Qua thảo luận, cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên cơ sở Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
* Cần thiết ban hành luật
Tán thành về sự cần thiết ban hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh: Pháp lệnh hiện hành có nhiều nội dung hạn chế quyền cơ bản của công dân như quy định cấm cá nhân sở hữu vũ khí (hạn chế quyền sở hữu); quy định sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ (liên quan trực tiếp đến quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân); quy định về nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân).
Do đó, việc xây dựng dự án Luật không chỉ nhằm thi hành Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà còn khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thi hành Pháp lệnh hiện hành sau 4 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, dẫn đến tình hình vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong khai thác khoáng sản, đánh bắt hải sản, buôn bán phế liệu khó kiểm soát, các vụ việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng; nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hiện nay, nhiều đạo luật có quy định việc trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nhưng quy định của pháp luật về thẩm quyền quản lý, sử dụng mới chỉ do văn bản dưới luật quy định.
Vận động người dân giao nộp vũ khí ở Sơn La. Ảnh: TTXVN
Trình bày Tờ trình, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là những loại phương tiện đặc biệt, có liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo đảm phát huy vai trò, tác dụng của vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong việc bảo đảm an ninh trật tự, ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn thi hành về vấn đề này. Chuyển sang thời kỳ đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có những thay đổi căn bản, nhiều quy định trước đây về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không còn phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 30/6/2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tiếp đó ngày 12/7/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Pháp lệnh).
Sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh, công tác quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo số liệu thống kê từ năm 2012 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã trang bị 337.439 loại vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định; cấp 321.609 giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các cơ quan chức năng đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 7.650 vụ, 6.116 đối tượng; truy tố 2.964 vụ, xét xử 1.920 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 2.603 trường hợp; thu giữ 1.897 khẩu súng các loại, 22.264 kg thuốc nổ, 100.969 kíp nổ... Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới. "Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, việc xây dựng Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cần thiết", Thứ trưởng Bùi Văn Nam nêu rõ.
Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 Chương, 75 Điều.
* Một số nội dung còn ý kiến khác nhau
Góp ý về sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính cụ thể của dự thảo Luật, các ý kiến đều cho rằng: Dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến các luật khác như: Luật An ninh - Quốc phòng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hóa chất, Bộ luật Hình sự… do đó cần rà soát mang tính chặt chẽ, thống nhất. Dự thảo Luật cũng còn nhiều dẫn chứng sai quy định của luật khác; một số điều còn quy định chung chung. Để bảo đảm tính khả thi, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát cụ thể ngay trong Luật, nhất là đối với các quy định đã được thi hành trong thực tiễn.
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật như Chính phủ trình và cho rằng: Những nội dung cơ bản trong dự thảo Luật đã được áp dụng trong thực tiễn theo quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất là tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ, đề nghị Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không nên điều chỉnh đối với hai loại này vì cơ chế quản lý, mục đích sử dụng và đối tượng sử dụng khác với vũ khí, công cụ hỗ trợ. Mặt khác, tiền chất thuốc nổ đã được Luật Hóa chất điều chỉnh.
Liên quan đến đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, nhiều ý kiến cho rằng: Trong các đối tượng được trang bị gồm cả lực lượng điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đã là cơ quan điều tra trực tiếp, trực diện với tội phạm nguy hiểm và để bảo đảm trong việc thực thi nghiệp vụ điều tra thì nên trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan điều tra của ngành Kiểm sát.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: TTXVN
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, đã là lực lượng điều tra chuyên trách thì phải được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; trong việc chống tội phạm không nên đặt lực lượng nào quan trọng hơn lực lượng nào.
Về vấn đề trên, n hiều ý kiến tán thành với dự thảo Luật nhưng đề nghị rà soát cụ thể các quy định, trình tự trang bị, quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ. Việc trang bị phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhu cầu thực tế trong công tác; làm rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, để hạn chế việc lợi dụng, xảy ra các vi phạm không cần thiết. Một số ý kiến đề nghị rà soát lại các quy định hiện hành, nghiên cứu quy định trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng Cảnh sát biển, Cơ yếu, Kiểm ngư, Công an xã...
Đối với quy định nổ súng (Điều 21), cơ bản các ý kiến tán thành và cho rằng: Quy định nổ súng như trong dự thảo Luật đã được nghiên cứu, làm rõ, trong đó đã tách rõ các trường hợp nổ súng sau khi cảnh báo và các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần rà soát, cụ thể hơn nữa các trường hợp được nổ súng để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng, nhưng cũng phải tạo điều kiện các đơn vị chức năng chủ động trong việc chế áp tội phạm. Vấn đề này, có ý kiến đề nghị làm rõ việc nổ súng của cảnh vệ sẽ được quy định trong Luật này hay Luật Cảnh vệ; quy định nổ súng trong một số trường hợp đặc biệt như trên biển, trên tàu bay, trong huấn luyện, thi đấu thể thao…
Tăng cường quản lý vũ khí ở Quảng Bình. Ảnh: TTXVN
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, cần đưa tất cả các trường hợp được nổ súng khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia vào Điều 21 của Luật và không quy định trong các luật khác. Bởi việc nổ súng là vấn đề rất hệ trọng liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Đồng thời, Luật này cũng quy định về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ rất chặt chẽ.
Theo chương trình, thứ hai (ngày 19/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật du lịch (sửa đổi) và việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Tags