(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam tích cực phối hợp xác định danh tính nạn nhân vụ 39 người tử vong ở Anh.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, chiều 5/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng đại diện Bộ Công an, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã trao đổi những thông tin liên quan đến vụ việc 39 nạn nhân được phát hiện tử vong trong thùng xe container tại khu công nghiệp Waterglade, hạt Essex (Vương quốc Anh).
- VIDEO: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin về vụ 39 người thiệt mạng trong container ở Anh
- Toàn cảnh vụ 39 thi thể trong xe tải tại Anh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, liên quan đến vụ việc 39 người tử vong tại Anh, mở đầu phiên họp Chính phủ diễn ra chiều cùng ngày, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình nạn nhân; cam kết Chính phủ sẽ làm hết sức mình để chia sẻ những mất mát, đau thương to lớn này, các địa phương sẽ xử lý tốt các điều kiện đảm bảo hỗ trợ. Đây là vụ việc hết sức đau lòng, ngoài mong muốn, là vụ việc gây bàng hoàng cho người dân, gia đình các nạn nhân, một sự mất mát lớn, cũng như cả nước và bạn bè quốc tế.
Ngay sau sự việc xảy ra, ngày 25/10, Thủ tướng khi đang dự lễ đăng quang của Nhật hoàng tại Nhật Bản đã có chỉ đạo các cơ quan liên quan, nhất là Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện của Việt Nam tại Anh làm rõ nguyên nhân và điều tra, có biện pháp cần thiết phối hợp với cơ quan chức năng của Anh trong quá trình xử lý giải quyết. Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã họp với các cơ quan tiếp tục chỉ đạo về vấn đề này. Ngày 3/11, từ Thái Lan, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo và có điện chia buồn với gia đình nạn nhân.
Trước đó, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã cử đoàn công tác sang phối hợp với cơ quan của Anh. Đến thời điểm này, công tác xác định danh tính của các nạn nhân đang được tiến hành khẩn trương, thận trọng, yêu cầu thật chính xác, chặt chẽ nhằm thực hiện các biện pháp bảo hộ quyền công dân. Danh tính các nạn nhân sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất, khi các cơ quan của Anh công bố. Trong chỉ đạo, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, nhất là Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình có người tử vong, trước hết là động viên thân nhân địa phương bằng biện pháp thích hợp nhất để bù đắp nỗi đau này với các gia đình, đồng thời đưa ra biện pháp hỗ trợ trong khả năng của địa phương.
“Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng làm hết sức mình để bảo hộ công dân. Đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng làm các công việc cần thiết trong phạm vi, đặc biệt là phối hợp với cơ quan chức năng của Anh xác minh danh tính người thiệt mạng để đưa họ về quê hương, sớm hoàn tất thủ tục điều tra vụ việc, nghiêm trị người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong nước và quốc tế.
"Đây cũng là bài học kinh nghiệm cần thiết trong công tác quản lý, bởi đây là vụ việc di cư bất hợp pháp. Việt Nam luôn lên án mạnh mẽ những tội phạm đưa người di cư bất hợp pháp, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hơn nữa trong việc phòng, chống loại tội phạm này; cam kết phối hợp với cơ quan chức năng của các nước để nghiêm trị những kẻ thực hiện các hành vi trái pháp luật, không để tái diễn và xảy ra vụ việc đau lòng tương tự" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trao đổi tại họp báo liên quan đến vụ việc, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hiện nay Bộ Công an đã và đang khẩn trương phối hợp với Bộ Nội vụ của Anh để xác định sớm nhất theo thông tin nhận được. Chúng ta đã có đoàn công tác của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao đang sang bên Anh.
"Theo thông tin hiện nay nhận được từ các gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình thì có 35 trường hợp thông báo có dấu hiệu nằm trong 39 nạn nhân", Thứ trưởng Ngọc nói.
Về thông tin danh tính các nạn nhân, ông Ngọc cho biết, theo quy định của Anh cần phải có xác định danh tính và thông báo cho cơ quan có trách nhiệm. Do vậy, Việt Nam đang phối hợp, sau khi xác định được danh tính sẽ thông báo cho các cơ quan, gia đình nạn nhân. Thời gian thông báo căn cứ quy định của hai nước và kết quả xác định danh tính.
* Khuyến cáo người dân không đi theo con đường bất hợp pháp
Trả lời báo chí liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về quản lý, tổ chức cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài khác với các tội phạm đưa người trái phép ra nước ngoài, di cư bất hợp pháp.
Việc tổ chức cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở Việt Nam đang thực hiện theo Luật đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Việt Nam đều ký kết hiệp định về lao động với tất cả các quốc gia trước khi đưa người lao động sang làm việc.
Những lao động đi hợp pháp hiện nay có 5 hình thức: qua các doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép; đi hợp tác giữa các doanh nghiệp, công ty giữa hai nước; cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với các tổ chức nước ngoài nhưng đăng ký ở các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; hợp tác liên kết đào tạo được cấp phép; trao đổi công việc, lao động hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và nước ngoài trong thời gian ngắn hạn.
"Hiện Việt Nam có khoảng 400 doanh nghiệp được cấp phép để đưa người Việt Nam đi lao động. Ba năm qua, mỗi năm Việt Nam đưa khoảng trên 100 ngàn người; chủ yếu sang bốn địa bàn là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia. Riêng khu vực châu Âu, Việt Nam đã ký hợp tác với hai quốc gia Romania (Rumani) và Đức" - Bộ trưởng Dung cho biết.
Tất cả hoạt động đưa người lao động nước ngoài đều đảm bảo sự minh bạch về địa bàn, mức thu phí, mức lương; cấp visa, hộ chiếu, được bảo hộ công dân, được đóng bảo hiểm xã hội...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dung cho rằng có hai hiện tượng đưa người ra nước ngoài lao động trái phép: doanh nghiệp không có chức năng nhưng trá hình đưa người lao động đi nước ngoài; doanh nghiệp không được cấp giấy phép nhưng làm "chui", làm lậu. Thời gian qua, những trường hợp này đã bị xử lý nhiều, đều chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Trong tổng số gần 400 doanh nghiệp được cấp phép đưa người đi lao động nước ngoài, Bộ trưởng Dung biết, vừa qua đơn vị chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 118 doanh nghiệp.
"Và trực tiếp Bộ trưởng đã ký văn bản thu hồi giấy phép, thậm chí cấm vĩnh viễn hoạt động của doanh nghiệp có vi phạm" - Bộ trưởng Dung cho biết.
Về phía các địa phương, có thực tế nhiều người đi nhưng hết thời hạn trốn ở lại không chịu về, điển hình năm 2016 có 56% người lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc, sau ba năm được vận động giờ còn 26%. Bộ trưởng Dung đưa ra khuyến cáo với người dân nên đi lao động theo con đường hợp pháp, thông qua các cơ quan được cấp phép.
“Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp thỏa thuận và công khai tên tuổi, danh sách tất cả các đơn vị hợp pháp. Người dân không nên đi theo con đường bất hợp pháp và con đường không được cấp phép”, ông Dung nhấn mạnh.
*** Ngày 5/11, bên lề Kỳ họp thứ 8, chia sẻ thông tin về vụ phát hiện 39 thi thể ở Anh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, chiều 4/11, Công an tỉnh này đã bắt thêm một đối tượng liên quan đến việc đưa người xuất cảnh trái phép qua nước ngoài. Tổng số có 9 đối tượng đã bị bắt giữ khẩn cấp, chưa khởi tố bị can mà mới đang tạm giữ để điều tra.
Theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ an, thời gian tiến hành khởi tố theo quy định là 9 ngày, lực lượng điều tra sẽ tập trung xử lý trong thời gian ngắn nhất nhưng phải tuân theo đúng trình tự pháp luật chứ không chạy theo sức ép để gây ra hậu quả.Viện Kiểm sát sẽ giám sát chặt chẽ vụ việc sao cho hiệu quả, công khai minh bạch. "Hiện tại, Viện Kiểm sát đã phê chuẩn lệnh giữ người đối với 6 người. Còn lại 3 người, hiện cơ quan Công an đang tích cực làm rõ. 9 đối tượng này tất cả là người Nghệ An”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu thông tin.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, 9 người bị bắt giữ do đưa người đi nước ngoài "chui" nhưng không phải đối tượng làm dịch vụ chuyên nghiệp. Họ chỉ là những người có con em, người thân làm việc bên Anh. Bản thân họ cũng đã đi sang bên Anh rất nhiều và làm ăn được, nên móc nối với người thân của mình để tổ chức cho những ai muốn sang Anh, họ sẽ đón.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, việc phía Anh đã chuyển toàn bộ hồ sơ vân tay cho phía Việt Nam nhưng pháp luật của nước Anh quy định, sau khi cơ quan Cảnh sát điều tra xong sẽ chuyển sang tòa án. Tòa án phải xác nhận và ký mới được công khai. Những nạn nhân nghi nhập cảnh trái phép sang Anh, ngoài xác nhận vân tay còn phải nhận dạng qua ảnh và xét nghiệm ADN để khẳng định danh tính, quê quán.
Hiện chưa có thông tin chính thức nên chưa thể trả lời được” - ông Cầu khẳng định.
Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh vụ án sẽ được mở rộng điều tra, liên quan đến ai, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xử lý. Qua đấu tranh bước đầu, các đối tượng bị bắt giữ đã thừa nhận hành vi đưa các nạn nhân xuất cảnh qua sân bay Nội Bài có thời gian, ngày, giờ cụ thể. “Việc họ đi sang nước thứ 2, thứ 3, trên chuyến bay đó, Công an đang xác minh cụ thể. Và họ đến nước nào để đi ra sao, phải nhiều cơ quan xác minh mới trả lời được", Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho biết.
Sáng 5/11, trước khi bắt đầu phiên họp theo lịch trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu, vụ 39 người chết ở Anh đã gây sự xúc động mạnh trên toàn thế giới. Quốc hội đề nghị Bộ Công an chỉ đạo để khẩn trương làm rõ các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; có biện pháp phòng ngừa hiệu quả tình trạng này. "Quốc hội xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các nước liên quan làm rõ, có biện pháp bảo hộ công dân", Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Theo báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ngày 29/10, phía Anh đã chuyển cho Việt Nam hồ sơ vân tay của toàn bộ 39 nạn nhân tử vong trong container để đối chiếu chéo, xác định danh tính, quốc tịch nạn nhân. Hiện nay có nhiều nguồn tin khác nhau về số người Việt Nam trong 39 nạn nhân. Tuy nhiên, theo nội dung điện đàm giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Cảnh sát Anh tối 4/11, thủ tục công bố danh tính nạn nhân phải qua nhiều bước.
"Cảnh sát hạt Essex, Anh đã tích cực điều tra nhưng thủ tục công bố danh tính nạn nhân rất phức tạp. Sau khi đối chiếu danh tính, lập hồ sơ, nhà chức trách sở tại phải báo cáo lên tòa án và được thẩm phán phê duyệt mới có thể công bố danh tính các nạn nhân. Vì vậy, trong vài ngày nữa, kết quả sẽ công bố chính thức", ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng làm việc tại Anh
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 4/11, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đã làm việc với đại diện Bộ Nội vụ Anh, cảnh sát hạt Essex và ký sổ tang, đặt hoa tưởng niệm 39 nạn nhân tử vong tại hạt Essex, Đông Bắc London, Vương quốc Anh.
Tại các cuộc làm việc, Thứ trưởng Tô Anh Dũng bày tỏ cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của phía Anh, đề nghị các cơ quan chức năng hai bên nỗ lực hợp tác chặt chẽ, khẩn trương xác minh danh tính nạn nhân trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Tô Anh Dũng chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại, chủ động chuẩn bị phương án để tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
TTXVN
Tags