Campuchia phát hiện 3.731 ca nhiễm biến thể Delta tại 24/25 tỉnh, thành phố

Thứ Sáu, 10/09/2021 22:43 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 10/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 224.265.652 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.624.257 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 200.850.168 người.   

Dịch Covid-19: Nhật Bản phát hiện 18 ca nhiễm biến thể Eta

Dịch Covid-19: Nhật Bản phát hiện 18 ca nhiễm biến thể Eta

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa xác nhận 18 ca nhiễm biến thể Eta của virus SARS-CoV-2. Đây là những ca đầu tiên nhiễm biến thể Eta được ghi nhận ở nước này.

Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Campuchia cho biết từ ngày 31/3 đến ngày 9/9, Viện Pasteur Campuchia đã phát hiện 3.731 trường hợp nhiễm biến thể Delta tại 24/25 tỉnh thành phố trên cả nước; tỉnh Kep là tỉnh duy nhất chưa phát hiện ca nhiễm biến thể này.

Bộ Y tế Campuchia kêu gọi người dân không lơ là cảnh giác, thay đổi lối sống và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời kêu gọi công dân và trẻ em trên 12 tuổi đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Dựa trên tỷ lệ lây nhiễm có xu hướng giảm ổn định và tỷ lệ tiêm chủng tại thủ đô Phnom Penh, chính quyền thủ đô ngày 10/9 thông báo toàn bộ các trường trung học công lập và tư thục ở thành phố sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 15/9 tới.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 16/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Lào ngày 10/9 ghi nhận 194 ca mắc mới COVID-19, trong đó 108 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 86 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 16.936 ca mắc COVID-19, trong đó có 16 người tử vong. Bộ Y tế Lào đang lo ngại nguy cơ dịch bùng phát mạnh khi tiếp tục ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng tại một số tỉnh như Champasak, Khammuan, Savannakhet, Bokeo.    

Thái Lan thông báo nước này có thêm 14.403 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 189 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch lên 1.352.953 ca, trong đó có 13.920 người không qua khỏi. Số người tử vong vì COVID-19 hằng ngày tại Thái Lan đã giảm xuống dưới ngưỡng 200 so với mức kỷ lục 312 trường hợp được ghi nhận hôm 18/8. Bộ Y tế vẫn dự kiến đề nghị Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm hiện nay tại các tỉnh trong vùng đỏ sẫm thuộc diện kiểm soát đặc biệt và tối đa cho tới cuối tháng này.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 7/9/2021. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi dân chúng bắt đầu học cách sống chung với COVID-19 khi căn bệnh này không còn được coi là đại dịch nữa. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay trong giai đoạn chuyển tiếp này, cộng đồng đã có thể bắt đầu các hoạt động phù hợp với mức độ áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng tại khu vực sinh sống, cũng như phải thực hiện nghiêm các quy định y tế và ngay lập tức đi tiêm chủng.   

Còn tại Malaysia, cơ quan y tế nước này đã phát hiện 2 trường hợp là người nước ngoài nghi nhiễm biến thể Mu và biến thể Lambda khi tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại lãnh thổ liên bang Labuan. Cục Y tế Labuan cho biết đây là 2 thủy thủ làm việc trên một con tàu.    

Ủy ban Liên bộ chống COVID-19 Singapore (MTF) cho biết từ ngày 14/9/2021, Bộ Y tế nước này sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 bổ sung đối với 2 nhóm người là người từ 60 tuổi trở lên (bao gồm cả những người già thuộc các cơ sở chăm sóc người cao tuổi) và những người bị suy giảm miễn dịch mức độ từ vừa phải đến nghiêm trọng. Singapore cũng sẽ tiếp tục triển khai chính sách cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà sau khi ghi nhận những kết quả tích cực.   

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại Vịnh Marina, Singapore, trong thời gian áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 ngày 11/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Đông Bắc Á, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa xác nhận 18 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Eta của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, số ca mắc mới ở Nhật Bản đang có xu hướng giảm. Ngày 9/9, nước này chỉ ghi nhận thêm 10.397 ca mắc mới trên toàn quốc, giảm 2.001 ca so với một ngày trước đó. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch cơ bản về nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 trên cơ sở đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine.    

