Tại Hoà Bình vừa diễn ra Lễ Bế mạc Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2023.
Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức từ ngày 10 - 14/6 tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và từ ngày 20 - 26/6 tại Hòa Bình. Cuộc thi có sự tham gia của gần 1500 nghệ sĩ đến từ 37 đơn vị nghệ thuật trên cả nước.
Phát biểu tại Lễ Bế mạc, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết: "Trải qua 11 ngày biểu diễn tranh tài, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đã đem đến cho khán giả yêu âm nhạc nhiều cảm xúc với cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm về nhạc cụ các dân tộc. Các tiết mục biểu diễn độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc không chỉ thể hiện tinh hoa của âm nhạc truyền thống, mà còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của các dân tộc Việt Nam".
Theo đó, thông qua cuộc thi này, Bộ VHTTDL mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát có nghệ sĩ, nhạc công dự thi cần tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các phần thi; có chính sách thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, nhạc công trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này; Bộ VHTTDL đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung và các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ truyền thống Việt Nam nói riêng; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, nhạc công tài năng về âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Bộ VHTTDL cũng đề nghị các Sở VHTTDL, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật, tiếp tục chú trọng giữ gìn, phát huy các hoạt động nghệ thuật truyền thống của địa phương, đơn vị; tăng cường đầu tư hơn nữa các cơ chế thích hợp nhằm thu hút, tìm kiếm và đào tạo các tài năng âm nhạc truyền thống, nhất là các tài năng trẻ, phù hợp với địa phương, đơn vị.
Đánh giá về chuyên môn nghệ thuật, PGS. TS Bùi Thiên Hoàng Quân - Giám đốc Trung tâm biểu diễn, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo - nhận định: "Bằng phong cách biểu diễn tự tin, lôi cuốn, chứng tỏ được trình độ diễn tấu của diễn viên ở mức độ cao, đủ khả năng thể hiện tính chất, nội dung của tác phẩm. Ngoài ra, các đơn vị đã làm cho tiết mục dự thi của mình được phong phú hơn, sống động hơn qua thiết kế trang phục và cảnh trí sân khấu đẹp mắt, phù hợp với nội dung chương trình. Việc kết hợp với nhiều hình thức ca hát như đơn ca, song ca, tốp ca hay múa minh họa cũng là cách để các diễn viên có thể thăng hoa trong khi biểu diễn; Kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu đạt trình độ điêu luyện, tinh xảo, tinh tế trong từng tiếng đàn, giàu cung bậc cảm xúc, được thể hiện qua nhiều phong cách, thể loại từ nhạc truyền thống như Chèo, Tuồng, Tài tử - Cải lương, cải biên hay đương đại nhưng vẫn mang tính dân tộc. Những kỹ năng, kỹ xảo đó đã giúp các nghệ sĩ truyền tải được nội dung tác phẩm đến người nghe một cách đầy thuyết phục.
Về Phong cách âm nhạc: Các đoàn nghệ thuật truyền thống đã thể hiện rõ đặc trưng âm nhạc vùng, miền, địa phương của mình. Các đoàn Ca múa nhạc đả thể hiện tính hiện đại của mình trong việc đưa nhạc cụ phương Tây, thanh nhạc hoặc những hiệu ứng khác hỗ trợ cho nhạc cụ dân tộc để có những tác phẩm dân tộc mới hơn, hiện đại hơn; Các đơn vị đào tạo với phong cách âm nhạc chính chắn vừa dân tộc vừa kinh điển, học thuật, cũng đã tạo cho mình một phong cách riêng, không trùng lặp và đáng quý".
Tại Lễ bế mạc, BTC đã trao 30 tiết mục đạt Giải Nhất, 51 tiết mục đạt Giải Nhì, 12 tiết mục đạt Giải Ba.
Ngoài ra, BTC cũng trao Giải xuất sắc cho các thành phần sáng tạo gồm: Chỉ huy dàn nhạc xuất sắc thuộc về NSƯT Trần Quốc Đạt - Nhà hát Ca Múa nhạc Quân Đội; Nhạc công chính xuất sắc thuộc về Sơn Si Phone - Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh.
Tags