Cao Khải An: Cậu bé rong chơi trong thế giới người già

Thứ Ba, 16/02/2021 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Cao Khải An là cái tên lạ lẫm, lần đầu tiên được biết đến rộng rãi qua Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn 2020. Cậu bé 12 tuổi ở Cà Mau này vụt sáng như một thần đồng với bản thảo tập truyện dài có cái tựa đề rất lơ tơ mơ “Chuyện của Bắp ăn mơ và Xóm Đồi rơm” (đoạt 1 trong 4 giải Khát vọng Dế Mèn).

Con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt sách là tác phẩm giành Giải Dế mèn

Con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt sách là tác phẩm giành Giải Dế mèn

NXB Kim Đồng vừa ra mắt tập truyện Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm của tác giả Cao Khải An (12 tuổi) - con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Cũng phải thôi, Khải An như một “tay mơ” bước vào làng văn. Như lời kể của cậu, vào những ngày nghỉ học do dịch bệnh Covid-19, cậu đã lục tung chiếc tủ sách của gia đình đọc những quyển mà mình nghĩ rằng nó đáng đọc. Đọc liên miên cho đến khi nảy ra ý định viết ra những câu chuyện đang diễu hành trong đầu mình. “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm” cũng là tác phẩm đầu tay của cậu.

Nhưng xét ra, không có cái gì tự nhiên đến, Cao Khải An là con trai nhà văn “Cánh đồng bất tận” Nguyễn Ngọc Tư, hẳn đã được thừa hưởng nguồn gen quý từ mẹ, đồng thời được sống trong không khí thấm đẫm văn chương từ nhà ông ngoại cũng gần đó. 

Thân thiết với gia đình Cao Khải An, nhà văn Tâm Viên tiếp tục có viết về cậu bé giai đoạn “hậu giải Dế Mèn”.

1. Sau giải Dế Mèn, An gửi thêm cho tôi dăm ba truyện ngắn nữa. Đương nhiên tôi đọc không sót truyện nào, kể cả những truyện An không gửi, nó vẫn có cách riêng để đến. Tôi mặc nhiên xem như đó là đặc quyền của riêng mình, ở xóm Đồi rơm (*). 

Dạo này, tôi tuyệt không thấy bóng dáng của An ở quán cà phê quen thuộc, chăm chú nhìn vào những vệt nước chảy dọc theo thành cốc cà phê sữa đá – món ruột của cu cậu và thỉnh thoảng An tủm tỉm cười đáp lại những câu chòng ghẹo của những người lớn xung quanh. Ít khi nào cạy răng cu cậu lấy được vài câu chuyện ra đầu ra đũa về việc đang đọc gì hay tiếp tục viết gì sau khi đoạt giải. 

Không gặp ngoài đời thực, vẫn còn thế giới ảo. Đôi lần, vừa thấy đèn hiệu trên Facebook bật xanh là tôi tóm ngay và tấn công tấp nập, rằng: tiền giải còn không, cho cậu mượn xài Tết; viết thêm được bao nhiêu truyện mới và đã gửi đi cộng tác những nơi nào?… Đáp lại chỉ là vài cái icon (biểu tượng) cười nhăn răng. Tôi đành tự thán rằng: Tuổi tác của tôi nhiều lúc cũng trở thành rào cản trong vài trường hợp, âu cũng là lẽ thường tình! Vả lại, chơi với già thì già cho răng thôi chứ có được lợi lộc gì! 

Chú thích ảnh
Nhà văn Trần Đăng Khoa (thứ hai từ trái qua) trao giải Khát vọng Dế Mèn cho Cao Khải An, bìa trái là mẹ em - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Nhưng hóa ra tôi nhầm to! An chơi với người già nhiều hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, theo cách đặc biệt nào đấy. Nếu không chơi với họ, thì làm sao có được ông già Đặt Đi (nhân vật trong Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm) lẩn thẩn đến mức chạy xe máy nhưng vẫn không biết đâu là còi đâu là phanh đến nỗi phải tương thẳng vào chuồng gà; làm sao có được nhân vật ông ngoại thích chơi trống rộn ràng vào những dịp bi ai; không chỉ chơi với những người già bằng xương bằng thịt, An còn chơi với một ông già ngoại quốc với khoảnh khắc thè lưỡi bất hủ suốt 70 năm qua. 

Tất cả 9 truyện ngắn trong tập Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm đều có nhân vật là người già (hoặc chính hoặc phụ). Còn lại, nhiều nhân vật khác tuy không già những cũng chẳng còn trẻ mà nhân vật nào tôi cũng thấy phảng phất đâu đó chừng như mình đã từng lướt qua họ. Chỉ có An là dừng lại để chơi với họ. Để rồi họ lại cởi bỏ lớp vỏ cỗi cằn mà xuất hiện trong các truyện ngắn của An với diện mạo tươi tắn, nghịch ngợm bất kể thời gian có phũ phàng đến mấy. 

