(Thethaovanhoa.vn) – The Beatles là một huyền thoại lớn, thể hiện ở chỗ, từng vật dụng nhỏ của họ đều có thể kể thành một câu chuyện lịch sử và bán đắt như tôm tươi trên sàn đấu giá. Trong số đó, nổi bật và ghi dấu ấn bậc nhất chắc chắn là cặp kính “bà già” của John Lennon.
Nhiều năm trước, nhà văn Julien Nitzberg đã nung nấu ý tưởng viết kịch bản tiểu sử về Michael Jackson nhưng loay hoay không biết nên tiếp cận theo hướng nào. Gần đây, lấy cảm hứng từ Nikolai Gogol, Theatre of the Absurb, Franz Kafka và Monty Python, Nitzbert quyết định sẽ đi lại cuộc đời Ông hoàng nhạc Pop qua góc nhìn của… chiếc găng tay pha lê lấp lánh – món phụ kiện đình đám bậc nhất của Jackson.
Tất nhiên, dự án gặp phải nhiều tranh cãi trái chiều, nhất là sau bộ phim tài liệu Leaving Neverland. Tuy thế, không ai phủ nhận rằng một món phụ kiện có thể là một nhân chứng lịch sử. Trong số đó, nổi bật và ghi dấu ấn bậc nhất chắc chắn là cặp kính “bà già” của John Lennon.
Cặp kính “bà già”
Năm ngoái, em gái của John Lennon, Julia Baird, đã tới thăm Bệnh viện Đại học Hoàng gia Liverpool để khởi động dự án mới nhất của St Paul’s Eye Unit, View from the Stars, mang theo một thứ vô cùng vô cùng đặc biệt với bà và với tất cả những người hâm mộ The Beatles.
View from the Stars là chiến dịch gây quỹ cho những người bị ảnh hưởng vì mất thị lực, kêu gọi các ngôi sao quyên góp kính thuốc hoặc kính mát để bán đấu giá tài trợ cho nghiên cứu giúp thay đổi phương pháp điều trị và chăm sóc các bệnh về mắt.
Vật bà Baird mang theo tới St Paul’s Eye Unit là cặp kính tròn nổi tiếng của anh trai Lennon, lấy từ triển lãm The Beatles Story – nơi có khoảng 300.000 khách ghé thăm mỗi năm. Kính có mắt màu cam, vốn là màu yêu thích của Lennon bởi ông tin là theo phong thủy, màu cam giúp tăng óc sáng tạo. Bản thân huyền thoại âm nhạc đã đeo cặp kính này vào năm 1971 khi sáng tác ca khúc kinh điển Imagine.
Người hâm mộ có thể thấy Lennon đeo cặp kính vàng 14 carat – sử dụng phiên bản đời đầu của kính phân cực (với thấu kính đổi màu tùy theo ánh sáng) – trong phim tài liệu Imagine: John Lennon khi ông ngồi bên cây dương cầm Steinway ở phòng thu tại Tittenhurst Park. Gọng kính và kẹp mũi hiện hơi cong do trong một lần cãi vã giữa Lennon và Yoko Ono, nó bị vứt vào thùng rác. Sau đó, chiếc kính này may mắn được một nhân viên nhặt lại và giờ được trưng bày như một phần của The Beatles Story. Giá trị của nó ước tính lên tới 1,5 triệu USD.
John Lennon bị cận thị nặng và rất xấu hổ khi phải đeo kính cho tới mãi giai đoạn sau của sự nghiệp, khi cặp kính tròn biểu tượng trở thành đặc điểm nổi bật của ông. Lennon là một trong những người đầu tiên, cùng với Buddy Holly, dùng kính như một tuyên ngôn về thời trang.
Lennon bắt đầu đeo cặp kính “bà già” trứ danh vào tháng 9/1966, khi nhận được một cặp để chuẩn bị cho vai diễn trong bộ phim How I Won The War của Richard Lester.
Trong chuyến tới St Paul’s Eye Unit, chiếc kính của Lennon được đưa qua máy đo để xem mức độ cận thị của ông như thế nào. Kết quả cho thấy, ở tuổi 31, Lennon bị cận nặng, và còn mắc chứng loạn thị. Kính mắt phải của ông là -8,25 còn mắt trái là -7,5.
“Nếu không có kính, thế giới với John sẽ mờ ảo và biến dạng. Ông ấy có thể nhìn hết đàn guitar và phím dương cầm, nhưng bất kỳ thứ gì xa hơn thế đều là một thách thức với ông” – theo giáo sư Simon Harding, chuyên gia tư vấn tại St Paul’s Eye Unit. “Chứng cận thị của ông có khả năng sẽ tệ hơn về sau và trở thành một mối đe dọa về tầm nhìn”.
