CẬP NHẬT cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Toàn bộ tranh quý được đem đi phục chế và lưu giữ

Thứ Sáu, 19/04/2019 21:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/4, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester  cho biết các bức tranh quý giá còn sót lại sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được phục chế và lưu giữ ở nơi an toàn. Hiện lực lượng cứu hỏa đã cho phép các chuyên gia tiếp cận khu vực bên trong nhà thờ.

Khoảnh khắc tháp Nhà thờ Đức Bà Paris đổ xuống trong đám cháy

Khoảnh khắc tháp Nhà thờ Đức Bà Paris đổ xuống trong đám cháy

Một vụ cháy lớn đã xảy ra tại Nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris của Pháp khiến phần tháp của công trình mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh này đổ sập.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Riester cho biết các bức tranh trưng bày trong nhà thờ may mắn được cứu thoát khỏi "giặc lửa" sẽ được tháo dỡ và đưa tới các khu vực an toàn. Trong số những tác phẩm nghệ thuật này có nhiều bức từ thế kỷ thứ 18. Dự kiến, các công trình nghệ thuật được trưng bày tại di sản có hơn 850 năm tuổi này sẽ được chuyển đến bảo tàng Louvre. Tại đây, các chuyên gia sẽ khắc phục những hư hại nhỏ do khói và nước trước khi lưu trữ chúng cho tới khi có thể được trưng bày lại tại Nhà thờ Đức Bà Paris.

Chiều 15/4 (giờ địa phương), một vụ hỏa hoạn đã bùng phát và lan nhanh trên phần mái và ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris. Lực lượng cứu hỏa cùng nhiều người có mặt đã nỗ lực tìm cách khống chế ngọn lửa đang lan nhanh, đồng thời di chuyển nhiều thánh tích và vật phẩm có giá trị lịch sử ra khỏi nhà thờ.

Bất chấp nguy hiểm tính mạng, hàng trăm lính cứu hỏa đã không quản ngại đêm tối, dựng thành "lá chắn sống" để đưa những cổ vật quý giá bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris ra ngoài khi hỏa hoạn bùng phát. Sau suốt 15 giờ, lực lượng cứu hỏa đã dập tắt ngọn lửa từng có lúc nuốt trọn phần mái của nhà thờ hàng trăm năm tuổi và thiêu rụi một tòa tháp.

Nhà thờ Đức Bà Paris bắt đầu được xây dựng từ năm 1160 và kéo dài tới hơn 1 thế kỷ mới hoàn thành. Công trình này là một phần trong quần thể kiến trúc hai bờ sông Seine được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) xếp hạng Di sản Thế giới năm 1991. Là một trong những ví dụ điển hình nhất của lối kiến trúc Gothic Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris thu hút 13 triệu lượt du khách thăm quan mỗi năm.

 Tri ân những người lính cứu hỏa liều mình cứu 'biểu tượng nước Pháp'

Ngày 18/4, Pháp tổ chức tri ân hàng trăm lính cứu hỏa đã mạo hiểm cả mạng sống của mình để "chiến đấu" và dập tắt ngọn lửa tàn phá Nhà thờ Đức Bà Paris, một trong những công trình văn hóa biểu tượng quan trọng của quốc gia này.

Hàng nghìn người dân và nhiều quan chức địa phương đã tập trung trước Tòa Thị chính Paris để nói lời cảm ơn tới những người đã góp công lớn bảo vệ Nhà thờ Đức Bà Paris, đồng thời tán dương tính chuyên nghiệp, dũng cảm và quyết đoán của họ đã giúp giữ lại cấu trúc của nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 12 này. Trong bài phát biểu tri ân, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo (An I-đan-gô) đã cảm ơn những người lính cứu hỏa bất chấp tính mạng của mình, với sự can đảm vô biên và lòng quyết tâm không nao núng, để bảo vệ Nhà thờ Đức Bà mà bà gọi là "một phần của chúng ta".

Hơn 400 lính cứu hỏa đã nỗ lực không ngừng trong suốt 15 giờ để dập tắt ngọn lửa từng có lúc nuốt trọn phần mái của nhà thờ hàng trăm năm tuổi và thiêu rụi một tòa tháp. Dù có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình chữa cháy vì cấu trúc nhà thờ được xây dựng với phần vòm mái cao vút, nhưng cuối cùng các lính cứu hỏa đã ngăn chặn thành công ngọn lửa lan sang hai tòa tháp chuông và cứu được các tác phẩm nghệ thuật ở phía sau của nhà thờ.

