Cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần tại Geneva, Thụy Sĩ

Thứ Bảy, 28/12/2019 20:34 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 1/1/2020, các sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ bị cấm tại bang Geneva, Thụy Sĩ. Với lệnh cấm này, Geneva thực hiện trước một năm một lệnh cấm tương tự của Liên minh châu Âu (EU).

Hươu rừng ở Thái Lan chết do nuốt phải 7kg túi nhựa

Hươu rừng ở Thái Lan chết do nuốt phải 7kg túi nhựa

Một con hươu rừng ở Thái Lan đã chết sau khi nuốt phải 7 kg túi nilon và các loại rác thải nhựa khác. Vụ việc đang làm gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn rác nhựa tại các vùng biển và khu rừng của nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, bang Geneva đang theo gương của EU - liên minh đã quyết định cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần từ năm 2021 nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Thụy Sĩ, nước không phải thành viên EU, tuyên bố sẽ không ban hành lệnh cấm trên toàn quốc mà muốn thấy các giải pháp ở từng bang.

Các sản phẩm nhựa bị cấm bao gồm ống hút nhựa, dao, kéo, cốc và các vật chứa dùng một lần khác, thường rất khó tái chế ở Thụy Sĩ. Luật mới sẽ áp dụng cho các cửa hàng, xe bán hàng tự động và quầy bán kem, cũng như trong các sự kiện công cộng được phê duyệt. Những người vi phạm sẽ có nguy cơ bị phạt tiền. Chính quyền bang cũng cấm các siêu thị bán lẻ cung cấp miễn phí túi nhựa sử dụng một lần, bắt đầu từ đầu năm 2020.

Thuỵ Sĩ, cấm các sản phẩm nhựa, rác thải, rác thải nhựa, cấm rác thải nhựa
Rác thải nhựa. Ảnh: TTXVN

Trước đó, chính quyền bang Geneva đã thông qua luật ban hành lệnh cấm này vào năm 2019. Lệnh cấm này là một phần trong kế hoạch của bang nhằm giảm 25% lượng rác thải bị thiêu hủy từ nay đến năm 2024.

Ước tính, mỗi năm con người thải ra một khối lượng khổng lồ rác thải nhựa đủ để trải quanh Trái Đất bốn vòng, với khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Với tốc độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương, nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ.

Do Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu rác thải nhựa, Thụy Sĩ cần tìm phương pháp tái chế mới. Một thách thức là tính kinh tế của việc tái chế, đặc biệt là các hộp sữa và đồ uống được làm từ nguyên liệu tổng hợp bao gồm nhựa, giấy và nhôm liên kết với nhau. Chi phí tái chế chúng cao hơn giá trị khai thác. Một thách thức nữa là việc thiêu hủy rác thải lại gây ra vấn đề ô nhiễm không khí.

Tái chế rác thải nhựa vẫn đang là một cuộc chiến tại Thụy Sĩ. Nhiều giải pháp đã được đề xuất như buộc các công ty kinh doanh bao bì trợ cấp cho việc tái chế các sản phẩm của họ hay người tiêu dùng phải trả thuế tái chế được tính gộp trong giá thành sản phẩm.

Tố Uyên/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›