'Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn' - Một Sài Gòn rất khác của Phạm Công Tâm

Thứ Năm, 06/02/2020 19:43 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Do Phương Nam Book và NXB Thế giới ấn hành, tập sách Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn của Phạm Công Tâm dùng tranh và ký họa để kể chuyện về đô thị lớn nhất nước bằng cái nhìn nhẩn nha, riêng tư.

Tuần lễ sách kỷ niệm 320 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh

Tuần lễ sách kỷ niệm 320 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh

Chào mừng 320 năm thành lập Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh (1698 – 2018), sáng 30/11, tại Đường Sách thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các nhà xuất bản, công ty sách tổ chức khai mạc Tuần lễ sách, giới thiệu nhiều cuốn sách đề cập về sự hình thành và phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh trong hơn 3 thế kỷ qua.

Chuẩn bị bước vào tuổi 65, Phạm Công Tâm sinh ra và lớn lên ở Phú Nhuận, nên với cuốn sách này anh cũng vẽ kiểu “vết dầu loang” từ quê nhà Phú Nhuận ra Sài Gòn, rồi vào Chợ Lớn.

Một “tự họa” về cảnh vật

Từ hơn 300 bức vẽ, Phạm Công Tâm chọn ra khoảng 200 bức để cấu thành cuốn sách, với hai phần khác nhau là Sài Gòn và Chợ Lớn. Với những người ở xa hoặc còn ít thông tin thì TP.HCM là “nguyên một khối”. Thật ra, với những cư dân lâu đời nơi đây thì thành phố này có nhiều nét khác nhau theo từng khu vực, Sài Gòn khác Chợ Lớn, khác Gia Định, chi tiết hơn, Phú Nhuận khác Bến Nghé, khác Tân Bình…

Chú thích ảnh
Họa sĩ Phạm Công Tâm. Ảnh: Nga Phạm

Phạm Công Tâm cho biết: “Thành phố có rất nhiều địa điểm để có thể vẽ, nhưng tôi không phải là nhà nghiên cứu nên không thể lựa chọn nơi nào tốt nhất hoặc tiêu biểu nhất. Trước mắt tôi chọn những nơi thân quen mình đã và đang sinh sống, đi lại nhiều lần. Sau đó là những địa danh nổi tiếng có sẵn trong ký ức, có khi đột nhiên nhìn thấy và ghi lại. Cuối cùng là những điểm thuận tiện để có thể ngồi vẽ an toàn và thoải mái”.

Chú thích ảnh
Tập sách “Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn” phát hành dịp Tết 2020

Bên cạnh những ấn tượng và kỷ niệm riêng, cuốn sách hiển nhiên cũng có những hình ảnh phổ quát, những biểu tượng của Sài Gòn - Chợ Lớn. So về kỹ thuật vẽ, có thể Phạm Công Tâm chưa sắc sảo, xuất thần bằng 5-6 họa sĩ từng vẽ và ra sách về thành phố này. Thế nhưng về sự đặc tả, “cận nhân tình” thì Phạm Công Tâm ưu trội hơn về sự dung dị, tình cảm.

Chú thích ảnh
Một góc đường Nguyễn Huệ hôm nay

Cũng là các biểu tượng nơi trung tâm Sài Gòn, cũng là đường Nguyễn Huệ, hồ Con Rùa, Thảo Cầm Viên, Lăng Ông - Bà Chiểu, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, chợ Bình Tây, bến nước Bình Đông… nhiều người đã biết, nhưng họa sĩ cho thêm vào đó cảm giác thân thuộc, xem tranh như đang đi trên chính quê nhà. Phạm Công Tâm đặc tả như không có nhiều khoảng cách với đối tượng, nên nhiều bức vẽ như một dạng “tự họa” của chính cảnh vật, một cách “tự sướng”, dù người tự chụp không “chường mặt” ra.

Chú thích ảnh
Thời trẻ nhỏ, chợ Bình Tây là nơi mà Phạm Công Tâm thích được cha mẹ dẫn đến

“Sinh ra và lớn lên ở đây nên tôi quen thuộc mọi ngóc ngách, hiểu biết nhiều về những sinh hoạt của người Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn. Điều này giúp tôi có thể chọn lựa những yếu tố thuận lợi nhất để ưu tiên đặc tả trước” - Phạm Công Tâm nói thêm – “Từ lâu nay tôi chọn màu nước làm phương tiện sáng tác chính. Trong ký họa, chất liệu màu nước cũng là yếu tố quan trọng để thể hiện nhanh và đẹp một bức vẽ. Cuộc sống của tôi khá đơn giản, không có nhiều nhu cầu, nên có thể tập trung nhiều cho quyển sách này.”

Chú thích ảnh
Minh Hương là ngôi đình đầu tiên do cộng đồng người Hoa lập ra ở làng Minh Hương, tiền thân của vùng Chợ Lớn sau này

Vẫn còn những đề tài hấp dẫn

Hỏi Phạm Công Tâm khi vẽ thì điều gì là khó nhất? Anh trả lời: “Khó nhất là việc sắp xếp nội dung sách sao cho phù hợp với từng phân đoạn và hợp lý để dẫn dắt người xem từ đầu đến cuối. Khi nhập cuộc tôi mới nhận ra rằng vẽ từng bức tranh rất khác việc vẽ để kể một câu chuyện về thành phố”.

Anh nói thêm: “Khi vẽ, việc chọn vị trí ngồi để có góc đẹp không hề dễ dàng, vì cả rừng người và xe cộ chung quanh. Nắng gắt và mưa cũng làm giới hạn tiến độ công việc. Rồi suy nghĩ rằng làm một cuốn sách như vậy có được mọi người chấp nhận không cũng thường xuyên xuất hiện, làm chậm tiến độ công việc, có khi làm gián đoạn việc làm sách một thời gian”.

Chú thích ảnh
Xe mì - một hình ảnh thân thuộc và đặc trưng của Chợ Lớn

Còn khi hỏi anh có tiếp tục vẽ về thành phố quê nhà không? Phạm Công Tâm đáp: “Nếu tiếp tục thì còn rất nhiều thứ để vẽ, dù sao cuốn sách vừa ra cũng chỉ ghi nhận được phần nào vẻ đẹp và đặc trưng chung. Có thể tôi sẽ đi sâu vào những lát cắt của đời sống đô thị, ví dụ như về cuộc sống về một cộng đồng dân cư có đặc thù riêng, hoặc về hoạt động của từng ngành nghề. Mảng lễ hội, kiến trúc cũng là những đề tài hấp dẫn khi thể hiện qua tranh và ký họa, hoặc những khu đô thị mới cũng khiến tôi quan tâm”.

Phạm Công Tâm tự học vẽ, năm 13 tuổi đã đoạt giải tại một cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi ở Sài Gòn. Trong sáng tác, anh dùng được sơn dầu, sơn mài, nhưng thế mạnh vẫn là màu nước. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›