Tin buồn cho Daniil Medvedev cũng như những tay vợt đến từ Nga và Belarus khi Ban tổ chức giải quần vợt Wimbledon đã cấm họ góp mặt ở Wimbledon năm nay. Đâu là hệ lụy sau án cấm này và điều gì xảy ra tiếp theo?
The All England Club, đơn vị tổ chức giải Grand Slam thứ ba trong năm tại Anh, đã đưa ra quyết định cấm các VĐV Nga và Belarus góp mặt ở giải Wimbledon năm nay, hệ quả của căng thẳng Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giải Grand Slam đầu tiên nói không với các tay vợt Nga, Belarus
Trong thông báo của mình, ban tổ chức giải Wimbledon khẳng định trách nhiệm của mình với cộng đồng như là một trong những lý do khiến họ quyết định khước từ quyền tham dự của các tay vợt Nga và Belarus. Đó sẽ là một thiệt thòi đáng kể bởi ở giải Wimbledon năm ngoái đã có đến 40 tay vợt của hai quốc gia này tranh tài. Trong số này, 22 tay vợt đã vượt qua vòng loại để góp mặt ở các vòng đấu chính thức thuộc các nội dung đơn nam và nữ. Nếu không vướng phải lệnh cấm tham dự, hoàn toàn có khả năng một tay vợt Belarus hoặc Nga lên ngôi ở giải Wimbledon năm nay. Ở nội dung đơn nữ, tay vợt người Belarus Aryna Sabalenka đang đứng trong Top 10 tay vợt nữ hàng đầu thế giới, cụ thể là vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng WTA, trong khi Daniil Medvedev và Andrey Rublev cũng góp mặt trong Top 10 tay vợt nam hàng đầu thế giới khi lần lượt đứng thứ 2 và 8 trên bảng xếp hạng ATP.
Thật ra giải quần vợt Wimbledon không phải sự kiện tiên phong cấm cửa các VĐV Nga (và cả Belarus) góp mặt tại các sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới. FIFA đã loại bỏ đội tuyển Nga khỏi vòng tranh vé vớt tham dự World Cup 2022 khu vực châu Âu, trong khi UEFA ban hành lệnh cấm không xác định thời hạn các CLB Nga góp mặt tại các sân chơi châu lục trong đó có Champions League. Giải chạy danh tiếng Boston Marathon cũng cấm cửa các VĐV Nga và Belarus đến tham dự. Còn trong thế giới tốc độ, đội đua Haas đã hủy bỏ hợp đồng với tay đua người Nga Mazepin, trong lúc các tay đua môtô Nga không được phép tham dự các chặng đua diễn ra tại Anh.
Tuy vậy, câu chuyện về lệnh cấm tại các sự kiện quần vợt lại không đi theo xu thế tương tự như các môn thể thao vừa nêu. Liên đoàn quần vợt thế giới chỉ cấm các đội tuyển quần vợt Nga và Belarus tham dự các giải đấu đồng đội như Davis Cup hay Billie Jean King. Còn ở các giải đấu do Hiệp hội các tay vợt nữ (WTA) và Hiệp hội các tay vợt nam (ATP) nam, các tay vợt Nga và Belarus vẫn có thể tranh tài dưới tư cách những tay vợt trung lập, đồng nghĩa họ không được phép đại diện cho quê hương mình. Đây là giải Grand Slam đầu tiên cấm cửa các tay vợt Nga và Belarus, trong lúc họ vẫn có cơ hội góp mặt tại Roland Garros vào tháng tới.
- Thể thao Nga và Belarus bị trừng phạt vì xung đột Nga - Ukraine: Thể thao chỉ là nạn nhân!
- Nga, Belarus bị cấm cửa Paralympic 2022
Liệu có một làn sóng tẩy chay tại Wimbledon?
Phản ứng của cả ATP lẫn WTA về quyết định của ban tổ chức Wimbledon là không hài lòng chút nào. WTA nêu quan điểm trong thông báo của mình rằng các VĐV không nên bị trừng phạt hoặc ngăn cấm quyền tham dự chỉ vì lý do liên quan đến quốc gia họ đại diện và khẳng định tổ chức này sẽ đấu tranh để đảm bảo mọi tay vợt đều có quyền được góp mặt tại bất cứ giải đấu quần vợt nào. Tương tự, ATP khẳng định ban tổ chức Wimbledon đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và cũng đưa ra mong muốn tương tự WTA đó là các VĐV Nga và Belarus cần được khôi phục quyền tham dự, dẫu cho họ có thể phải chấp nhận vị thế trung lập.
Liệu lệnh cấm này từ ban tổ chức Wimbledon có tạo ra một làn sóng tẩy chay giải đấu hay không? Trong lịch sử quần vợt đã từng xảy ra trường hợp hàng loạt tay vợt tẩy chay một giải đấu. Cụ thể, năm 1973, 81 tay vợt nam đã từ chối tham dự Wimbledon để thể hiện tinh thần đoàn kết và ủng hộ tay vợt người Nam Tư cũ có tên Nikola Pilic, người đã bị loại khỏi nội dung đơn nam chỉ vì anh không tranh tài ở giải quần vợt đồng đội Davis Cup.
Vậy còn khả năng nào để các tay vợt Nga và Belarus đủ điều kiện tham dự bất chấp lệnh cấm? Căn cứ vào tuyên bố của Bộ trưởng thể thao Anh Nigel Huddleston về điều kiện tham dự Wimbledon là các tay vợt phải thể hiện thái độ không ủng hộ căng thẳng Nga-Ukraine, vẫn có một giải pháp mang tính chất lách luật: Chọn một màu áo quốc gia khác để thi đấu, dẫu cho vẫn chưa có bất cứ tay vợt nào thổ lộ mong muốn này. Không ít tay vợt Nga như Rublev hay Medvedev vẫn cố gắng giữ khoảng cách hay thậm chí phản đối căng thẳng Nga-Ukraine theo những cách khác nhau. Bản thân việc tính đến yếu tố quốc tịch để xét duyệt các tay vợt tham dự một giải quần vợt vẫn để lộ những kẽ hở, khi nhiều tay vợt có nhiều hơn một quốc tịch. Chẳng hạn, Medvedev và Anastasia Pavlyuchenkova đã sống nhiều năm ở Pháp và nói thành thạo tiếng Pháp, trong khi Victoria Azarenka dành phần lớn thời gian sinh sống ở Mỹ và đây cũng là nơi đứa con trai của cô cất tiếng khóc chào đời.
Đức Hùng
Tags