* Không phát hiện bằng chứng nào vụ cháy là hành động cố ý

 Trong thông báo mới nhất ngày 16/4, công tố viên thủ đô Paris, Remy Heitz  cho biết cơ quan điều tra nước này đang thẩm vấn các công nhân làm công tác tu tạo tại Nhà thờ Đức Bà Paris để làm rõ nguyên nhân vụ cháy đã thiêu rụi gần như hoàn toàn công trình kiến trúc lừng danh này. 

Theo công tố viên trên, quá trình điều tra sơ bộ không phát hiện bất cứ yếu tố nào chứng minh vụ cháy là hành động cố ý. Ông khẳng định các nhà điều tra đang điều tra vụ cháy theo hướng tai nạn. 

Trước đó, truyền thông Pháp cho rằng vụ hỏa hoạn "có thể liên quan tới" dự án tôn tạo trị giá 6,8 triệu USD phần tháp của nhà thờ với 250 tấn chì.

Nữ Hoàng Anh Elizabeth trong ngày 16/4 đã gửi điện chia buồn với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vụ cháy. Cung điện Buckingham công bố nội dung bức điện, trong đó bày tỏ sự thán phục đối với lực lượng chữa cháy bất chấp tính mạng bị đe dọa đã nỗ lực cứu công trình nổi tiếng của nước Pháp và thế giới này. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Vatican cho biết Vatican sẵn sàng hỗ trợ Pháp về mặt kỹ thuật để xây dựng lại và phục chế công trình kiến trúc lịch sử bị hư hại nghiêm trọng. 

Gia đình tỷ phú Bernard Arnault cam kết hỗ trợ 200 triệu euro

Gia đình tỷ phú Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của tập đoàn LVMH đã cam kết đóng góp 200 triệu euro (226 triệu USD) để hỗ trợ công tác tu bổ lại nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris sau khi phần lớn công trình mang tính biểu tượng văn hóa nổi bật này bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn hôm 15/4. 

Một thông báo được đưa ra thay mặt ông Arnault nêu rõ gia đình Arnault và tập đoàn LVMH mong muốn được chia sẻ tinh thần đoàn kết tại thời điểm nước Pháp trải qua thảm kịch hiện nay và sẵn sàng tham gia công tác hỗ trợ xây dựng lại nhà thờ này - một biểu tượng của nước Pháp, di sản và biểu tượng thống nhất của nước quốc gia châu Âu này. 

Chú thích ảnh
Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa tại hiện trường vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà ở Paris (Pháp) ngày 15/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN

LVMH là Tập đoàn số 1 thế giới về xa xỉ phẩm sở hữu nhiều thương hiệu thời trang và phụ kiện nổi tiếng thế giới như Louis Vuiiton, Fendi, Givenchy, Hublot ...

Trước đó, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Kering sở hữu một loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng khác của Pháp, tỷ phú Francois-Henri Pinault cũng cam kết hỗ trợ 100 triệu euro (113 triệu USD) để xây dựng lại nhà thờ này. 

Tập đoàn Kering là chủ sở hữu của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Gucci và Yves Saint Laurent. Khoản tiền tài trợ sẽ được trích từ công ty đầu tư của gia đình Pinault Artemis.

Trong phản ứng mới nhất liên quan đến thảm họa cháy nói trên, văn phòng báo chí Tòa thánh Vatican ngày 16/4 đưa ra tuyên bố bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ của Giáo hoàng Francis với nước Pháp. Tuyên bố nêu rõ Giáo hoàng Francis đang cầu nguyện cho Giáo hội Pháp và người dân Paris đang phải chứng kiến thảm họa cháy thảm khốc này. 

Trước đó, khoảng 18h 50' ngày 15/4 giờ địa phương (tức 23h50 ngày 15/4 giờ Hà Nội), một đám cháy lớn bùng phát ở phần đỉnh ngọn tháp, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ Đức Bà Paris. Đám cháy tạo ra một biển lửa rực cháy cả bầu trời Paris trong nhiều giờ. Lửa thiêu rụi một ngọn tháp cao 91m thành những khối than hồng vụn vỡ trong không trung. Trong khi nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được điều tra thì giới chức cho biết cấu trúc của nhà thờ trong đó có cả cụm tháp hình chữ nhật đã được đảm bảo an toàn.

Hiện nguyên nhân gây cháy chưa được xác định nhưng truyền thông Pháp dẫn lời lực lượng cứu hỏa cho rằng hỏa hoạn "có thể liên quan tới" dự án tôn tạo trị giá 6,8 triệu USD phần tháp của nhà thờ với 250 tấn chì. Văn phòng công tố Paris đang điều tra vụ việc theo hướng một vụ tai nạn.

Bảo toàn được phần tháp chuông chính và tường nhà thờ

Đám cháy bùng phát lúc 18h50 ngày 15/4 giờ địa phương (tức 23h 50' ngày 15/4 giờ Việt Nam) ở phần đỉnh ngọn tháp Nhà thờ Đức Bà Paris, sau đó nhanh chóng lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ và đã cháy liên tục trong 8 giờ trước khi ngọn lửa được khống chế hoàn toàn.

Theo những thông tin vừa được cập nhật, đám cháy đã làm sập phần mái tòa nhà, tuy vậy, lực lượng cứu hỏa đã kịp thời ứng cứu để giữ nguyên được phần tháp chuông chính và phần tường phía bên ngoài nhà thờ. Trong khi dập lửa, lực lượng cứu hỏa đã cố bảo toàn các di tích tôn giáo và những hình họa vô giá trong nhà thờ. Tại hiện trường, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cũng cho biết một số tác phẩm nghệ thuật bên trong nhà thờ đã được bảo toàn và được đưa đi cất giữ ở một nơi an toàn. 

Chú thích ảnh
Lửa bốc ngùn ngụt tại hiện trường vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà ở Paris (Pháp) ngày 15/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, một lính cứu hỏa đã bị thương nặng trong quá trình dập lửa và đây cũng là trường hợp duy nhất bị thương trong nỗ lực cứu hỏa. Phản ứng với bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng lực lượng cứu hỏa Pháp cần phải hành động nhanh, dùng các thiết bị bay để phun nước dập lửa, Cơ quan An ninh dân sự Pháp cho rằng đây không phải là biện pháp tốt, bởi làm như vậy có thể phá hủy toàn bộ công trình. Mái nhà thờ dài 100 mét, trong đó một mảng lớn đã bị sập xuống chỉ sau khoảng 1 giờ lửa cháy, là một trong những kiến trúc cổ nhất ở Paris.

Vụ hỏa hoạn xảy ra trong bối cảnh nhà thờ đang đư trải qua đợt trùng tu, trong khi những bức tượng đồng bên trong đã được đưa đi nơi khác từ tuần trước. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ cháy. Chỉ biết rằng ngọn lửa bùng phát từ phần mái và sau đó lan nhanh ra khắp mái nhà thờ. Các nhà điều tra cũng đang tìm hiểu có phải ngọn lửa xuất phát từ khu vực trùng tu đang được tiến hành trên mái nhà thờ hay không. 

Có khoảng 400 lính cứu hỏa, sử dụng 18 xe cứu hỏa để dập lửa. Hiện vẫn chưa rõ quy mô thiệt hại cụ thể bên trong nhà thờ.

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới chia sẻ với Pháp

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ sự nuối tiếc khi một đám cháy lớn thiêu rụi một phần của Nhà thờ Đức Bà tại trung tâm thủ đô Paris, bởi công trình hàng trăm năm tuổi này đã in đậm trong ký ức mỗi người khi biết đến nền văn hóa Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.  

