“Hòa bình lập lại, thành phố ra lệnh triệt để cấm chó. Ai nuôi chó coi như phạm pháp. Thường xuyên có đoàn kiểm tra vác gậy gộc vào từng nhà đập chết chó... “ (trang 392). “Khoảng năm 1985, đất nước rục rịch chuyển sang kinh tế thị trường. Lúc này đã có nhiều cuộc họp về việc có nên bãi bỏ lệnh cấm chó không? Theo công văn đề nghị của Sở Công an Hà Nội thì: “1 - Chó là vật gắn bó với dân tộc từ mấy ngàn năm lịch sử, gắn bó với tâm linh dân tộc: “Khuyển mã tri tình”. 2 - Các vị lãnh đạo có nhiều người rất thích nuôi chó như: Lê Nam Thắng, Tư lệnh trưởng Quân khu Thủ đô; Vũ Xuân Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Chánh, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần; Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng.... 3 - Các nước XHCN như Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, Liên Xô... đều được phép nuôi chó” (trang 400).
Nhờ thế Hà Nội được phép nuôi chó, nhưng phải xếp hàng ở 86 Nguyễn Du lấy giấy phép. Nội dung giấy phép nuôi chó có câu “Tất cả mọi chó sinh sản phải giao lại cho sở công an chứ không thuộc chủ quyền sở hữu của người nuôi” (trang 400).
Những ghi chép mang phong vị dân gian của tác giả Nguyễn Bảo Sinh - người cả đời “lông nhông bát phố” không biết có bao nhiêu phần trăm chính xác. Có thể là “bảy thực, ba hư”. Nhưng chắc chắn rằng đó là những câu chuyện được truyền tai ở vỉa hè, mà ông, với tư cách là “người thư ký trung thành” của dân gian đã ghi lại, theo lối tiểu thuyết hoạt kê vô cùng thú vị.
Cuộc sống thay đổi, quan niệm và ứng xử của con người cũng thay đổi. Cấm nuôi chó cũng không phải không có lý, nhất là trong thời kỳ đất nước chiến tranh, luôn phải đề cao cảnh giác, cộng thêm lương thực khan hiếm, chưa kể vấn đề vệ sinh môi trường và phòng bệnh dại. Quan niệm cấm nuôi chó mới đây vẫn còn hiệu lực ở một làng cách thủ đô gần hai chục cây số, đó là làng Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên), ở đó, lệnh “đả cẩu” được áp dụng cho toàn thôn.
Nay, thì chiến dịch “Về đi, vàng ơi!” đang làm dậy sóng dư luận. Nó cho thấy người ta yêu chó đến nhường nào. Không chỉ hành vi trộm chó, hành hạ chó bị lên án, mà ngay cả cái thú “thịt cầy” cũng đang có nguy cơ bị tẩy chay. Cuộc sống đi lên, nên hành xử của người ta với loài vật trung thành này cũng có nhiều thay đổi.
Và điều đặt ra là nếu ta nhìn cuộc sống là một sự biến đổi thì ta cũng không nên quá cực đoan, lúc cấm nuôi chó vì quá ghét, lúc cấm ăn thịt chó vì quá yêu. Và nói chung, cái gì đã lặp đi lặp lại đến mấy ngàn năm như chuyện nuôi chó và ăn thịt chó thì không nên đặt vấn đề cấm hoặc phản đối.
Và cuối cùng là công việc của các nhà văn, nhà nghiên cứu... Một chuyện có lẽ là bé tí như chuyện nuôi chó ở Hà Nội, nếu không được ghi chép lại trong Bát phố thì có lẽ cũng sẽ rơi vào lãng quên.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags