(Thethaovanhoa.vn) - Trong clip hé lộ phần phim chưa lên sóng, Phượng trong tâm trạng bấn loạn về chuyện tình ngang trái với anh trai, đã bị điện giật từ cột thu lôi. Trên phim cảnh này chỉ diễn ra chỉ khoảng 1 phút thì tại hiện trường, ê kíp gần như thức trắng 4 đêm để thực hiện.
VIDEO: Cảnh bi đỉnh nhất Tiếng sét trong mưa: Trên phim chỉ 1 phút, ekip thức trắng 4 đêm ghi hình
>> Link xem Tiếng sét trong mưa tập 40 lúc 20h tối thứ Năm 17/10 trên kênh THVL1:
https://www.thvli.vn/live/thvl1-hd/aab94d1f-44e1-4992-8633-6d46da08db42
http://hplus.com.vn/xem-kenh-thvl1-truyen-hinh-vinh-long-1-899.html
>> Link xem trọn bộ phim Tiếng sét trong mưa trên THVLi:
https://www.thvli.vn/phim-viet-nam
https://www.thvli.vn/detail/tieng-set-trong-mua
Cảnh phim dự đoán sẽ xuất hiện trong những tập cuối của Tiếng sét trong mưa (dài 54 tập). Phượng đau khổ khi biết mình vướng chuyện tình ngang trái với người anh trai Thanh Bình. Trong tâm trạng bấn loạn, cô chạy ào ra sân trong cơn mưa tầm tã, bị điện giật từ cột thu lôi văng người ra xa.
- Tiếng sét trong mưa: Hạnh Nhi dọa giết người con gái của Thanh Bình
- Đạo diễn Nguyễn Phương Điền: Tiếng sét trong mưa không dùng cảnh nóng để câu khách
- Tiếng sét trong mưa: Thêm những cuộc tình oan nghiệt, yêu trong vô vọng
Trước thảm cảnh của người mình yêu, Ba Xuân cũng uất nghẹn chạy ào theo ôm chầm người yêu trong cơn đau khổ để cuối cùng chịu chung số phận “điện giật” từ cột thu lôi trước nhà.
Cảnh phim mang tính biểu tượng, đúng như tên phim - Tiếng sét trong mưa. Những con người trong phim như Khải Duy, Thị Bình, Thanh Bình, Ba Xuân, Phượng… gặp tiếng sét tình yêu nhưng họ cũng phải chịu tiếng sét của số phận, oan nghiệt cuộc đời mà họ không ngờ tới.
Theo đạo diễn Nguyễn Phương Điền, đây được xem là cảnh bi đỉnh nhất của câu chuyện nên toàn bộ ekip phải tập trung toàn bộ nhân lực nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất cho những cảnh quay. Nếu trên phim, cảnh này chỉ diễn ra chưa đầy 1 phút thì tại hiện trường, toàn bộ ê kíp đã gần như thức trắng 4 đêm để lo cho cảnh quay này.
Ngày nào đoàn phim cũng chuẩn bị từ 3 giờ chiều, rồi thu hình đến 3 giờ sáng… Bốn máy phun nước để làm mưa, cộng với gió từ những chiếc quạt khổng lồ, rồi ngay cả tiếng sét đánh vào cột thu lôi trước cửa nhà khiến bộ phận kỹ xảo phải có mặt ở hiện trường để tính toán từng khung hình.
Các diễn viên Oanh Kiều (Phượng), Bạch Công Khanh (Ba Xuân) đã phải nhập vai đến tận cùng cảm xúc của sự đau khổ của nhân vật.
Riêng NSƯT Thanh Nam (ông Quý), với phân đoạn này, chỉ riêng việc anh khóc và hét trong hoàn cảnh bi thương, đã khiến anh khàn cả giọng khi chứng kiến “hai đứa nhỏ” rơi vào hoàn cảnh quá thương tâm…
Vì sao Tiếng sét trong mưa gây sốt?
Chuyển thể gián tiếp từ vở kịch nói kinh điển Lôi vũ (1933) của Tào Ngu, phim truyền hình Tiếng sét trong mưa (kịch bản: Phạm Hạ Thu, đạo diễn: Nguyễn Phương Điền, 54 tập trên THVL1) đang tạo nên một cơn sốt đặc biệt với khán giả phía Nam.
Đưa bối cảnh còn đậm chất phong kiến ở Trung Quốc vào câu chuyện thời phong kiến - thực dân tại Nam Bộ ở Việt Nam là việc rất khó và cũng rất đáng khích lệ. Để rồi, cả đạo diễn và ê-kíp đều khá thành công với lựa chọn của mình.
“Tam sao” không… “thất bản”
Gọi là chuyển thể gián tiếp, vì Tiếng sét trong mưa không “uống nước tận nguồn” từ nguyên tác của Tào Ngu, mà phóng tác theo vở cải lương Lôi vũ, vốn do hai soạn giả Thế Anh - Thế Châu chuyển soạn từ kịch bản của Hồng Căn hồi 1985. Có thể nói kịch bản phim là một dạng “tam sao thất bản”, nhưng nhờ vậy mà ít bị lệ thuộc, có thể thêm bớt nhân vật, biến hóa câu chuyện và lột xác về văn hóa.
“Khi làm phim Tiếng sét trong mưa từ một câu chuyện rất nổi tiếng của kịch tác gia Tào Ngu, tôi cứ đắn đo mãi vì lo sợ ảnh hưởng văn hóa của họ. Tôi cùng biên kịch Phạm Hạ Thu đã có những trao đổi cởi mở để làm sao kịch bản chuyển thể phải là chính mình, kịch bản gốc chỉ còn là cái cớ, là cảm hứng để kể câu chuyện Nam Bộ trước năm 1945” - đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết.
Tiếng sét trong mưa không chỉ là chuyện tình, là chuyện đời của Thị Bình (do Nhật Kim Anh thủ vai) và Khải Duy (Cao Minh Đạt), mà còn là câu chuyện của Nam Bộ thời phong kiến - thực dân trước 1945. Phim đi từ chuyện những tá điền cam phận đến những mâu thuẫn giai cấp và ý thức hệ, để cuối cùng là câu chuyện Nam Kỳ khởi nghĩa.
Để có thể tái hiện được những hình ảnh ngày xưa, với kinh phí rất giới hạn của phim truyền hình, đoàn phim Tiếng sét trong mưa phải mất rất nhiều thời gian trong việc chọn cảnh và thiết kế hiện trường sao cho “ngó tàm tạm được” - chữ của Nguyễn Phương Điền.
Họ đã đi qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai… để khảo sát hơn 100 ngôi nhà xưa, với mong muốn có thể tìm được một căn hợp với bối cảnh giàu sang của gia đình Khải Duy. Căn nhà này cũng phải chưa hoặc ít xuất hiện trên các phim trước đó, đặc biệt là phim truyền hình, để khán giả khỏi bị quen mắt.
Với 54 tập phim Tiếng sét trong mưa về bối cảnh trước năm 1945, nhưng kinh phí chỉ gần 10 tỷ đồng, chứng tỏ nhà sản xuất và ê-kíp đã rất “thắt lưng buộc bụng”. Xem phim, nếu ở trong nghề thì khó hình dung họ có thể làm được điều này, quả là kỳ diệu.
“Việt hóa” nhuần nhuyễn và thu hút
Trong cuộc họp báo ra mắt phim Tiếng sét trong mưa, nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên cho biết: “Là người làm kinh doanh, đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình lại bỏ nhiều tiền như vậy. Quá trình làm cũng rất vất vả, kể cả khi chọn kịch bản cũng rất khó khăn. Nhưng tôi xác định nó là nghề, không đơn thuần là kinh doanh. Ngay cả khi lợi nhuận của phim thậm chí không bằng bỏ vốn vào ngân hàng, nhưng tôi vẫn chấp nhận. Thực tế, nếu yêu cầu đài truyền hình trả nhiều hơn cũng làm khó cho đài”.
Như lời kể, sau hai năm sản xuất, với gần 10 tỷ đồng bỏ ra, họ lãi chưa được 1 tỷ đồng, khá thấp, nhưng vẫn chấp nhận phiêu lưu để có được một Tiếng sét trong mưa… coi được.
Làm Tiếng sét trong mưa, ê-kíp phim còn gặp một khó khăn gián tiếp, đó là vở kịch Lôi vũ (đạo diễn: Hoa Hạ) từng làm mưa làm gió trên sân khấu Kịch 5B từ 1986. Những cách nhập vai của Việt Anh (nhân vật Chu Phác Viên), Hồng Vân (Thị Bình), Thành Lộc (Chu Xung), Minh Trang (Phồn Y), Hữu Châu (Lỗ Quý)… đã trở thành những vai diễn để đời, đi vào lịch sử sân khấu Việt Nam.
Nguyễn Phương Điền cho biết cái bóng từ kịch nói và cải lương đã ăn sâu vào tâm khảm của anh, nay muốn lột xác để câu chuyện thuần Việt và nhuần nhị, quả là không đơn giản.
Chưa nói, nghĩa của Lôi vũ là “giông tố”, nhưng các soạn giả không chọn vì Vũ Trọng Phụng đã quá nổi tiếng với tiểu thuyết Giông tố, xuất bản thành sách từ năm 1936. Trước đó, khi đăng trên tờ Hà Nội báo, tiểu thuyết này có tên Thị Mịch, mà xét về cuộc đời thì Thị Mịch và Thị Bình trong Lôi vũ có nhiều nét tương đồng. Đạo diễn cho biết cũng vì lý do kinh phí và văn hóa của bản thân, nên khi làm Tiếng sét trong mưa, anh đưa hết câu chuyện về Nam Bộ, để bớt chịu ảnh hưởng. “Thoát xác trước hai nguồn cảm hứng lớn này thật không đơn giản” - Nguyễn Phương Điền nói.
Năm 1997, phim truyền hình Đất phương Nam (đạo diễn: Nguyễn Vinh Sơn, 11 tập) lên sóng, tạo một dấu ấn khó khai mờ trong lòng người xem. Sau cũng có một số phim truyền hình khai thác tương đối thành công chủ đề Nam Bộ trước 1945. Với lượng người xem rất cao như hiện nay, nhiều người đang hy vọng Tiếng sét trong mưa sẽ nối gót Đất phương Nam để tạo ra một dấu ấn mới.
Mi Mi (Tổng hợp)
Tags