Theo các chuyên gia, COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Sáng 24/3, tại buổi họp báo kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống Lao, TS. BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình lao Quốc gia, cho biết Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới.
Cũng không nằm ngoài bối cảnh chung trên thế giới, 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. "Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng", TS. BS Đinh Văn Lượng nhận định.
Theo báo cáo bệnh lao toàn cầu của WHO (Global TB Report) năm 2022, số lượng tử vong do bệnh lao đã tăng lên trong hai năm liên tiếp và lần đầu tiên ước tính số lượng người mới mắc bệnh lao hàng năm cũng đã tăng lên sau hơn một thập kỷ. Mặc dù chúng ta đã tiến gần hơn đến việc đạt được một số mục tiêu về bệnh lao đề ra trong cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc năm 2022, nhiều mục tiêu vẫn chưa đạt được.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG - WHO Report 2022 – Global Tuberculosis Control), đại dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ, hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phân tích tác động rõ ràng nhất chính là sự sụt giảm lớn về số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu. Từ mức cao nhất là phát hiện 7,1 triệu người bệnh năm 2019 đã giảm xuống 5,8 triệu vào năm 2020 (giảm 18%), trở lại mức phát hiện của năm 2012.
Giảm số ca bệnh lao được thông báo năm 2020 và 2021 có thể làm tăng số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị, dẫn đến tăng số ca tử vong do lao và mức độ lây truyền trong cộng đồng. Ước tính trên toàn cầu vào năm 2021, số ca tử vong do lao là 1,4 triệu trường hợp trong nhóm người không có HIV và 187.000 trong nhóm người sống chung với HIV. Ước tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao trên toàn cầu vào năm 2021, tăng 4,5% so với năm 2020 (10,1 triệu). Tỷ lệ mắc mới lao cũng tăng 3,6% trong năm 2021 so với năm 2020, đảo ngược mức độ giảm 2% hàng năm đã tồn tại trong 2 thập kỷ. Số trường hợp mắc lao kháng thuốc cũng tăng lên trong năm 2021, với 450.000 trường hợp mắc mới.
"COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác", ông Lượng cho hay.
Hướng tới chấm dứt bệnh lao
Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, chấm dứt bệnh lao là việc làm có ý nghĩa to lớn và cần quyết tâm thực hiện. Từ hiện tại đến đích cuối cùng để chấm dứt bệnh lao còn rất xa và nhiều khó khăn thách thức, nhưng chúng ta sẽ đạt được nếu có quyết tâm chính trị cao của các cấp Lãnh đạo và sự vào cuộc của toàn thể nhân dân, Thứ trưởng nói.
Tags