(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách Trên hành trình tự học (NXB Hội Nhà văn - Nhã Nam vừa phát hành) của Rosie Nguyễn đã viết về chủ đề tự học theo một cách rất riêng. Tác giả Ta ba lô trên đất Á đã kể lại quá trình suy ngẫm, chiêm nghiệm và phản tư của mình trên suốt hành trình tự học.
1. Trên hành trình tự học được bắt nguồn từ quãng thời gian khó khăn và lạc lối nhất trong cuộc đời của tác giả Rosie Nguyễn. Quãng năm 2009 - 2010, Rosie Nguyễn ra trường và có một công việc văn phòng ổn định nhưng chị luôn có cảm giác bị bó hẹp và không hạnh phúc. Thay vì tiếp tục sống một cuộc đời sao chép như bao người, Rosie Nguyễn chọn không thỏa hiệp với chính mình.
“Có thể cuộc sống ổn định với một công việc làm trong 10 - 20 năm và có một gia đình đầy đủ, với nhiều người là hài lòng, hạnh phúc. Nhưng với tôi thì khác. Tôi muốn có một cuộc sống khác. Tôi muốn khám phá, tìm hiểu nhiều thứ xung quanh. Tôi không muốn thấy bản thân già đi theo thời gian mà không lớn lên, không phát triển” - chị tâm niệm.
Thời gian đầu trong hành trình tìm kiếm lối thoát để kiến tạo một cuộc sống mới, một cuộc đời hạnh phúc cho bản thân, Rosie Nguyễn bắt đầu đọc sách. Chị đọc sách của học giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cần, sách của Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt. Khi đọc sách của những học giả này, chị cảm thấy xấu hổ khi bản thân có những lỗ hổng kiến thức lớn về mọi mặt. Nhận thức được điều này, Rosie Nguyễn bắt đầu bước vào hành trình tự học.
Coi hành trình tự học là hành trình tự giáo dục để phát triển bản thân, Rosie Nguyễn từ một nhân viên văn phòng trở thành một tác giả sách, một người làm hoạt động phát triển thanh niên và hiện tại là một người làm nghiên cứu. Rosie Nguyễn cho hay, trong tương lai, chị không biết hành trình tự học sẽ đưa chị đến đâu, có thể trở thành một nhà nhân học, một tiểu thuyết gia, và thậm chí chị nói đùa có thể trở thành một tay chơi trống trong một ban nhạc rock nào đó. Sau cùng, “tôi tin rằng khi có kỹ năng tự học tốt sẽ học được những điều bản thân mơ ước và có thể sống được nhiều cuộc đời khác nhau” - Rosie Nguyễn bộc bạch.
2. Từng viết những cuốn sách best-seller như Mình nói gì khi nói về hạnh phúc hay Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu… ấy vậy mà chưa bao giờ Rosie Nguyễn tự đặt mình trong áp lực phải viết một cuốn sách để vượt qua cái bóng của mình. Tâm thế này có lẽ sẽ thấy ngay ở tên của cuốn sách mới.
Thoạt tiên hẳn nhiều người sẽ chẳng mấy ấn tượng với cái tên Trên hành trình tự học. Một tựa sách giản dị, trực tiếp khác hẳn với những tên sách bay bổng trước đây của Rosie Nguyễn. Chị cho hay: “Tôi vẫn là một người đang học, đang đi trên con đường tự học, vẫn luôn và sẽ luôn trên con đường đó đến khi nào rời bỏ cuộc sống này. Đối với tôi, việc tự học không có đích đến, việc đặt tên sách đã thể hiện được tâm thế đó”.
Tiếp nhận một tựa sách về chủ đề tự học, hẳn độc giả sẽ kỳ vọng tìm thấy những phương pháp tự học tốt nhất. Thế nhưng, Trên hành trình tự học lại không có những chỉ dẫn hay phương pháp cho việc tự học hiệu quả. Thay vào đó là những câu chuyện chiêm nghiệm, phản tư trong hành trình tự học của chính tác giả. Thêm nữa là nội dung liên quan đến ý nghĩa cốt lõi của việc tự học, tự giáo dục bản thân.
“Tôi viết cuốn sách này một mặt để cung cấp những thông tin mà tôi cảm thấy hữu ích. Đó những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Mặt khác, tôi mong muốn mở ra một không gian, một diễn đàn, “một khu vườn nho nhỏ” để những người thích học, thích tự học có thể cùng nhau bàn về sự học ở đây” - Rosie Nguyễn nói.
3. Trên hành trình tự học được viết trong nhiều giai đoạn khác nhau. Cuốn sách được chia thành 4 phần chính gồm: Học để biết, Học để làm, Học để chuyển mình, Học để chung sống, ứng với tinh thần về sự học của UNESCO: “Learning to know, learning to do, learning to live together, learning to be”.
