(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái của thi sĩ Tương tư tiết lộ sau giải phóng, mẹ bà cất công đi tìm “những giọt máu mủ” của chồng.
Trong chương trình Chân dung cuộc tình chủ đề Thi sĩ Nguyễn Bính, những bóng hồng trong cuộc đời người thi sĩ “giang hồ” Nguyễn Bính sẽ được kể lại.
Nhà thơ Nguyễn Bính đặt tên con gái theo tên người yêu cũ
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu – con gái của thi sĩ Nguyễn Bính – kể lại mối tình sét đánh của cha mẹ mình. Đó là một buổi chiều mưa, Nguyễn Bính và Nguyễn Hồng Châu tình cờ gặp nhau trên đường đi công tác tại miền Tây.
Ngay từ lần gặp đầu tiên, Nguyễn Bính sững sờ, choáng váng trước nhan sắc của Hồng Châu và đem lòng yêu. Ít lâu sau, ông nhờ người mai mốt đến gặp mẹ Hồng Châu. “Bà ngoại rất vui khi biết con rể tương lai là một sĩ phu yêu nước và là một nhà thơ nổi tiếng, nên bà vui vẻ gật đầu ngay, gả con gái mà như “cho không””, chị Nguyễn Bính Hồng Cầu kể.
Trong cuốn hồi ký Đi qua tâm bão, bà Hồng Châu có kể một giai thoại thú vị về việc đặt tên con gái đầu lòng. Khi ấy, Nguyễn Bính gợi ý với vợ sẽ đặt tên con là Anh Thơ (trùng tên người yêu cũ của ông), bà đã cực lực phản đối.
Bà Hồng Châu nói rằng bà tôn trọng mối tình trước đó của chồng và người đẹp Anh Thơ, nhưng không vì vậy mà con bà mang nặng đẻ đau lại lấy tên người khác đặt cho nó, tên con bà phải do chính bà đặt.
Ông thấy mình có lỗi bèn giao kèo: Tên con trai sẽ do chồng đặt, tên con gái sẽ do vợ đặt. Cuối cùng bà Hồng Châu sinh con gái, bà đặt tên con là Nguyễn Hồng Cầu.
Khi đến ngày làm giấy khai sinh, Nguyễn Bính nhất quyết phải thêm chữ “Bính” vào, thành Nguyễn Bính Hồng Cầu. Ông lý giải, trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, đặt cái tên này cho dễ tìm nhau cũng như gởi gắm một ước mơ thống nhất đất nước.
Cất công đi tìm con rơi của chồng
Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, bà Hồng Châu và con gái ở lại Sài Gòn. Năm 1966, Nguyễn Bính đột ngột qua đời. Bà Hồng Châu có một ước nguyện làm nhà lưu niệm, lưu giữ những kỷ vật của chồng.
Sau giải phóng, bà đi khắp nơi, từ Nam chí Bắc, nơi nào có dấu chân ông thì bà đến, thứ nhất là tìm bản thảo các tập thơ. Thứ hai là bà nghe người ta nói Nguyễn Bính đào hoa, bà muốn đi tìm, “gom góp máu thịt của ông nếu còn ở đâu đó”.
Khi bà Hồng Châu ra Bắc, gặp được người vợ sau và đứa con trai của Nguyễn Bính. Tất cả kỷ vật của chồng đều được người vợ sau giao lại cho bà.
Trong đó, có hai kỷ vật đáng giá là bức tranh thêu bài thơ Đôi mắt và một cây viết. Bức tranh thêu bài thơ Đôi mắt do bà Vân Thanh – cũng là một mối tình của Nguyễn Bính – thêu lại theo nét chữ của ông, còn cây viết là của nữ sĩ Mộng Tuyết tặng cho Nguyễn Bính khi còn ở Nam bộ kháng chiến.
Bà Hồng Châu nhận bức tranh thơ mang về cất giữ như một báu vật, còn cây viết bà để lại cho con trai Nguyễn Bính. “Hai bà đối với nhau rất cao thượng. Riêng tôi, những người đàn bà mang lại hạnh phúc cho bố, tôi đều xem như mẹ”, Nguyễn Bính Hồng Cầu cho biết.
Góp mặt trong chương trình còn có danh ca Phương Dung. Bà rất ngưỡng mộ tài năng của nhà thơ Nguyễn Bính. “Nhạn trắng Gò Công” mơ ước được gặp ông nhưng không có dịp.
Nữ danh ca yêu thích bài thơ Bóng người trên sân ga của thi sĩ Nguyễn Bính, vì trong đó có bóng dáng người mẹ hiền đưa tiễn bà lúc còn nhỏ lên Sài Gòn đi học.
Phương Dung khóc nghẹn khi đọc những câu thơ: “Có một lần tôi thấy một bà già, đưa tiễn con đi trấn ải xa. Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng, lưng còng đổ bóng xuống sân ga”.
Trong chương trình, danh ca Phương Dung trình diễn ca khúc Cô lái đò (thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Đình Phúc). Bà cho biết danh tiếng của nhà thơ quá lớn, bà lại là một ca sĩ chuyên nghiệp. Nếu hát không được 50% thì không thể tha thứ được, nên bà rất đắn đo, tập đi tập lại nhiều lần trước khi bước vào phòng thu.
Ngoài ra, những bản tình ca vượt thời gian như Gái xuân, Trăng sáng vườn chè, Cô hái mơ, Chân quê, Ghen, Hôn nhau lần cuối, Hồn trinh nữ, Cô lái đò, Mưa xuân… sẽ được các giọng ca Họa Mi, Đông Đào, Duyên Quỳnh, Khánh Hoàng, Minh Sang, Trọng Khương, Trương Diễm thể hiện.
Tập 1 sẽ được phát sóng lúc 21h tối 3/10 trên kênh THVL1.
Kim Chi
Tags