Mới đây, sau 50 năm, danh sách các ứng viên cho giải Nobel Văn học năm 1972 đã được tiết lộ, trong đó có nhà thơ Vũ Hoàng Chương của Việt Nam. Có thể thấy, trong danh sách này có rất nhiều cái tên quen thuộc và không ít người trong số đó, sau này cũng đã đoạt giải Nobel. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các thể lệ của giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh này.
Theo các đạo luật của Quỹ Nobel, trong vòng 50 năm, các thông tin về ứng viên phải được hạn chế tiết lộ, dù là công khai hay riêng tư. Các hạn chế này bao gồm cả người gửi đề cử, cũng như các cuộc điều tra và ý kiến liên quan tới trao giải.
Quy trình đề cử
Nobel Văn học là một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất thế giới hiện nay. Đây là một trong năm giải Nobel được thành lập theo di chúc của Alfred Nobel vào năm 1895. Kể từ năm 1901, hàng năm, sẽ có một tác giả, không giới hạn quốc gia nào, được trao giải Nobel Văn học. Không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật, giải còn mang tới cho tác giả được chọn số tiền thưởng lớn như vào năm 2022 là 10 triệu SEK (khoảng 23 tỷ VND).
Thế nên, quy trình để tìm ra người nhận giải Nobel Văn học vô cùng chặt chẽ và cẩn mật. Đầu tiên, Ủy ban Nobel Văn học sẽ gửi thư mời đề cử tới những người có đủ tiêu chuẩnđưa ra đề cử giải Nobel Văn học. Những người này bao gồm: Các thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển và các viện, tổ chức và hiệp hội khác tương tự về cấu trúc cũng như mục đích; Giáo sư văn học và ngôn ngữ học tại các trường đại học; Những chủ nhân Nobel Văn học trước đó; Chủ tịch các hiệp hội tác giả đại diện cho xuất bản văn học tại quốc gia họ.
Ví dụ, vào năm ngoái, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận thư đề nghị ông đề cử một ứng viên Việt Nam tham gia xét giải Nobel Văn học. "Chúng tôi mong muốn nhận được bản tường trình về lý do đề cử ứng viên, mặc dù không nhất thiết phải có. Khi xem xét các ứng viên, đề nghị ông hãy quan tâm tới các vấn đề về thể loại, giới và địa lý" - trong thư viết, đồng thời nhấn mạnh phải tuyệt đối giữ bí mật cả người đề cử lẫn ứng viên.
Ngoài ra, những người đủ tiêu chuẩn để gửi đề cử nhưng chưa nhận được thư mời vẫn có thể gửi đề cử. Đặc biệt, không ai được tự đề cử mình. Các mẫu đề cử phải được hoàn thiện và gửi tới Ủy ban Nobel không muộn hơn ngày 31/1.
Thông thường, vào tháng 9 hàng năm, thư mời đề cử sẽ được Ủy ban Nobel gửi tới hàng trăm cá nhân, tổ chức đủ điều kiện để đề cử giải Nobel Văn học.
Xem xét và trao giải
Việc quyết định ai là người đoạt giải Nobel do Viện Hàn lâm Thụy Điển đưa ra. Viện gồm 18 thành viên. Bên cạnh đó, Ủy ban Nobel Văn học là cơ quan đánh giá các đề cử và đưa ra khuyến nghị của mình cho Viện Hàn lâm. Ủy ban này bao gồm 4 đến 5 người.
Sau khi nhận được tên các ứng viên từ những người đủ điều kiện gửi đề cử, Ủy ban sẽ sàng lọc và đệ trình danh sách cho Viện Hàn lâm phê duyệt.
Tới tháng 4, sau khi nghiên cứu sâu hơn, Ủy ban chọn ra 15-20 cái tên để Viện Hàn lâm xem xét làm ứng viên sơ bộ. Đến tháng 5, Ủy ban rút ngắn danh sách xuống còn 5 ứng viênđể Viện Hàn lâm ưu tiên xem xét. Từ tháng 6 tới tháng 8, các thành viên Viện Hàn lâm đọc và đánh giá công trình của các ứng viên trong suốt mùa Hè. Ủy ban Nobel cũng chuẩn bị các báo cáo cá nhân. Đến tháng 9, sau khi đọc tác phẩm của các ứng viên rút gọn, các thành viên Viện Hàn lâm thảo luận về các giá trị mà những ứng viênnày đóng góp.
Người đoạt giải Nobel Văn học sẽ chính thức được công bố vào tháng 10. Người này phải nhận được hơn một nửa phiếu bầu của thành viên Viện Hàn lâm. Tới tháng 12, lễ trao giải Nobel diễn ra tại Stockholm. Người thắng giải Nobel Văn học sẽ nhận giải Nobel của mình, bao gồm huy chương, chứng nhận và tài liệu xác nhận tiền thưởng.
Trong danh sách đề cử Nobel Văn học năm 1972 mới được công bố, có thể thấy 100 tác giả được Ủy ban Nobel sàng lọc và đệ trình cho Viện Hàn lâm. Trong số này, dễ dàng nhận ra một số tên tuổi quen thuộc với độc giải Việt Nam như Saul Bellow (Nobel Văn học năm 1976), tác giả vĩ đại người Argentina Jorge Luis Borges, Heinrich Boll (chính là người đoạt giải Nobel Văn học năm 1972), Friedrich Durrenmatt (tác giả gần đây được xuất bản nhiều tại Việt Nam như Thẩm phán và đao phủ, Án giả), Romain Gary (hai lần đoạt giải Goncourt dưới hai bút danh khác nhau), William Golding (Nobel Văn học năm 1983), Nadine Gordimer (Nobel Văn học năm 1991), Gunther Grass (Nobel Văn học năm 1999), Joseph Heller (tác giả trào phúng nổi tiếng với cuốn Bẫy 22).
Ngoài ra, danh sách này còn có Doris Lessing (Nobel Văn học năm 2007), Andre Malraux (tác giả đoạt giải Goncourt), Eugenio Montale (Nobel Văn học năm 1975), Alberto Moravia (được đề cử 13 trong giai đoạn 1949-1965), V.S. Naipaul (Nobel Văn học năm 2001), nhà thơ lừng danh người Mỹ Ezra Pound, Philip Roth (một trong những tác giả nhận được nhiều giải thưởng nhất thế hệ mình), Claude Simon (Nobel Văn học năm 1985), Patrick White (Nobel Văn học năm 1973), Elie Wiesel (tác giả cuốn Đêm, Nobel Hòa bình năm 1986)…, và đặc biệt là nhà thơ Vũ Hoàng Chương(1915 - 1976)của Việt Nam. Ông được ghi chú là "Förslag av Thang Lang, ordf. i vietnamesiska P.E.N.-klubben, Saigon". Tức là Vũ Hoàng Chương được đề cử bởi Thang Lang, chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam.
Có thể thấy, trong danh sách đề cử, có rất nhiều tác giả sẽ đoạt giải Nobel Văn học vào những năm sau đó (dù có khi là vài chục năm sau) hoặc có những người được đề cử ròng rã trong nhiều năm nhưng vẫn không được chọn. Cần phải nói rằng, chính xác thì tiêu chí chọn người thắng cuộc vẫn chưa bao giờ được Viện Hàn lâm Thụy Điển tiết lộ.
Cần phải nói rằng, chính xác thì tiêu chí chọn người thắng giải Nobel vẫn chưa bao giờ được Viện Hàn lâm Thụy Điển tiết lộ.
Tags