Cải tiến tiếng Việt: 'Đề xuất của TS Bùi Hiền thất bại từ trong trứng nước'

Thứ Ba, 28/11/2017 10:10 GMT+7

Google News

Thăm dò ý kiến

Quan điểm của bạn về ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS Bùi Hiền

 

(Thethaovanhoa.vn) - Trước đề nghị cải cách chữ viết của PGS-TS Bùi Hiền, đại đa số các ý kiến đều phản đối và rất nhiều ý kiến mạt sát thậm tệ, coi ông là người điên. Tiến sĩ Hà Thanh Vân chia sẻ một góc nhìn khác.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân nói: “Tôi vẫn khẳng định ông Bùi Hiền là một nhà khoa học. Là một nhà khoa học, ông Hiền có quyền nghiên cứu, có quyền đề xuất nọ kia. Đó là quyền của một nhà khoa học trên bước đường nghiên cứu của mình.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Hà Thanh Vân

Hơn nữa nghiên cứu của ông Hiền là một nghiên cứu chưa hoàn chỉnh, theo như chính ông nói, mới chỉ là một phần của một công trình nghiên cứu. Ông có lẽ hơi vội vàng khi đưa một nghiên cứu chưa hoàn chỉnh ra trước một hội thảo khoa học.

Không nên mạt sát ông, chửi ông điên rồ. Song đã làm nghiên cứu thì phải chấp nhận sòng phẳng chuyện mình thành công hoặc thất bại, sai hoặc đúng. Thực tiễn cho thấy, ngay khi đưa ra dư luận, công chúng đã không ủng hộ và đó là thất bại của ông.

Với một nhà khoa học, nghiên cứu sai hoặc đúng, thành công hoặc thất bại là chuyện hết sức bình thường. Trong khoa học, người ta có quyền thử nghiệm. Nghiên cứu của ông Bùi Hiền có thất bại thì đó là chuyện do ông đã làm sai về mặt phương pháp, quy trình, tư duy. Không thể dựa vào việc đề xuất của ông để nói rằng ông điên rồ. Có chăng chỉ nên nói rằng đề xuất này là một thất bại ngay từ trong trứng nước.

Chú thích ảnh
Đền thánh Anrê Phú Yên (thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) - nơi làm việc của vài "ông tổ" chữ quốc ngữ. Ảnh: Như Hà

Nhưng công chúng thì rất khắc nghiệt, nên nếu nghiên cứu của ông thành công, hẳn là ông được gọi là tài năng. Song nghiên cứu của ông thất bại, thì chắc chắn công chúng sẽ (và thực tế là đã) gọi ông là điên rồ.

Nhưng ông Hiền không phải là người điên, chỉ là ông đưa ra một đề án nghiên cứu không thành công. Ông là nhà khoa học, ông có quyền sai chứ. Có mấy nhà khoa học mà đúng và thành công 100% trong cuộc đời nghiên cứu của mình đâu”.

Chú thích ảnh
Bảng tóm tắt các giáo sĩ Dòng Tên đã gắn bó với giáo xứ Thanh Chiêm (sau là Đền thánh Anrê Phú Yên) từ năm 1306 đến 1847, nhiều vị trong số này có đóng góp vào sự hình thành chữ quốc ngữ

Tuy nhiên, Hà Thanh Vân cũng nói thêm: “Chữ quốc ngữ đã trải qua một quá trình phát triển dài, với nhiều thay đổi về hình thức, cho đến đầu thế kỷ 20 mới hình thành chữ viết và cách viết như bộ mặt hiện tại. Từ thời của các giáo sĩ như Francisco De Pina, Alexandre De Rhodes cho đến nay, hình thức chữ viết đã có sự khác biệt. Ví dụ trong cuốn Phép giảng tám ngày của Alexandre De Rhodes, “quân tử” được ghi là “cuên tử”, “Chúa Trời” được ghi là “Chúa Blời”. Quá trình thay đổi ấy phải trải qua sự điều chỉnh hàng trăm năm.

Ngôn ngữ sống với đời sống, thay đổi dần dần theo đời sống, bây giờ nếu muốn dùng một hệ chữ viết hoàn toàn mới, ngay lập tức e là khó khả thi. Giả sử ý kiến của ông Hiền được chấp nhận, nhà nước sẽ bỏ ra một số tiền khổng lồ để in ấn lại sách vở, văn bản. Google đang chuyển ngữ cũng phải viết lại code. Phải mở những lớp dạy cho người ta biết cách viết mới. Máy vi tính với bàn phím và các chương trình tiếng Việt cũng phải viết lại. Bản thân những người nước ngoài đã và đang học tiếng Việt cũng coi như phải học lại từ đầu.

Chú thích ảnh
Vài tiền bối của Alexandre De Rhodes về chữ quốc ngữ như Francisco De Pina, Cristoforo Borri, Girolamo Majorica... cũng được ghi chép tại Đền thánh Anrê Phú Yên

Chưa kể các thế hệ sau cũng phải được dạy cách tra từ điển để đọc các văn bản cũ… Nói chung là tiêu tốn một số tiền kinh khủng và công sức của toàn dân. Chỉ riêng điều này đã thấy đề xuất của ông Hiền là không khả thi. Đó là chưa kể về mặt tâm lý, với trẻ con chưa đi học thì dễ, song với người đã trưởng thành thì họ rất khó chấp nhận một cách viết xa lạ với mình so với cách viết đã quen thuộc với họ đã hàng chục năm nay.

Ông Hiền bảo rằng đây là một phần của một công trình nghiên cứu đã hàng mấy chục năm và ông kỳ vọng nhiều vào nó, sẽ không lùi bước vì nó mang lại những lợi ích đáng kể như tiết kiệm 8 % vật tư. Nhưng nói vậy thật là hài hước nếu so với sự xáo trộn khổng lồ về mặt tâm lý, tư duy và tiền bạc, nếu đề án nghiên cứu của ông được áp dụng vào thực tế.

Cũng có người bênh ông Hiền, cho rằng ngày xưa khi tiếp xúc với chữ quốc ngữ, cha ông ta cũng choáng như vậy. Thật ra hai vấn đề khác nhau hoàn toàn. Ngày xưa thời phong kiến, không có mấy người biết chữ Hán, chữ Nôm, chỉ có tầng lớp quan lại, nhà nho mới biết, nên khi chữ quốc ngữ ra đời, dễ dàng thâm nhập vào đời sống nhân dân. Việc học chữ quốc ngữ với nhiều người không phải là học để thay thế như kiểu đề xuất thay thế của ông Hiền, mà là học để biết thêm. Thực tế là chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ vẫn song song tồn tại đến đầu thế kỷ 20.

Không nên chửi mắng ông Hiền nữa. Ít ra thì cũng đã có nhiều người đi trước ông Hiền về việc này lâu rồi. Nhưng tỷ lệ thành công thì gần như chưa có, cải tiến, đổi mới chỗ này chỗ kia thì đã có”.

Như Hà (lược ghi)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›