Bà Julia giải thích rằng mắt kém có lẽ là bệnh gia đình. “John, mẹ chúng tôi và tôi đều phải đeo kính vì cận nặng. Không hay gì lắm khi đeo kính khi The Beatles chơi ở Cavern và khi The Beatles nổi tiếng, John sử dụng kính áp tròng. Tuy nhiên, điều đó sau này đã thay đổi và kiểu kính của John tới nay vẫn có thể lập tức nhận ra”.
Ca khúc "Imagine" nổi tiếng của John Lennon:
Nhân chứng lịch sử
Cặp kính này ngay từ khi vừa được Lennon sử dụng đã là một nhân chứng lịch sử. Cùng năm 1966, The Beatles tới Nhật Bản biểu diễn. Địa điểm biểu diễn của họ là The Budokan, một nói linh thiêng, khiến họ vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, thậm chí là đe dọa ám sát. Chỉ có 25.000 khán giả nhưng phải huy động tới 35.000 bảo vệ!
Trước tình huống nguy hiểm, ban nhạc lớn nhất thế giới bỗng trở thành “những tù nhân” tại khách sạn của họ ở Tokyo. Junishi Yore – khi đó là một nhà sản xuất trẻ của đài Nippon – được phân công làm phiên dịch duy nhất đồng hành cùng The Beatles trong những ngày này.
Ngoài nhiệm vụ chính thức tại các buổi họp báo, tình huống khiến Yore và ban nhạc có thêm nhiều thời gian gần gũi bên nhau và từ đó, nảy sinh một tình bạn đẹp. Để biểu trưng cho tình bạn này, Lennon đã tặng Yore một cặp kính “bà già” và nhận lại một chiếc cốc đồng. Khi Lennon qua đời, Yore đã tháo mắt kính ra khỏi kính bởi theo văn hóa Nhật Bản, điều này giúp tâm hồn có thể nhìn thấy cuộc sống sau cái chết. Một nhà sưu tập đã trả tới 2.000.000 USD cho cặp kính này.
Cặp kính “bà già”, với tính biểu tượng của nó, là đối tượng thường xuyên bị dòm ngó. Ở bức tượng tạc Lennon tại Havana, chiếc kính thường xuyên bị lấy trộm. Sau này, Juan, người hâm mộ Lennon, đã nhận đảm nhiệm một công việc vô tiền khoáng hậu: người giữ kính. Mỗi khi có khách du lịch tới, Juan lại đeo kính cho tượng, rồi khi họ rời đi, ông lại cẩn thận cất nó.
Vào ngày 20/3/2013, nhân kỷ niệm 44 năm ngày nên vợ nên chồng với Lennon, Ono đăng lên Twitter bức ảnh chiếc kính “bà già” đẫm máu mà Lennon đã đeo vào ngày ông bị bắn vào mặt như một hành động phản đối bạo lực súng đạn. Hơn 12.000 người đã dẫn lại bài viết này, trong đó có cựu tổng thống Mỹ Barack Obama.
- Di vật của John Lennon được bán đấu giá hơn 3 tỉ đồng
- The Beatles tái hợp để thu âm một ca khúc của John Lennon
- 50 năm màn diễn 'Bed-In': Vợ chồng John Lennon đã phản đối chiến tranh như thế nào?
- Người Nhật Bản chơi nhạc John Lennon để ngăn mọi người tự sát
Trước Lennon, nhiều tên tuổi khác cũng ấn tượng với kiểu kính “bà già” này như Gandhi, James Joyce, Groucho Marx, F.D. Roosevelt. Còn sau ông, có thể kể tới nhiều hơn như Elton John, Ozzy Osbourne, Liam Gallagher, Wally, Harry Potter, Steve Jobs, Milhouse, Johnny Depp, Sienna Miller, Rihanna, Lady Gaga, Marry Kate Olsen, Miley Cyrus, Alexa Chung,…
Tới nay, chuyên gia nhãn khoa Gary Tracy vẫn còn giữ tấm séc Lennon viết để trả cho cặp kính, kèm theo đó là bản vẽ và hướng dẫn chi tiết về kiểu dáng cũng như màu sắc. Gần đây nhất, cặp kính “bà già” cũng nằm trong danh sách những món đồ nhà đấu giá Sotheby’s mang lên sàn đấu giá trực tuyến nhân kỷ niệm 50 The Beatles tan rã. Giữa rất nhiều món đồ quý giá như bản sao có chữ ký đĩa đơn đầu tiên của Tứ quái, đồng hồ Cartier 1966 của quản lý Brian Epstein,… một cặp kính của Lennon được kỳ vọng cao với giá ước tính ngất ngưởng, lên tới hơn 50.000 USD.
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Chương trình In The Spolight: The Beatles Symphony sẽ diễn ra trong hai đêm ngày 5 và 6/12/2020 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của nhạc sỹ Hồng Kiên, dàn nhạc In The Spotlight và các nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam như: Tùng Dương, Uyên Linh, Phạm Anh Khoa, nhóm Oplus, Vũ Đinh Trọng Thắng (Ngọt), Trịnh Nhật Minh, Hoàng Trang và Nguyễn Đông. |
Tags