"Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ", đây là chủ đề Hội thảo do Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức sáng 29/1.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, tác hại của việc sử dụng rượu, bia là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông và làm gia tăng các vấn đề xã hội. Qua 4 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Lĩnh vực trật tự an toàn giao thông là một trong những lĩnh vực đầu tiên triển khai thực hiện Luật này, bằng Nghị định 100/2020/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, với việc nâng cao mức phạt tiền và thời gian tước giấy phép lái xe đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có nồng độ cồn.
Ngay từ khi có hiệu lực, Nghị định 100 đã tạo được hiệu ứng, lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã đồng loạt thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ"; qua đó bước đầu đã hình thành thói quen của người tham gia giao thông "đã uống rượu, bia không lái xe".
Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh chỉ ra rằng, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn. Cá biệt vẫn xuất hiện những vụ tai nạn liên hoàn, làm chết và bị thương nhiều người, gây tai nạn rồi bỏ chạy, chống lại người thi hành công vụ…, xuất phát từ nguyên nhân người lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể.
"Loại bỏ những nếp nghĩ cũ, thói quen xấu, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia là điều rất cần thiết. Đây là tiền đề để hình thành thói quen tốt của người tham gia giao thông và tiến tới xây dựng văn hóa giao thông", Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nói.
Báo cáo đề dẫn, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia). Đối tượng thường sử dụng rượu, bia rất đa dạng, có đủ các thành phần trong xã hội từ nông dân, công nhân, công chức, trí thức…
Đáng chú ý, tỷ lệ người đã từng sử dụng rượu, bia ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên và nữ giới ở nước ta đang tăng nhanh và ở mức rất cao. Một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức hết về tác hại của rượu, bia đến sức khỏe cũng như những ảnh hưởng liên quan của nó đến môi trường sống, kinh tế - xã hội, ý thức chấp hành pháp luật về rượu, bia trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai, thực hiện.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Dù đã biết quy định này nhưng một bộ phận người điều khiển phương tiện vẫn coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của bản thân và người khác, cố tình vi phạm, hậu quả là những vụ tai nạn giao thông hết sức thương tâm.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật dẫn chứng, năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 770.679 trường hợp người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Trung bình mỗi ngày Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Gần đây nhất, trong 15 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Giáp Thìn 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 40.806 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trung bình mỗi ngày xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm).
"Nguyên nhân chủ yếu là do hiểu biết của người dân về các tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và đời sống còn chưa đầy đủ, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, do việc tiếp cận với thông tin về mối nguy cơ này còn hạn chế; do phong tục, tập quán, nếp sống gắn liền với bia, rượu", Đại tá Nguyễn Quang Nhật đánh giá.
Ngoài tác hại đến sức khỏe, lạm dụng rượu, bia còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như: bạo lực cá nhân, mất trật tự an toàn xã hội, phân hóa xã hội và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội do liên quan đến các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác.
Con số đáng chú ý được Đại tá này đưa ra là, ở Việt Nam hiện nay, chi phí kinh tế cho tiêu thụ bia tương đương gần 3,4 tỷ USD, ước tính gần bằng 3% số thu ngân sách của cả nước (chưa kể đến chi phí gián tiếp). Theo thống kê, điều tra xã hội học đối với 45.661 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an thì có 51,33% phạm nhân trước khi phạm tội có sử dụng rượu, bia. Từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, toàn quốc xảy ra 5.883 vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia (chiếm 17,43 % về tổng số vụ), làm chết 3.427 người, bị thương 4.327 người.
Từ các cơ sở khoa học, thực tiễn đánh giá tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là tác hại rượu, bia đến an toàn giao thông đường bộ, trật tự, an toàn xã hội, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, trong đó có việc hoàn thiện dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Nhiều ý kiến đề nghị cần tăng nặng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Từ phía Tổ chức Y tế thế giới, bà Dương Khánh Vân nêu một số kinh nghiệm của các nước cùng các khuyến nghị như quy định giới hạn về nồng độ cồn trong máu, hạn chế trong việc cấp giấy phép lái xe, sàng lọc người uống rượu, bia khi lái xe thông qua kiểm tra hơi thở người lái xe trên đường, quản lý người vi phạm (khóa bộ phận đánh lửa của xe khi phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở của người lái, cai nghiện rượu bia).
Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất, trong quản lý hành vi vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, nên tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó đa dạng hóa hình thức xử phạt như: trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo bằng, tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, tạm giữ xe và nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù…
Theo ông, các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cho Điều 260, khoản 4 Bộ luật Hình sự (khuyến cáo áp dụng với mức nồng độ cồn trong máu cao hơn 240mg/100ml máu), cần xem xét truy tố trách nhiệm hình sự với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả khi chủ thể chưa gây hậu quả, vì bản chất hành vi này đe dọa nghiêm trọng tới an toàn tính mạng của người khác. Mức phạt hành chính nên được điều chỉnh tăng theo mức độ vi phạm.
Tags