(Thethaovanhoa.vn) - Câu thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa” có thể có nguồn gốc từ thành ngữ Trung Quốc “Tẩu mã khán hoa” (走马看花). Có ý kiến cho rằng nó có thể xuất ý từ bài tứ tuyệt Đăng khoa hậu của Mạnh Giao (751 - 814) thời Trung Đường, trong đó có hai câu kết Xuân phong đắc ý mã đề tật/Nhất nhật khán tận Trường An hoa (tạm hiểu: Gió xuân rười rượi, lên ngựa phóng đi/Chỉ một ngày xem hết hoa lệ ở Trường An).
Đầu tiên, ngữ nghĩa của câu này khá giản đơn, nhằm vào tích sự và vụ việc cụ thể, nhằm chỉ sự việc đắc ý, hứng khởi. vui vẻ. Thế nhưng qua thời gian, nhất là trong những lĩnh vực trừu tượng như văn hóa nghệ thuật, khoa học xã hội nhân văn, đạo đức, tư tưởng, triết lý… thì tình trạng “Cưỡi ngựa xem hoa” càng nguy hại. Ngày nay, câu này có ý chỉ việc làm gì cũng làm đại khái, không xem xét tỉ mỉ chi tiết, không quan tâm đến tiểu tiết, độ chính xác.
TS Hà Thanh Vân: Đã thành chuyện thường ngày mới buồn
Bệnh “Cưỡi ngựa xem hoa” đang lan tràn trong đời sống văn hóa, xã hội hiện nay, có thể nhận thấy ở khắp mọi nơi. “Gớm, cho xong chuyện ấy mà”, hẳn nhiều người cũng nghĩ như vậy khi bắt tay làm việc. Nhưng nhiều khi “Cưỡi ngựa xem hoa” lại là do thiếu thời gian. Tôi đưa con đi bệnh viện khám bệnh, cả buổi sáng thấy bác sĩ khám hơn 100 bệnh nhân, tính ra mỗi sinh mệnh con người được hơn 1 phút khám và chẩn đoán, cho thuốc. Không phải “Cưỡi ngựa xem hoa” thì là gì? Giải quyết vấn đề này là một vòng luẩn quẩn: thiếu bác sĩ, thiếu cơ sở vật chất, mà thiếu bác sĩ là do bệnh viện định mức biên chế chỉ có bấy nhiêu.
Đây còn do làm ăn tắc trách. Cụm tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam kinh phí khoảng 411 tỷ đồng, nhưng sân nền rạn nứt ngay sau khi khánh thành. Có phải là việc thi công cũng do “Cưỡi ngựa xem hoa”? Cũng chả thiếu công trình có đầy đủ giám sát thi công, quan chức đi kiểm tra tiền hô hậu ủng trước khi đưa vào sử dụng, nhưng cũng chẳng thọ được bao nhiêu ngày tháng.
Rồi những việc thường ngày: Đi chợ, quét dọn, nấu nướng… Nhiều phụ nữ khi chưa chồng con thì ăn mặc cầu kỳ trang điểm tốn hàng giờ. Chồng con rồi thì coi thường, trang điểm sơ sài, ăn mặc “không phải quần áo rách là được”.
Những người trẻ tuổi, đặc biệt là sinh viên, thường “ăn uống qua loa có quan trọng gì đâu”. Có khi buổi sáng nắm xôi, buổi trưa cái bánh mì là xong. Sức khỏe là vốn quý vậy mà xem thường. Nhiều người học hành cũng qua loa luôn. Lý luận của họ là chỉ học đủ để thi, không cần học sâu. Thi cái gì học cái đấy.
Các phong trào do đoàn thể phát động, là việc chung nên không ai chú trọng. Làm việc gì cũng sơ sơ, nhanh nhanh còn về. Vệ sinh thôn xóm khu phố do Đoàn thanh niên tổ chức thì chỉ chặt vài cái cành cây, nhặt vài cái rác coi như xong. Còn thông cống hoặc nạo vét mương rãnh thì không ai chịu làm. Đến việc thủy lợi nội đồng cũng vậy, mỗi người chỉ động tay động chân vài cái chưa đâu đến đâu đã hô hoán nhau về. Đến khi lũ lụt hay hạn hán mới vỡ lẽ.
Có những cây cầu vừa xây, những công trình thủy lợi mới hoàn thành, những con đường mới làm, công trình mới đưa vào sử dụng…đã hư hỏng xuống cấp. Một phần do bòn rút, bớt xén. Một phần do làm việc sơ sài qua loa không tuân thủ quy trình.
Hãy chú ý những mặt hàng xuất khẩu của nước ta bị trả lại không ít. Những thứ hàng như giày da, may mặc, mỹ nghệ… là thế mạnh vậy mà xuất khẩu vẫn bị chê. Quá trình sản xuất đã không đúng nguyên tắc, làm ẩu làm bừa cho nhanh, khi kiểm tra chất lượng cũng lại sơ sài lỏng lẻo.
Báo chí mấy tuần này đưa tin cúm gia cầm đang bùng phát trở lại ở một số tỉnh. Các tỉnh đó đều đã tiêm phòng vắc-xin vậy mà không hiểu sao lại không có kết quả. Hóa ra là tiêm phòng không đúng cách. Làm chiếu lệ qua loa, tiêm ít báo cáo lên nhiều.
