Bằng đêm nhạc kỷ niệm 30 năm ca hát mang tên Tự tình quê hương 6 - diễn ra tối 3/8 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), Cẩm Ly là ca sĩ duy nhất hiện nay vẫn còn duy trì chuỗi chương trình ca nhạc chủ đề của riêng mình kéo dài qua 2 thập niên.
Nhà hát Hòa Bình, nơi Cẩm Ly khởi nghiệp ca sĩ, vốn là một tụ điểm ca nhạc danh giá nhất nhì TP.HCM trong các thập niên 1980 - 1990. Thật ra, tính từ cột mốc tháng 9/1993, khi cùng cô em Minh Tuyết đoạt giải trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Nhà hát Hòa Bình, Cẩm Ly đã ca hát được gần 31 năm. Nhưng cô đùa, hãy còn một tháng nữa mới hết năm thứ 30, nên vẫn còn "hiệu lực" để kỷ niệm.
Trên sân khấu, khi chương trình chỉ còn một tiết mục cuối cùng, Cẩm Ly đã tạm dừng chương trình để xúc động tâm sự: "9 năm ngưng hoạt động ca hát, Ly từng nghĩ mình có thể sẽ không thể quay trở lại. Sau 9 năm, sự đào thải trong nghề rất là lớn. Tâm trạng này khiến Ly rất áp lực. Ly không biết khán giả có còn đón nhận, dõi theo, ủng hộ mình hay không? Nhưng hôm nay thì Ly đã được hiểu là quý vị hãy còn rất yêu thương mình".
Show "lạ"
9 năm rồi, Cẩm Ly mới chính thức trở lại sân khấu lớn, nếu không tính đôi lần xuất hiện trong một vài chương trình ca nhạc, phòng trà và một số chương trình game show truyền hình. Tất cả là vì lý do sức khỏe, như cô thừa nhận, giọng của mình bây giờ không trong như trước mà khàn nhiều hơn. (Thậm chí có dạo người ta đồn rằng cô đã mất giọng).
Tuy nhiên, ngoại trừ một vài tiết mục cho thấy giọng hát có vẻ thấm mệt, Cẩm Ly vẫn hoàn tất tốt vai trò "tắc kè hoa" với nhiều mảng màu sắc âm nhạc và phong cách trình diễn khác nhau. Cũng dễ hiểu, đảm đương tốt một show diễn vừa ca vừa diễn vừa vũ đạo liên tục từ nhạc trẻ cho đến nhạc cảnh cổ trang trong suốt hơn 4 tiếng đồng hồ thì quả là không dễ chút nào với giọng ca ở tuổi 54.
Thường thì những live show có tính chất tổng kết một chặng đường, một hành trình của ca sĩ, những live show kỷ niệm con số năm ca hát, là dịp để nghệ sĩ và khán giả ôn lại các bài hát ăn khách, tiêu biểu qua từng ấy thời gian của ca sĩ. Nhưng với live show kỷ niệm 30 năm ca hát của Cẩm Ly thì hơi khác, nó được lồng trong chương trình Tự tình quê hương, một chương trình định kỳ thành chuỗi của cô có từ 15 năm trước, và đến năm 2024 là Tự tình quê hương số 6. Nghĩa là một chương trình 2 trong 1.
Vì thế, bữa tiệc âm nhạc mà đạo diễn Minh Vy soạn ra cùng với Cẩm Ly có khác với thông lệ, nhiều món mới - cũ, trong đó các bài hát mới chiếm hơn phân nửa chương trình. Chọn 2 bài hát quen thuộc một thời làm mở màn và kết thúc chương trình là Vọng cổ buồn và Tuổi mộng xứ đông, những bài hát ăn khách cũ của Cẩm Ly được sử dụng như sự kết nối, gợi cảm xúc để cho các ca khúc mới được xuất hiện sao cho thuận tai nghe khán giả nhất. Những Người về cuối phố, Tình lẻ bóng, Tình yêu mong manh, Kẻ đứng sau tình yêu, Sao anh ra đi…là cái cớ để khéo léo giới thiệu những bài hát mới toanh Nhớ về miền Tây, Ngoại ơi con về, Chuyện tình Ban - Khun, Hoa ly ly, Tép con gọi mẹ, Thuyền trăng, Biệt khúc…
Sự đầu tư cho từng tiết mục khá là cầu kỳ, kỹ lưỡng với nhiều màu sắc, hiệu ứng sân khấu hoành tráng (nếu không muốn nói là có phần thiên vị hơn cho những bài hát mới), chăm chút từng khung hình để sau này phát hành trên kênh YouTube của Cẩm Ly, cũng cho thấy sự kỳ vọng về thành công của các bài hát mới.
