Cảnh báo về tình trạng nô lệ hiện đại và lao động cưỡng bức tại châu Phi

Thứ Bảy, 08/10/2022 07:45 GMT+7

Google News

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn báo cáo mới đây của các cơ quan Liên hợp quốc cho thấy cứ 1.000 người ở châu Phi thì có 29 người phải làm lao động cưỡng bức trong năm 2021 và hầu hết trong số họ là trẻ em và phụ nữ.

Khoảng 50 triệu người trên thế giới là 'nô lệ thời hiện đại'

Khoảng 50 triệu người trên thế giới là 'nô lệ thời hiện đại'

Trong vòng 5 năm, số nạn nhân bị cưỡng ép kết hôn hoặc lao động đã tăng thêm gần 10 triệu người lên khoảng 50 triệu người. Số liệu này được công bố ngày 12/9 trong báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế về tình trạng nô lệ thời hiện đại.

Theo báo cáo "Các ước tính toàn cầu về nô lệ hiện đại: Lao động cưỡng bức và hôn nhân cưỡng bức" do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và tổ chức Walk Free phối hợp công bố, tỷ lệ nô lệ ở khu vực châu Phi là 2,9% trên 1.000 người, thấp hơn so với các quốc gia Arab (5,3%), châu Âu và Trung Á (4,4%), châu Mỹ, châu Á và Thái Bình Dương (cùng là 3,5%).

Tuy nhiên, báo cáo cho biết có tới 3,8 triệu người ở châu Phi đang phải lao động cưỡng bức, chiếm 14% tỷ lệ toàn cầu.

Chú thích ảnh
Nguồn: UN

Những thực tế trên được cho là do tác động của đại dịch COVID-19 cùng với các chấn động về kinh tế và việc làm khiến tình trạng đói nghèo gia tăng và đẩy hàng triệu người lao động trên thế giới rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương hơn.

Báo cáo cũng lưu ý rằng ngày càng có nhiều trẻ em bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại ở các khu vực xung đột tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Nam Sudan, Sudan, Mali và Cộng hòa Trung Phi. Ngoài ra, ở một số vùng tại châu Phi đang tồn tại những hệ thống ràng buộc trong gia đình liên quan đến trẻ em.

Đơn cử như ở Benin và Togo, một bộ phận các gia đình nghèo thường gửi con em đến hầu hạ trong những gia đình giàu có hơn. Kết quả là nhiều trẻ từ 3-15 tuổi đã bị bán làm nô lệ. Trong khi đó tại Mali và Mauritania, mặc dù đã có một số cuộc vận động nhằm chấm dứt chế độ nô lệ trẻ em nhưng tỷ lệ này vẫn còn tương đối cao trong một số ngành nghề truyền thống như chăn nuôi gia súc, điền dã và làm việc nhà.

Cũng theo báo báo, ở vùng Sahel gồm các nước Burkina Faso, Cameroon, Chad, Gambia, Guinea, Mauritania, Mali, Niger, Nigeria và Senegal, trẻ em đi ăn xin cũng là một vấn đề nhức nhối. Ngoài ra, còn có vấn đề tuyển mộ binh lính trẻ em tại các khu vực điểm nóng xung đột như ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Mali, Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Sudan.

Hồng Minh/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›