(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong vài ngày, những ý kiến phản đối đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền đã tràn ngập trong mọi cuộc tranh luận không chỉ ở các hội nhóm nghề nghiệp, trên mặt báo hay không gian mạng, mà cả nơi quán xá vỉa hè.
- Công cụ chuyển đổi nhanh tiếng Việt thành 'Tiếq Việt cải tiến'
- Cải tiến tiếng Việt: 'Đề xuất của TS Bùi Hiền thất bại từ trong trứng nước'
- 'Ý tưởng cải tiến tiếng Việt, chữ Quốc ngữ, chỉ là cơn bão trong tách trà'
Thế nhưng, chuyện không dừng ở đó. Ở rất nhiều nơi, nó đã được đẩy cao tới mức chuyển sang hướng mạt sát cá nhân.
Những người phản đối thỏa sức dùng những cụm từ nặng nề để mạt sát ông. Xa hơn, học vị PGS.TS rồi độ tuổi 80 cũng được lôi ra bôi bác.
Đến mức, có tờ báo còn so sánh ông với... Chi Pu với tiêu đề: "cặp đôi thảm họa". Đến mức, có một tiến sĩ lên tiếng theo hướng ủng hộ những đề xuất cải tiến này nếu đủ sức thuyết phục, cũng bị đám đông hùa vào “ném đá” tích cực.
Không cần bàn nhiều về sự đúng/sai của những lời miệt thị. Thực tế, những ngày này, dù không đồng tình với đề xuất của PGS Bùi Hiền, gần như tất cả các chuyên gia, khi được xin ý kiến, cũng đều phải... tranh thủ yêu cầu dư luận không xúc phạm ông.
Và, nếu đọc những gì mà vị PGS này chia sẻ trên mặt báo, hẳn rất nhiều người sẽ thêm tôn trọng ông – một người dù đang là "tâm bão" thóa mạ nhưng vẫn kiên quyết tin vào mục đích tích cực từ đề xuất của mình. Ông khẳng định sẽ theo đuổi ý tưởng ấy, thậm chí là sẵn sàng bỏ tiền túi để phát triển những nghiên cứu chuyên sâu
Sự kiên định của một nhà nghiên cứu, tất nhiên xứng đáng được đón nhận bằng những cuộc tranh luận và phản biện theo đúng tinh thần khoa học.
Với việc ông bị nhục mạ, sẽ rất dễ để đổ lỗi cho việc thiếu văn hóa tranh luận hay thói quen "bỏ bóng đá người" – điều mà mà các chuyên gia đang nói về đám đông.
Nhưng, tôi còn một suy nghĩ khác: PGS.TS Bùi Hiển không gặp may. Chắc chắn, những đề xuất của ông, dù là kỳ lạ tới mức nào, cũng sẽ không làm dư luận hoảng loạn đến vậy – nếu như nó không là một lĩnh vực liên quan đến giáo dục, đặc biệt là với các học sinh bắt đầu tập viết.
Bởi, chỉ cần nhắc tới cụm từ "cải tiến" trong lĩnh vực giáo dục, hẳn chúng ta sẽ lại bước vào một mê cung của những ý tưởng, của những cuộc tranh luận qua lại hay những lời than thở của phụ huynh và học sinh – điều đã từng diễn ra trong những năm vừa qua.
Nói không đâu xa, ngay ở chuyện cải tiến chữ viết, những người thuộc thế hệ 7x hẳn còn nhớ tới đợt thí điểm dạy "chữ cải cách" ở lớp 1, vào giữa thập niên 1980. Theo phân tích của nhà nghiên cứu PGS Phạm Văn Tình, thứ chữ "bỏ móc", thẳng đuột như cọc rào ấy được đề nghị sử dụng vì lý do "giản tiện hơn", rồi bỏ đi cũng bởi cộng đồng thấy rằng viết như vậy còn khó, và xấu hơn rất nhiều so với chữ truyền thống.
Bởi thế, những gì vừa diễn ra không chỉ là nỗi lo về văn hóa tranh luận.
Đó phải là nỗi lo của ngành giáo dục, khi mà hai chữ "cải tiến" làm nhiều người hoảng sợ đến như vậy.
Hoàng Nguyên
Tags