Chủ tịch châu Âu Donald Tusk khẳng định Liên minh châu Âu (EU) luôn sát cánh với nước Pháp trong thảm kịch này bởi nhà thờ Đức Bà của Paris cũng chính là Nhà thờ Đức Bà của toàn châu Âu. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker khẳng định nhà thờ là di sản của toàn nhân loại, là nguồn cảm hứng của rất nhiều nhà văn, họa sĩ, triết gia và du khách trên toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Khói lửa bốc ngùn ngụt trên nóc Nhà thờ Đức Bà ở Paris ngày 15/4/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng cảm thấy bàng hoàng trước những hình ảnh đám cháy tàn phá một trong những di sản quý trên thế giới có từ thế kỷ 14 đồng thời bày tỏ sự chia sẻ với nhân dân và chính phủ Pháp. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cũng khẳng định sẽ ủng hộ Pháp bảo tồn và tu sửa di sản vô giá này. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thể hiện sự đau lòng khi nhìn thấy nhà thờ Đức Bà, biểu tượng văn hóa vĩ đại của châu Âu, bị giặc lửa tàn phá và cầu chúc cho các lực lượng đang nỗ lực khống chế đám cháy.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel bày tỏ "cảm xúc mãnh liệt" khi chứng kiến đám cháy tàn phá nhà thờ Đức Bà, một phần của lịch sử pháp và toàn châu Âu. Qua đó, ông bày tỏ chia sẻ và ủng hộ với những người bạn Pháp. Đây cũng là những chia sẻ của Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz gọi đây là công trình văn hóa nhân loại và là một trong những công trình nghệ thuật đẹp nhất trong lịch sử Pháp.

Từ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama cũng đều đăng tải những dòng chia sẻ thể hiện sự bàng hoàng trước thông tin về đám cháy đồng thời kêu gọi nhanh chóng hành động để hạn chế thiệt hại. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker (trong ảnh) khẳng định nhà thờ là di sản của toàn nhân loại, là nguồn cảm hứng của rất nhiều nhà văn, họa sĩ, triết gia và du khách trên toàn thế giới. Ảnh: THX/ TTXVN

Các nước Ai Cập và Liban cũng gửi lời chia buồn và bày tỏ sự đoàn kết với người dân Pháp. Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bày tỏ sự đau buồn khi ngọn lửa tàn khốc phá hủy ngọn tháp và mái của Nhà thờ Đức Bà ở Paris chiều tối ngày 15/4. Thủ tướng Morrison tin tưởng người dân Paris sẽ xây dựng lại sau vụ hỏa hoạn hủy diệt tại Nhà thờ Đức Bà. Lãnh đạo Công Đảng Bill Shorten coi đây là một ngày buồn cho Paris, Pháp và người dân trên toàn thế giới. Cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull cũng bày tỏ sự cảm thông, đồng thời kêu gọi Australia thành lập một quỹ để hỗ trợ cho việc phục hồi nhà thờ.

Trước đó, một đám cháy lớn đã tàn phá phần mái của công trình mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh này. Ông André Finot, người phát ngôn của nhà thờ cho hay đám cháy xảy ra vào khoảng 18h 50' ngày 15/4 giờ địa phương (tức 23h 50' ngày 15/4 giờ Hà Nội) ở phần đỉnh ngọn tháp, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ. Các công tố viên Pháp cho biết đang xử lý đám cháy theo hướng "không cố ý" gây cháy, đồng nghĩa với việc âm mưu cố tình gây cháy đã bị bác bỏ. Hiện đám cháy đã được khống chế.

Một tỷ phú Pháp ủng hộ 100 triệu euro để khôi phục nhà thờ

Ngày 16/4, Tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault cam kết tài trợ 100 triệu euro (113 triệu USD) để xây dựng lại nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris sau khi phần lớn công trình mang tính biểu tượng văn hóa nổi bật này bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn vừa qua.

Trong một thông báo gửi tới hãng tin AFP (Pháp), Giám đốc điều hành của Tập đoàn Kering cho biết số tiền sẽ được dành cho các công tác cần thiết trong việc xây dựng lại nhà thờ. Tập đoàn Kering là chủ sở hữu của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Gucci và Yves Saint Laurent. Khoản tiền tài trợ sẽ được trích từ công ty đầu tư của gia đình Pinault Artemis.

