Từ thành công trong những năm gần đây, cầu thủ trẻ Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn nếu như được trao cơ hội ra sân nhiều hơn ở các giải đấu trong nước.
1. Rõ ràng các cầu thủ trẻ nước nhà đã chứng minh tiềm năng ở các giải đấu U23 châu Á, U22 Đông Nam Á và SEA Games. Nhưng để phát triển tiềm năng ấy ra sao còn phụ thuộc vào chiến lược của VFF cùng sự chung tay của các CLB. Bởi nhìn trên bình diện các giải quốc nội như V-League hạng Nhất, nhiều nhân tố trẻ trong các đội hình U22, U23 hiện nay nói riêng hay cầu thủ trẻ nói chung chưa có nhiều cơ hội ra được đá chính ở CLB chủ quản. Không phải mặc định các cầu thủ chơi tốt, nổi danh ở những giải trẻ thì họ thăng tiến trong tương lai. Tuy nhiên, với người trẻ, họ cần được ra sân nhiều hơn để rèn giũa, tích lũy.
Bóng đá trẻ như “cái nôi” của bóng đá nước nhà. Bóng đá trẻ có mạnh, có được một hệ thống thi đấu ổn định, khoa học thì bóng đá đỉnh cao, thông qua V-League, các ĐTQG và U23 mới phát triển và tiến bộ. Thế nhưng bóng đá trẻ của chúng ta hiện nay chưa được quy hoạch một hệ thống thi đấu xuyên suốt quanh năm mà chỉ tập trung ở vài thời điểm nhất định nên chưa thể hình thành môi trường vững vàng cho các CLB cũng như ĐTQG.
Nhìn vào hệ thống bóng đá trẻ Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập. Trong khi đó, với V-League hay giải hạng Nhất, các cầu thủ trẻ được ra sân thường xuyên cũng không nhiều. Thậm chí, nếu có cầu thủ trẻ nào đó tìm được suất đá chính ở CLB, được ra sân đều đặn ở V-League chẳng hạn cũng chỉ có thể đá trên 25 trận/năm. Vậy nên, rất nhiều ý kiến mong muốn nhìn thấy cầu thủ trẻ nước nhà được thi đấu nhiều hơn nữa trong thời gian đến. Cụ thể cần tổ chức một giải đấu trẻ song hành với V-League.Ở nhiều giải đấu hàng đầu thế giới như Premier League chẳng hạn, cách làm này đã được thực hiện từ lâu. Từ đó, các đội bóng sẽ biết được phong độ, năng lực của cầu thủ trẻ đến đâu để sử dụng họ.
Sau VCK U23 châu Á, các cầu thủ trẻ trở về CLB, họ phải nỗ lực tìm kiếm chỗ đứng. Đồng thời từ này gần đến cuối năm họ không còn giải đấu nào cấp độ U23 nữa. Trong khi đó không có quy chế nào để ràng buộc các CLB phải sử dụng họ ở V-League hay hạng Nhất. Cùng với đó, áp lực thành tích luôn khiến các HLV "chùn tay" trong việc đặt niềm tin vào nhân tố trẻ. Từ đó, sẽ thấy, việc đề xuất tổ chức một giải đấu trẻ song hành cùng V-League cần được VFF, VPF cùng các CLB ngồi lại bàn bạc cùng nhau. Tổ chức giải đấu song hành như thế không phải là sự đối phó hay chỉ mang tính gượng ép. Quan trọng, bóng đá nước nhà cần nhìn được lợi ích từ giải đấu như thế mang lại.
2. Không chỉ tổ chức một giải đấu dành cho cầu thủ trẻ song hành cùng V-League hay hạng Nhất. Một trong những vấn đề mà bóng đá Việt Nam cần cải tổ trong thời gian tới là thay đổi phương thức thi đấu của các giải trẻ QG. Hiện nay, hàng năm chúng ta vẫn đều đặn tổ chức các giải U15, U17, U19, U21. Tuy nhiên, với phương thức thi đấu như hiện nay (chia nhỏ các bảng đá vòng loại, rồi sau đó là tổ chức VCK diễn ra trong khoảng thời gian chừng 15 ngày). Như vậy, nếu tính cả vòng loại lẫn VCK, các cầu thủ trẻ chỉ được thi đấu khoảng trên dưới 10 trận/1 năm rồi hết. Thời gian còn lại chủ yếu tập “chay” hoặc cùng lắm đá giao hữu. Rõ ràng, một con số quá ít để các cầu thủ có thể tăng cường cọ xát, nâng cao kinh nghiệm, bản lĩnh. Nhiều quốc gia có nền bóng đá phát triển trên thế giới có hẳn một giải vô địch trẻ riêng để tranh tài trong suốt cả năm. Chẳng hạn như giải U21 Premier League của nước Anh được tổ chức thi đấu song song với hệ thống thi đấu của đội hình chính nhằm tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội để thể hiện mình.
Tựu trung, bóng đá trẻ nước nhà có nhiều tiềm năng để phát triển cả chất lẫn lượng. Tiếc rằng chúng ta chưa “đánh thức” được nguồn lực lớn như thế. Hy vọng với những “đề bài” đang đặt ra, những nhà làm bóng đá nước nhà sẽ xoắn tay nhau để tìm thêm giải pháp giúp bóng đá Việt Nam không đi chệch hướng khi 5 năm qua đã lập được nhiều kỳ tích.
Trần Tuấn
Tags