Ngay cả khi sự kết hợp với Đan Trường, Cẩm Ly cũng không hát lại những bài ăn khách cũ của đôi song ca một thuở, mà là dành cho những ca khúc mới như Thuyền trăng, Biệt khúc cùng với phần dàn dựng đậm màu sắc cổ trang, lồng bối cảnh câu chuyện Nỏ thần và Trọng Thủy- Mỵ Châu. Đây vốn là một màu sắc cổ trang quen thuộc trong nhiều tiết mục trình diễn và ghi hình của đôi song ca này.
Vị quen và mô hình duy nhất còn sót lại
Trong Tự tình quê hương 6, Cẩm Ly vẫn hát đủ loại nhạc. Cô trình diễn từ nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca, bolero đến nhạc trẻ bao gồm cả các bài ballad và sôi động, cùng những bài hát được dàn dựng mang hương vị cải lương tuồng cổ đòi hỏi ca diễn cùng lúc.
Đây là thực đơn mà đạo diễn Minh Vy đã soạn ra cho "gà cưng" của mình suốt 2 thập niên qua, giúp Cẩm Ly có màu sắc riêng trên thị trường âm nhạc. Ở lối đi này, đến bây giờ Cẩm Ly vẫn là điển hình tiêu biểu và khá hiếm hoi, vì hầu như đến nay ít ca sĩ nào đi song song cả 2 phong cách nhạc trẻ và trữ tình âm hưởng dân ca.
Cẩm Ly cũng là một trong những thí dụ hiếm hoi của sự kết hợp bầu "sô" - ca sĩ lăng xê thành công và sự kết hợp ấy vẫn còn kéo dài đến bây giờ. Câu chuyện bầu Minh Vy - ca sĩ Cẩm Ly là minh chứng sinh động của một giai đoạn nhạc Việt rất ưa chuộng mô hình bầu "sô" lăng xê ca sĩ độc quyền và có lúc nó trở thành một câu chuyện thời sự âm nhạc được nhắc nhở sôi nổi liên tục của thị trường những năm cuối thập niên 1990 đầu những năm 2000.
Đây là thời gian thị trường ca nhạc Việt Nam nở rộ các dự án lăng xê ca sĩ độc quyền nhưng phần lớn đều không có cái kết tốt đẹp hoặc dài lâu. Mô hình ca sĩ độc quyền đặc trưng một thuở đến bây giờ chỉ còn 3 thí dụ, đó là Hoàng Tuấn- Đan Trường, Thủy Nguyễn-Nguyễn Phi Hùng và Minh Vy - Cẩm Ly. Đây là 3 trường hợp ca sĩ- bầu "sô" gắn bó với nhau dài lâu nhất trong làng nhạc Việt, đều trên dưới 1/4 thế kỷ. Trong đó Minh Vy - Cẩm Ly là trường hợp duy nhất vừa là bầu show - ca sĩ vừa là vợ chồng.
Live show "gia đình"
Đây là live show của gia đình: Cẩm Ly cùng chồng (Minh Vy) viết kịch bản. Tổng đạo diễn, đạo diễn âm nhạc và sáng tác phần lớn các tiết mục chính cho cô cũng là Minh Vy. Các con gái của họ là Cẩm Anh, Cẩm Uyên cũng tham gia điều phối chương trình, làm trợ lý tổng đạo diễn.
Live show đánh dấu sự tái xuất hiện các thành viên kỳ cựu, vũ công đời đầu của vũ đoàn ABC. Họ từ TP.HCM và nhiều nơi, thậm chí có người ở tận nước Mỹ đã trở về múa cho người ca sĩ đã cộng tác cùng họ hơn 20 năm qua. Vũ đoàn ABC vốn gắn bó mật thiết với tất cả các màn trình diễn của Cẩm Ly trên các sân khấu lớn nhỏ, nhất là trong các video ca nhạc của Cẩm Ly từ đầu những năm 2000.
Tags