở chưa diễn và cả những vở vừa diễn.
- Cải lương kết hợp với xiếc kể chuyện về Mẫu Liễu Hạnh
- Cải lương 'nghe ngóng' Tết
- Cải lương cháy vé: Dấu hiệu hồi sinh hay niềm vui nhất thời!
Được biết, Đoàn Cải lương Đại Việt có ý định công diễn vở Nàng Xê-đa phiên bản mới của đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ trong dịp Tết, nhưng ông bầu Hoàng Song Việt quyết định dời lịch diễn sang sau Tết. Đây là vở được đầu tư lớn từ phục trang, âm thanh, ánh sáng và nội dung. Một vở diễn quá hay và đẹp nhưng chỉ mới diễn được 2 suất thì dịch bệnh ập tới nên phải xếp kho chờ.
Theo thông lệ, từ giữa tháng Giêng là mùa các nghệ sĩ đắt show hát lễ cúng đình và sau đó hát tại Lễ kỳ yên giữa tháng 2. Thời điểm này, hầu như các đoàn tạm ngưng để nghệ sĩ dồn sức hát show tâm linh ở đình và miếu, nhưng vì tình hình dịch bệnh còn khá phức tạp, các đình, miếu vẫn chưa dám tổ chức hát lễ, nên các đoàn mạnh dạn lên lịch để nghệ sĩ hát định kỳ tại sân khấu.
Sau một thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh, cả kịch nói và cải lương đều rơi vào cảnh tương lai bất định. Mùa cải lương và kịch nói Tết Nhâm Dần lại thành công, báo hiệu sự hồi sinh, với mùa Xuân hy vọng đã trở lại với các sân khấu. Tín hiệu lạc quan ấy đã truyền cho nghệ sĩ một niềm tin mạnh mẽ rằng dẫu sân khấu khó khăn, bấp bênh, thậm chí hấp hối, nếu có tâm với nghề, dàn dựng chu đáo, thì sân khấu kịch và cải lương vẫn chưa… chết.
Nguyễn Huy
Tags