(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/8, thông tin từ Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho biết: Do chưa xác định được nguyên nhân đứt các tuyến cáp quang biển châu Á – Thái Bình Dương (AAG), tuyến cáp liên Á (IA) và tuyến cáp quang Đông Nam Á – Trung Đông – Tây Âu (SMW3) xảy ra vào chiều 27/8 nên công tác khắc phục sự cố đứt cáp, khôi phục hoàn toàn dung lượng sẽ phải mất từ 3 - 4 tuần.
- Lại đứt cáp quang biển, mạng internet miền Trung bị ảnh hưởng
- Đứt cáp quang biển: Đã khắc phục 80-90% đường truyền
- Đứt cáp quang - thiệt hại khó lường cho người dùng mạng
Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình cho hay, nguyên nhân dẫn đến sự cố với các tuyến cáp quang biển quốc tế lần này có thể do ảnh hưởng từ cơn bão mới đây ở gần khu vực Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên vẫn chưa có thông tin chính xác để khẳng định việc này.
Tuyến cáp quang AAG đóng vai trò quan trọng trong kết nối internet Việt Nam đi quốc tế nhưng những năm qua tuyến cáp này thường xuyên gặp sự cố. Các nhà mạng đã lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào tuyến cáp này nên từ cuối năm 2016, tuyến cáp quang biển APG đã được đưa vào vận hành, khai thác.
Trong tháng 7/2017, hai nhà mạng VNPT và Viettel đã mở kênh khai thác chính thức trên tuyến cáp biển quốc tế tuyến châu Á – châu Phi – châu Âu (Asia Africa Europe 1 - AAE1). Đây là hệ thống cáp biển kết nối các khu vực châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu, đi qua 19 quốc gia với tổng giá trị dự án khoảng 820 triệu USD.
Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến tháng 6/2017 tổng dung lượng Internet quốc tế của Việt Nam là gần 4.700 Gbps tăng gấp đôi so với thời điểm 1 năm trước (tháng 6/2016). Ông Vũ Thế Bình lý giải, tổng dung lượng tăng là do việc đưa vào sử dụng, khai thác tuyến cáp mới như APG. Nếu không bổ sung, việc các tuyến cáp biển AAG, IA và SMW3 cùng gặp sự cố, hệ thống mạng internet của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Thời gian qua, nhiều sự cố cáp biển đã xảy ra nên các nhà mạng đã có kinh nghiệm ứng phó và chuẩn bị các phương án dự phòng. Cuối tuần qua, các nhà mạng đều đã ứng phó để đảm bảo dịch vụ nhưng vẫn sẽ có một số nhóm khách hàng bị ảnh hưởng. Thường nhóm doanh nghiệp, tổ chức được ưu tiên trước, sau đó đến các nhóm như 3G/4G, tiếp đó là nhóm khách hàng băng rộng cố định...
Hiện phần lớn lưu lượng internet Việt Nam đi qua cửa ngõ Hồng Kông (Trung Quốc). Các nhà mạng viễn thông và các nhà cung cấp dịch vụ internet đang dịch chuyển bớt lưu lượng qua các hướng khác, trong đó có Singapore để kiểm soát rủi ro, nâng cao chất lượng dịch vụ bởi các sự cố cáp biển rất hay xảy ra và phải mất nhiều thời gian để phục hồi. Các nhà cung cấp dịch vụ internet cam kết sẽ bù lại đủ dung lượng trong một vài ngày tới.
Theo TTXVN
Tags