Giờ học ở một trường đại học danh tiếng cả nước, sáng 8 giờ thầy cô đủng đỉnh vào dạy, 10 giờ 30 phút cho nghỉ, chiều thì dạy từ 2 giờ đến 4 giờ. Khối kiến thức đáng lẽ có thời lượng gấp đôi để truyền thụ thì nay co ngắn lại còn một nửa. Ngồi hội đồng chấm luận án tiến sĩ, chỉ có 3 người phản biện đọc luận án, còn 4 người không đọc vì quy chế không ghi rõ là phải đọc, nhưng vẫn có quyền bỏ phiếu quyết định.
Đó là nói những lĩnh vực cụ thể, dễ nhận ra, chứ các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, khoa học xã hội, tâm linh… vốn trừu tượng, “đất dụng võ” cho việc “Cưỡi ngựa xem hoa” còn rộng lớn lắm.
Nói cho cùng, con người dễ thích thói quen “Cưỡi ngựa xem hoa”, vì như vậy dễ dàng và dễ làm hơn. Thói quen “Cưỡi ngựa xem hoa” đã trở thành bình thường như hơi thở, cơm bữa hàng ngày, thế mới buồn. Tại sao lại như vậy? Có phải vì chúng ta sống quá vội, quá gấp, có phải vì chúng ta quá lười biếng, quá thiếu thời gian? Hay tại vì văn hóa đã tạo ra một lớp người thích “Cưỡi ngựa xem hoa”, xã hội thiếu cơ chế điều phối hợp lý?
Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Ngọc Hạnh: Đổ lỗi cho “con ngựa” là cách xử lý an toàn!
Sáng 11/9, trong câu chuyện Cà phê sáng trên VTV3, NSND Đặng Thái Sơn có nói ý này, tôi lấy làm thú vị. “Ở nước ngoài người ta chỉ nghe nhạc chân chính, cảm nhận tác phẩm từ tâm hồn của họ đến với trái tim người nghệ sĩ, họ không quan tâm nhiều đến cậu bé Đặng Thái Sơn ngày ấy đã học piano trong đạn bom thời chiến tranh. Vì điều ấy không châm chước gì cho việc bạn trình bày tác phẩm của mình không ra gì”.
Ở Việt Nam mình, hầu như trong thưởng thức văn học nghệ thuật, phần lớn lại thường hay sùng bái cái hào nhoáng, vẻ bên ngoài của tác phẩm nhiều hơn là tiếp cận tới cái phẩm chất bên trong. Nếu chỉ mới nghe thôi, chưa đủ, còn phải chạm vào trái tim, sẻ chia hết những thổn thức đau đớn, những ngọt bùi hẩm hiu của số phận thì mới gọi là đã chạm tâm hồn mình với tác phẩm. Bằng không thì cũng chỉ “Cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi.
Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Ngọc Hạnh
“Cưỡi ngựa xem hoa” vốn đã tồn tại từ ngàn xưa, một khi văn hóa, xã hội biến chất, nạn tiêu cực và tham những tràn ngập, thì “con ngựa” ấy càng tung hoành, nó không cần thưởng ngoạn vẻ đẹp lung linh tiềm ẩn mà chỉ hời hợt, qua loa lấy lệ, miễn sao mang lại những lợi ích cho mình, bất cần những phẩm hạnh, xem nhẹ các giá trị thẩm mỹ bên trong của mỗi sự việc, của mỗi tác phẩm.
Trong đời sống ngày một nhiều, mà trong hoạt động văn học nghệ thuật cũng không hề ít, có điều người ta lấp liếm, che đậy bằng thứ vỏ bọc rẻ tiền, một thứ “Cưỡi ngựa xem hoa” kiểu mới. Đơn cử như trong việc đánh giá, xét chọn, bình phẩm tác phẩm, hầu như các tổ chức, các nhà quản lý văn nghệ chỉ lớt phớt với các tiêu chí lạc hậu, hiếm khi chạm vào giá trị cốt lõi của tác phẩm, nói như Đặng Thái Sơn, là người ta “chưa biết nghe nhạc chân chính”, họ còn đứng bên ngoài văn chương nghệ thuật, mà như thế thì nền văn học nghệ thuật nước nhà rồi sẽ đi về đâu! Chẳng lẽ đợi đến sau ngày “hôn lễ” mới vỡ lẽ như tích cũ trong câu chuyện của chàng trai cưỡi ngựa xem hoa Quý Lương và cô gái Diệp Thanh, mới biết mình khuyết tật!?
Đó là một bi kịch, điều này ai cũng biết, thế mà vở diễn vẫn chưa kết thúc! Từ bi kịch ấy đã rút ra cho người đời bài học lớn, sự làm việc tùy tiện, đại khái như Quý Lương ngồi trên ngựa ngắm nhìn giữa chợ hoa thì làm sao tìm ra vẻ đẹp chân chính của người vợ tương lai, làm sao tránh cho được những tác phẩm “mũi méo, chân teo” giữa đời này. Tiếc là con người ta đã không học cổ nhân để mà tránh, lại còn biện bạch, chạy trốn trách nhiệm trước đời sống, họ dùng nó như là một cái cớ để nói về những sự việc mà họ không xem xét, nghiên cứu cẩn trọng; qua loa, sơ sài là vì, họ chỉ “Cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. Đổ lỗi cho “con ngựa” là cách xử lý an toàn!
Tôi vẫn tâm đắc với Đặng Thái Sơn, khi nào chúng ta cảm nhận âm nhạc bằng chính giá trị của nó, bằng chính tâm hồn của người nghệ sĩ thì lúc ấy hãy nói đến đỉnh cao của tác phẩm. Mà để có được điều ấy là hoàn toàn không dễ dàng, nó còn tùy thuộc ở không gian sống, ở mỗi thời đại, thể chế, ở mỗi nhân cách nghệ sĩ khác nhau.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags