(Thethaovanhoa.vn) - Thí sinh Olympia Phan Đăng Nhật Minh vừa giành điểm kỷ lục trong lịch sử 16 năm của kỳ thi này.
- Chiếc vòng nguyệt quế mạ vàng đầu tiên của Đường lên đỉnh Olympia đã có chủ
- Ai sẽ là nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2016
Cụ thể, vòng Về đích, dù Minh đã đạt tới 350 điểm, dẫn đầu đoàn leo núi, thí sinh này vẫn lựa chọn gói câu hỏi 80 điểm. Thêm nữa, ở câu hỏi cuối cùng, dù điểm số vẫn ở mức tương đối an toàn, thí sinh này vẫn lựa chọn Ngôi sao Hi vọng bất chấp rủi ro.
Niềm khát khao vươn tới đỉnh cao bỏ mặc những tính toán thắng thua thông thường cũng đã được Minh thể hiện tại cuộc thi Tuần hơn nửa tháng trước đó, trong ngày 23/10. Minh cũng lựa chọn gói câu hỏi "khó nhằn" nhất, đặt Ngôi sao Hi vọng lúc điểm tương đối và kết thúc với 400 điểm cùng vòng nguyệt quế tuần.
Nhật Minh giành được 460 điểm - điểm số kỷ lục suốt 16 năm lịch sử cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: Dân trí
Xa hơn, Phan Đặng Nhật Minh cũng từng gây sốt khi tham gia cuộc thi Chinh Phục dành cho học sinh THCS. Tại đây, tinh hoa về tính toán không cần thời gian nghĩ, về kiến thức bao khắp các lĩnh vực của Minh cũng đã sớm phát tiết. "Thần đồng"; "cậu bé Google" là những mỹ từ mà nhiều người xem truyền hình yêu mến dành cho Minh.
Hiện tại, Minh mới chỉ chiến thắng phần thi Tháng của kỳ thi Đường lên đỉnh Olympia 17. Để đến được vòng nguyệt quế của năm và lĩnh phần thưởng là suất đi du học Úc, Minh cần thêm 2 chiến thắng ở các kỳ thi Quý và Năm.
Đó là một con đường rất dài và nhiều chông gai. Nhưng, nhìn lại cả quá trình Phan Đặng Nhật Minh thể hiện, rõ ràng, dù thắng hay thua trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm nay, "cậu bé Google" vẫn là hiền tài, là "của hiếm" của nền giáo dục nước nhà.
Điều này gieo lên nhiều niềm vui và là một điểm sáng cần ghi nhận, trong nền giáo dục vốn đang có quá nhiều vấn đề của chúng ta.
***
Tuy nhiên, bên cạnh những niềm hân hoan khi xem "cậu bé Google" trả lời nhanh như máy, những người lo xa hẳn vẫn sẽ băn khoăn khi nhìn sang câu chuyện về những gương mặt từng nổi lên ở sân chơi này.
Theo những thống kê hiện có, 12/14 nhà vô địch năm của Đường lên đỉnh Olympia vẫn chưa trở về, sau khi được suất học bổng du học Úc của cuộc thi. Nhiều người trong số họ đã có công việc tốt ở nước ngoài. Một vài người khác vẫn bỏ ngỏ lựa chọn và tiếp tục học Tiến sĩ.
Thậm chí, dù không phải là nhà vô địch, Nguyễn Thành Vinh, Á quân Đường lên đỉnh Olympia mùa đầu tiên, cũng từng gây ra một số dư luận khác nhau về vấn đề này. Vinh nói rằng bản thân anh từng có ý định trở về nước sau khi học xong, nhưng anh không thấy cơ hội rõ ràng nên quyết định ở lại nước ngoài.
Đến đây, chúng ta cũng phải thẳng thắng nhìn nhận với nhau: dù làm việc ở trong hay ngoài nước, các hiền tài vẫn phần nào đóng góp trí lực cho quốc gia. Và hẳn nhiên, cách lập luận vốn phổ biến trong giới du học sinh rằng làm việc, nghiên cứu ở nước ngoài sẽ đóng góp nhiều hơn cho quốc gia cũng không hẳn là vô lý.
Nhưng, đó chỉ là tốt nhất, trong bối cảnh hiện thời, với cơ chế hiện thời.
Còn trên dặm dài phát triển, các quốc gia sẽ không thể trỗi dậy nếu "chất xám chảy máu". Nguyên khí quốc gia không thể thúc đẩy nước nhà đi lên nếu các du học sinh tài năng vẫn phải lưỡng lự trong chuyện về hay ở, hoặc thậm chí là rỉ tai "đi đi, đừng về".
Môi trường cạnh tranh trong công việc, quy chế trọng dụng người tài, chế độ đặc biệt cho trí thức tinh hoa... là những trở lực khiến hiền tài bị "chảy máu". Chưa hết, ngay ở trong nước, con số hơn 200 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp vẫn là nỗi ám ảnh của toàn xã hội.
Những cử nhân, thạc sĩ này cũng là lực lượng cạnh tranh việc làm trực tiếp với những hiền tài của Đường lên đỉnh Olympia 12 mùa trước, hay những "cậu bé Google" sau này, khi các em bước vào trường đời.
Và tất nhiên, dù "cậu bé Google" có thể giải các phép tính trong chớp mắt nhưng cậu sẽ chưa thể có lời giải trong bài toán cơ chế đang ảnh hưởng trực tiếp tới cậu cùng những tinh hoa của chúng ta.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Tags