Mà thôi, dầu gì đó cũng là ở xứ Đồi rơm. Độc giả đã biết, kể mãi cũng là thừa. 

Chú thích ảnh
Cao Khải An và mẹ - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

2. Mới đây, An có cái truyện (cũng vẫn về người già). Thay vì tả về tóc về râu, về nếp nhăn, tuổi tác, lưng còng… như trong các bài tập làm văn của học sinh cấp hai cấp ba thường thấy, nhân vật của An chỉ cần nói ngắn gọn: “Bà ơi! Ăn ra sao đâu, làm thử cho tui coi”. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ cô đặc sức tàn phá của thời gian trên hai con người bằng xương bằng thịt; trưng ra cái hữu hạn của đời người. Đâu chỉ có thế, trong truyện ngắn mới này, An đã mời mọi người bước vào cánh cửa khép hờ của thế giới người già và cùng với họ vừa dí dỏm gọi món vừa rưng rưng đồng cảm. 

Mỗi nhân vật người già hay người không còn trẻ trong truyện ngắn của An đều có sức hút lạ thường, bất kể họ có nói hay không nói hoặc chỉ bất động mà ngắm một hạt bụi thôi. Dường như cậu bé này luôn chuẩn bị sẵn thứ gia vị đặc biệt nào đấy để rồi khi thuận tay sẽ nêm nếm vào, pha loãng bữa tiệc quạnh quẽ thường thấy của tuổi già. 

Mà nào chỉ khi về già người ta mới đối diện với sự cô quạnh ấy. Ngay cả khi chưa già, sự cô quạnh cũng đã ngấp nghé bậc thềm. Ấy là trong truyện ngắn với nhân vật chính là một cô giáo vừa về hưu. Về hưu nhưng vẫn thường xuyên lui tới trường để lấy những thứ mà cô cố tình bỏ quên. Khi thì một cuốn sách, khi thì những cây bút,… chúng được cô giấu kỹ ở đâu đó trong trường, ở những nơi mà chỉ có mình cô biết để đảm bảo không ai phát hiện; để cô có cớ đến trường nơi mà mình đã gắn bó suốt mấy mươi năm. Một chi tiết dễ thương nhưng cũng thật dễ xót và chỉ được phát hiện bởi một trong hàng trăm học sinh. Đáng tiếc, truyện ngắn này của An bị từ chối vì không hợp lý ở cái chi tiết: nhân vật cô giáo đã về hưu nhưng vẫn mặc áo dài khi đến trường tìm vật mình để quên. Mà trời đất, ở một người đã bị thói quen hành hạ đến mức gần như lẩn thẩn thì mọi sự hợp lý có còn cần thiết hay không? 

Chú thích ảnh
Tác phẩm của Cao Khải An

3. Viết đến đây tôi lại tự hỏi rằng: điều gì lại khiến cho những trang viết của một cậu bé lớp 6 trở nên trải nghiệm và già dặn hơn các cây bút đồng trang lứa khác đến mức khó tin? Đáng lẽ phải là những bài tập làm văn na ná nhau đầy rẫy trên mạng; hoặc không như thế thì phải là những truyện phù hợp lứa tuổi với trường lớp, bạn bè; hoặc suy tư hơn một chút, các trang viết phải tỏ lòng biết ơn, kính trọng với cha mẹ, thầy cô như đã được học.

 Có gì không hợp lý ở trường hợp này chăng? 

Tự hỏi rồi tôi sực nhớ ra, vài năm về trước, khi cậu nhóc ấy mới lẫm chẫm biết đi đã suốt ngày quanh quẩn theo chân ông bà ngoại của mình ở mảnh vườn nhỏ sau nhà; những lúc mẹ cùng với các bạn văn đó đây gặp gỡ thì cậu cũng lẽo đẽo bên cạnh để nghe ngóng. Lớn lên một chút, rất có thể khoảnh khắc mà An giở quyển sách đầu tiên trong chiếc tủ sách cao ngất của mẹ ra cũng chính là khoảnh khắc An đã chạm được vào tiếng mời gọi của một người già luôn vang vọng, bởi khát người cùng chơi. 

Nhớ ra như vậy không phải để xác tín điều gì, chỉ để tự giễu mình rằng: Không phải lúc nào giống số đông mới luôn hợp lý, mà: Dị biệt cũng là chuyện hợp lý của lẽ thường! 

(*): Địa danh trong một số truyện ngắn của An

Tâm Viên
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›