Trước đó, một đám cháy lớn đã tàn phá phần mái của công trình mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh này. Ông André Finot, người phát ngôn của nhà thờ cho hay đám cháy xảy ra vào khoảng 18h 50' ngày 15/4 giờ địa phương (tức 23h 50' ngày 15/4 giờ Hà Nội) ở phần đỉnh ngọn tháp, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ. Đám cháy xảy ra trong bối cảnh cộng đồng Công giáo đang chuẩn bị tổ chức Lễ Phục sinh, dự kiến vào ngày 21/4 tới. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ cháy. Các công tố viên Pháp cho biết đang xử lý đám cháy theo hướng "không cố ý" gây cháy, đồng nghĩa với việc âm mưu cố tình gây cháy đã bị bác bỏ.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Khói bốc lên tại hiện trường vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp ngày 15/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Gần 500 lính cứu hỏa đã được huy động và tới nay đám cháy đã được khống chế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hủy bỏ buổi phát biểu về chính sách trên truyền hình theo kế hoạch diễn ra vào tối 15/4 và nhanh chóng có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý vụ việc.  Ông Macron kêu gọi triển khai một chiến dịch xây dựng lại nhà thờ trong đó có việc huy động quỹ từ các nhà tài trợ và sự đóng góp của các "tài năng" trên toàn thế giới. 

Theo Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Laurent Nunez, cấu trúc của Nhà thờ có niên đại 850 năm đã được bảo vệ nguyên vẹn, bao gồm cả tòa tháp chuông phía bắc. Tuy nhiên, 2/3 đỉnh mái của Nhà thờ đã hoàn toàn bị tàn phá. Người phát ngôn của Nhà thờ Đức Bà Paris, cho biết các di vật tôn giáo linh thiêng được bảo quản an toàn.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Hiện trường vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp, ngày 15/4/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhà thờ Đức Bà Paris được khởi công xây dựng từ giữa thế kỷ XII. Quá trình thi công công trình này diễn ra liên tục trong khoảng 200 năm sau đó. Nhà thờ này trở thành nguồn cảm ứng của rất nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris" của đại văn hào Victor Hugo. Nhà thờ đã tồn tại sau hai cuộc chiến tranh thế giới. Mỗi năm, địa điểm này thu hút từ 12 -14 triệu lượt khách tham quan tương đương trung bình khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày.

Hiện tại, đã có một số hình ảnh đầu tiên về phía trong nhà thờ sau đám cháy

Chú thích ảnh

 

Chú thích ảnh

 

Phát biểu với người dân Pháp, ông Macron kêu gọi sự chung tay góp sức của tất cả các tài năng của đất nước nhằm xây dựng lại và phát triển di sản này.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến “hy vọng” và “niềm tự hào” đối với những người “đã chiến đấu để điều tồi tệ nhất không xảy ra”. Ông Macron cảm ơn "lòng can đảm cực độ" của gần 500 lính cứu hỏa được huy động để khống chế đám cháy. Ông ghi nhận đã tránh được điều tồi tệ nhất “mặc dù trận chiến không hoàn toàn thắng lợi".

Chú thích ảnh
Hình ảnh phát trên truyền hình Pháp cho thấy nhà thờ Đức Bà ở Paris chìm trong biển lửa, ngày 15/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Laurent Nunez, cấu trúc của Nhà thờ có niên đại 850 năm đã được bảo vệ nguyên vẹn, bao gồm cả tòa tháp chuông phía bắc. Tuy nhiên, 2/3 đỉnh mái của Nhà thờ đã hoàn toàn bị tàn phá. Ông André Finot, người phát ngôn của Nhà thờ Đức Bà Paris, cho biết các di vật tôn giáo linh thiêng được bảo quản an toàn trong nhà thờ và không có nguy cơ bị cháy.

Tòa thánh Vatican đã bày tỏ "nỗi buồn" trước vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, "một biểu tượng của Kitô giáo tại Pháp và trên thế giới". Người phát ngôn của Vatican đã "bày tỏ tình đoàn kết với người Công giáo Pháp và người dân Paris” và “cầu nguyện cho những người lính cứu hỏa và tất cả những người nỗ lực hết mình để đối mặt với thảm kịch này".

Văn phòng công tố Paris cho biết đã mở ra cuộc điều tra về nguyên nhân vụ hỏa hoạn tồi tệ này. Dường như ngọn lửa đã bùng phát từ công trường cải tạo phần đỉnh mái của Nhà thờ. Dự án tôn tạo Nhà thờ Đức Bà Paris, bị xuống cấp nghiêm trọng và nằm trong danh sách 250 di sản của Pháp đang trong tình trạng nguy hiểm, đã bắt đầu từ tháng 8/2018 và dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›