Đọc Trên hành trình tự học, hẳn nhiều độc giả thân thiết sẽ bất ngờ khi bắt gặp Rosie Nguyễn trong những góc đời sống khác nhau mà tác giả chưa từng thể hiện ở đâu. Đó có thể là những câu chuyện về sự thất bại nặng nề trong sự nghiệp, cuộc sống. Hay là những khoảnh khắc tác giả trò chuyện với sự giận dữ bên trong mình. Và cũng có thể là những chấn thương tâm lý trong tuổi thơ ảnh hưởng đến khuôn mẫu hành vi khi trưởng thành…
Đề cập đến những câu chuyện tưởng như không mấy liên quan đến việc tự học nhưng qua đó, Rosie Nguyễn lại chủ đích muốn mở rộng định nghĩa của việc tự học.
“Tôi nghĩ rằng tự học vừa để tiếp thu những kiến thức bên ngoài cũng vừa để lắng nghe, làm bạn với nội tâm bên trong mình. Hay nói cách khác, tự học không chỉ là tìm hiểu thế giới bên ngoài mà còn là khám phá thế giới bên trong mình" - chị nhấn mạnh - "Cho nên trên hành trình tự học, tôi nhận thức rõ hơn về bản thân. Từ đó, điều chỉnh bản thân cân bằng với môi trường xung quanh. Suy cho cùng, tự học bao gồm tất cả thứ mà một con người cần để có thể sống tốt hơn, sống có ích hơn và sống tử tế hơn mỗi ngày”.
4. Trên hành trình tự học là cuốn sách thứ 4 mà Rosie Nguyễn viết riêng. Với “đứa con tinh thần” này của mình, chị cảm thấy yêu thích và tự hào nhất. Bởi lẽ chị cho rằng đây là một bước tiến trong hành trình sáng tạo của mình. Nó giống như một viên đá mở đường cho những sáng tác trong tương lai.
Tác giả Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu cho biết: “Trong quá trình tự học, tôi phát hiện ra những lý thuyết về tâm lý, về hành vi, về động lực bản thân hay những kiến giải hữu ích về những vấn đề tôi gặp phải trong cuộc sống. Tôi mong muốn những kiến thức đó được phổ biến rộng rãi hơn bởi đa phần chúng chỉ được biết đến và áp dụng trong giới khoa học. Chính lẽ đó khiến tôi rất muốn viết những cuốn sách bằng từ ngữ đơn giản, dễ hiểu để đưa những kiến thức học thuật chuyên sâu áp dụng vào đời sống thường nhật. Khi chia sẻ lại như vậy, tôi rất hy vọng có thể góp một phần đưa những kiến thức quý giá trong “tháp ngà” khoa học đến cho độc giả phổ thông, giúp họ có những lựa chọn tốt hơn trước thử thách, khó khăn trong đời”.
Trở lại với Trên hành trình tự học, với Rosie Nguyễn, cuốn sách là “trái ngọt” đóng góp vào một thế giới mà chị luôn tin tưởng và mơ ước. “Tôi mơ ước được góp phần xây dựng những cộng đồng học tập nơi mà những người từ nhỏ đến lớn đều hăng say với tinh thần tự học, trau dồi tri thức, trau dồi vốn sống và sự hiểu. Tôi tin rằng, chỉ có tự học và tự giáo dục mới đưa con người đến với những tầng kiến thức xa hơn, những chân trời xa hơn. Mặt khác, tự học còn giúp mỗi người vươn tới những phần tiềm năng cao xa và hiện thực hóa những giấc mơ bên trong mình” - Rosie Nguyễn bày tỏ.
Chị nói thêm: “Đứa con tinh thần này của tôi là một khát khao, khát vọng và là một ước nguyện được đóng góp vào tinh thần học tập suốt đời, đóng góp vào một thế giới đáng sống”. Đó cũng là một tinh thần xác quyết, một niềm tin mãnh liệt đối với việc học mà Rosie Nguyễn thể hiện xuyên suốt trong cuốn Trên hành trình tự học. Chị khẳng định chắc nịch rằng: “Đối với tôi từ chối hiểu biết chẳng khác nào tự đào hố chôn mình. Dù bạn có làm gì thì cũng cần phải học”.
Vài nét về tác giả Rosie Nguyễn Rosie Nguyễn tên thật là Nguyễn Hoàng Nguyên, một tác giả sách và người làm hoạt động phát triển thanh niên. Hiện cô đang theo học chương trình thạc sĩ nghiên cứu truyền thông ở Đại học Wisconsin Madison, theo chương trình học bổng Fulbright của chính phủ Hoa Kỳ. Các tác phẩm đã xuất bản: Ta ba lô trên đất Á, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Mình nói gì khi nói về hạnh phúc. |
Công Bắc
Tags