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc Jeong Eun-kyung cho biết mô hình “sống chung an toàn với dịch COVID-19” có thể được Chính phủ Hàn Quốc xem xét sớm nhất là vào cuối tháng 10 tới và chính phủ nước này đang nỗ lực hướng tới mục tiêu này. Khoảng thời gian phù hợp để Hàn Quốc áp dụng mô hình này là khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh đạt 90% ở người cao tuổi và 80% ở người trưởng thành. Ngoài ra, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét việc mua trước thuốc điều trị COVID-19 từ nhiều công ty dược phẩm trên thế giới nhằm giảm nguy cơ xảy ra bất kỳ vấn đề nào về nguồn cung.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Đại Dương, lần đầu tiên từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Australia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày lên tới 1.900 ca. Riêng bang tâm dịch New South Wales (NSW) trong ngày 10/9 phát hiện 1.542 ca mới, vượt con số cao nhất ghi nhận trong tuần trước là 1.533 ca. Đáng lo ngại, số bệnh nhân COVID-19 cần nhập viện tại Sydney trong 2 tuần qua đã tăng gấp 2 lần, lên 6.000 ca. Thực tế này gia tăng sức ép lên ngành y tế.   

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/9 đã đưa Nhật Bản, Albania, Armenia, Azerbaijan, Brunei và Serbia ra khỏi danh sách đi lại an toàn, đồng nghĩa với việc người nhập cảnh EU từ nhóm 6 nước trên sẽ phải chịu các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn như xét nghiệm COVID-19 và cách ly. Hiện danh sách đi lại an toàn trong dịch COVID-19 của EU còn 12 quốc gia, trong đó có Australia, Canada và Saudi Arabia.   

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay quốc tế Toronto Pearson ở Ontario, Canada ngày 7/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo lần đầu tiên trong 2 tháng qua, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã giảm dưới ngưỡng nguy cơ cao 150 ca/100.000 dân theo quy định của cơ quan này. Tính đến ngày 9/9, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 4.903.021 ca mắc, bao gồm 85.218 ca tử vong. Với tỷ lệ người tiêm chủng vaccine đạt hơn 70% dân số, chính quyền trung ương và các địa phương của Tây Ban Nha đã nhất trí cho phép các trung tâm thể thao ngoài trời như được tăng số lượng người tham gia trong tháng 9 này.   

Ngày 10/9, Đan Mạch đã dỡ bỏ quy định sử dụng “hộ chiếu vaccine” khi vào các câu lạc bộ đêm, chấm dứt việc áp đặt các biện pháp hạn chế phòng, chống COVID-19. Theo giới chức Đan Mạch, lý do khiến nước này có thể dỡ bỏ mọi hạn chế là nhờ việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng. Hiện có tới 73% trong số 5,8 triệu người dân nước này đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 và con số này ở những người trên 65 tuổi là 96%.    

Tại Anh, Nghị viện Scotland đã phê chuẩn quy định từ ngày 1/10 cấp "hộ chiếu" vaccine COVID-19 cho người tham gia các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như câu lạc bộ đêm hay lễ hội âm nhạc. Theo đó, người tham gia các sự kiện lớn hoặc các hoạt động tập trung đông người sẽ phải trình chứng nhận tiêm chủng.     

Cùng ngày, Cơ quan Tiêm chủng thường trực của Đức (STIKO) đã ra khuyến nghị nên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả phụ nữ mang thai. Theo cơ quan này, phụ nữ mang thai không những có nguy cơ bệnh trở nặng hơn khi mắc COVID-19 mà còn có nguy cơ sinh non, do vậy nhóm đối tượng này được khuyến cáo lập tức đi tiêm phòng bất kể có bệnh nền hay không.    

Liên quan tới công tác bào chế vaccine, nhà sáng lập hãng dược phẩm BioNTech của Đức, bà Özlem Türeci thông báo công ty này chuẩn bị bào chế vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi sau vài tuần nữa. Trong khi đó, Hãng dược phẩm Moderna ngày 9/9 thông báo đang phát triển loại vaccine 1 mũi duy nhất, kết hợp giữa mũi tăng cường chống COVID-19 với vaccine cúm thử nghiệm của hãng, với hy vọng có thể đưa ra thị trường mũi tiêm vaccine hằng năm chống virus thể bào gây bệnh lý hô hấp (RSV) và các loại bệnh về hô hấp khác.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›